Một năm, thêm 13.000 doanh nghiệp công nghệ số
Điểm lại những bước tiến đáng kể của các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam kể từ khi chiến lược Make in Vietnam được thực hiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau một năm, có hơn 13.000 DN công nghệ số ra đời. Theo ông đây là một con số kỷ lục khi lúc đầu ước tính phát triển thêm cao nhất là 6.000 DN một năm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 DN công nghệ số. Với mức phát triển này, mục tiêu 100.000 DN công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Theo ông, Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động, thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Bộ trưởng Hùng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19 suốt gần một năm qua: "Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này".
Một trong những bước tiến được ông nhấn mạnh là Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G, theo ông đây là kết quả của sự lao động sáng tạo và quyết tâm bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn trở ngại.
Hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0, một sản phẩm công nghệ số đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 của Tập đoàn VNPT, được Bộ TT&TT trao Giải thưởng xuất sắc nhất về thu hẹp khoảng cách số.
Trong số 50 sản phẩm, ứng dụng lần đầu tiên được bộ trao giải thưởng công nghệ số "Make in Vietnam" lần này có hàng loạt sản phẩm khác của tập đoàn như VNPT eKYC, hệ sinh thái VNPT SmartCloud, nền tảng học và thi trực tuyến (VNPT Learning), hệ thống quản lý và tương tác trực tuyến (VNPT ORIMX, VNPT Pay - Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam) cũng được ghi nhận ở các hạng mục khác nhau của giải thưởng.
Với những giải thưởng và ghi nhận trên cho thấy các doanh nghiệp số của Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm "Make in Vietnam" hoàn toàn mới. "Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Là thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.
Ông Ngô Diên Hy, tổng giám đốc VNPT-IT, cho rằng mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số đến năm 2030 sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề bởi thị trường Việt Nam chưa đủ không gian cho 100.000 doanh nghiệp số.
Do đó, theo ông Hy: "Tiến ra thị trường toàn cầu là sứ mệnh của doanh nghiệp số Việt Nam. Các doanh nghiệp số Việt Nam đang đi đúng hướng và có thể dần dần giải quyết mục tiêu này. Trong đó, các tập đoàn lớn phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt. Hiện nay VNPT đã ý thức rất rõ trách nhiệm này và đang trên lộ trình 'Go Global'".
Những câu chuyện Make in Viet Nam truyền cảm hứng
Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 là sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các DN công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư.
Trong câu chuyện của Viettel - doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu, ông Nguyễn Thanh Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) - chia sẻ về hành trình hơn 30 năm, từ một công ty xây lắp nhỏ thành lập năm 1989 trở thành tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam nhờ chuyển đổi số. Đến nay Viettel có doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 40 nghìn tỷ đồng, vào top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Thương hiệu viễn thông của Viettel đứng số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 28 của thế giới.
Người đứng đầu Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng có những chia sẻ tâm huyết về hành trình phát triển của nền công nghệ Việt Nam. Chia sẻ 3 câu chuyện khát vọng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, ông Bình nhắc lại thời điểm khởi đầu của FPT cách đây 20 năm. Tập đoàn lúc đó đứng trước nhiều khó khăn đã quyết định vươn ra thế giới từ rất sớm với một đội ngũ kỹ sư công nghệ giàu nhiệt huyết. Từ không có khách hàng nào, FPT nay đã có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ.
"Sự thật là Việt Nam đã có tên ở trên bản đồ số thế giới", Chủ tịch tập đoàn FPT khẳng định. Ông Bình cho biết, 3 năm trước, FPT đã đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số là robot tự động hoá. FPT xây dựng akabot, giúp doanh nghiệp tự động hoá quy trình. "Chúng tôi ban đầu xây dựng 135 con akabot để xử lý 135 tác vụ. 50 doanh nghiệp thế giới đã đặt mua akabot của FPT. Sản phẩm này đang nằm trong top 6 hay nhất thế giới", ông Bình chia sẻ.
Người đứng đầu Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng có những chia sẻ tâm huyết về hành trình phát triển của nền công nghệ Việt Nam. |
Tại diễn đàn, ông Trương Quốc Hùng - Tổng giám đốc Công ty VinBrain - chia sẻ 3 câu chuyện phát triển AI trong lĩnh vực y tế với tên gọi Biết, hiểu và cảm, ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank - chia sẻ về kinh nghiệm thiết lập nền tài chính số Make in Vietnam trong chính ngân hàng này, đưa TPBank từ ngân hàng non trẻ xếp chót trong bảng xếp hạng các ngân hàng thương mại, trở thành 1 trong 10 ngân hàng vững mạnh nhất về chất lượng.
Đại diện cho nền kinh tế chia sẻ, bà Nguyễn Hoàng Phương - Tổng giám đốc Be Group - dành nhiều thời gian để nói về công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp. Còn ông Phạm Kim Hùng – Người sáng lập và điều hành của Base.vn - nêu quan điểm, Make In Vietnam là phải tìm ra cách để phát triển sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh. "Make in Vietnam là sự kế thừa. Đây không chỉ là tinh thần mà còn thôi thúc để các công ty kiến tạo các sản phẩm tốt hơn để Việt Nam và thế giới sử dụng", đại diện Base.vn khẳng định.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 đã được trao cho 14 sản phẩm xuất sắc từ 239 sản phẩm dự thi.
Phát biểu trước hơn 1.000 đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ số tham gia diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 sáng ngày 23/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, cộng đồng DN công nghệ số với hơn 60.000 DN là một động lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Theo Thủ tướng, cộng đồng DN công nghệ số cần đi tiên phong, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc chuyển đổi công nghệ số vì một Việt Nam hùng cường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020. |
“Chúng ta không tham vọng làm chủ toàn bộ công nghệ của thế giới nhưng chúng ta phải làm chủ và có giải pháp của mình, và đó là điều cộng đồng DN công nghệ số nói riêng và cộng đồng DN nói chung, làm được, vì khách hàng của chúng ta là tất cả xã hội”, Phó Thủ tướng nói và tin rằng, ngành công nghệ là một trong những lĩnh vực được đầu tư để Việt Nam tạo ra sự phát triển bứt phá, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao nhân dịp 100 năm thành lập nước.