Việt Nam lọt Top 20 quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Internet đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.
Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Thay vì chỉ đơn giản là số hóa tài liệu, số hóa quy trình như trước đây, công nghệ số phát triển cho phép chúng ta đưa toàn bộ hoạt động của mình lên không gian mạng. Cuộc dịch chuyển này sẽ diễn ra với tốc độ nhanh, tạo ra tác động lớn lên cả 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, rộng hơn nữa.
Để làm được điều đó, Bộ TT&TT sẽ thực hiện một số định hướng lớn, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân. Mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao.
Một định hướng quan trọng khác là phát triển hạ tầng số quốc gia để đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy. Chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang không gian địa chỉ IPv6 và đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển (Hub Internet) của khu vực.
Tại Việt Nam, năm 2020 đươc coi là năm Chuyển đổi số quốc gia – tiền đề để tiến tới một Việt Nam số, nhất là trong bối cảnh vực dậy kinh tế hậu Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" ngày 03/06/2020.
Với xu hướng Internet đã trở thành hệ sinh thái cho chuyển đổi số, do vậy, Internet day 2020 được tổ chức với chủ đề “Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam.".
Bộ TT&TT cũng sẽ phát triển hệ sinh thái các nền tảng số, mở rộng không gian mạng quốc gia và phạm vi hoạt động của các nền tảng số Make in Viet Nam. Ngoài ra, đảm bảo an toàn thông tin, làm chủ hạ tầng số, không gian mạng và bảo vệ chủ quyền số quốc gia cũng là những nhiệm vụ được ưu tiên, chú trọng.
Bên cạnh việc nhìn lại chặng đường phát triển 20 năm của Internet Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, giờ là lúc thể hiện khát vọng đưa những dấu chân số Việt Nam ngày càng đi xa hơn và in dấu đậm nét trong không gian mạng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định: “Đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số quốc gia, làm chủ không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu. Bản chất của Internet là mở, dựa trên công nghệ mở, giao thức mở. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ và ứng dụng công nghệ của thế giới, từ đó làm chủ hạ tầng Internet và không gian mạng Việt Nam. Nếu như trước đây, chúng ta chú trọng vào mua sắm thiết bị phần cứng, rồi đến phần mềm thì nay, chúng ta chú trọng vào làm chủ dữ liệu và phân tích dữ liệu. Tại Diễn đàn công nghệ mở 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông và cộng đồng công nghệ đã cùng nhau cam kết và lựa chọn chiến lược mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam, để Make in Viet Nam.”
Theo ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet một cách thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.
Ba trụ cột chính của chuyển đổi số quốc gia
Hội thảo nhấn mạnh Chương trình Chuyển đổi số quốc gia gồm có 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Tại phiên thảo luận “Kinh tế số là trụ cột của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia”, Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh chia sẻ: “Với trung bình 1,7GB mỗi người tạo ra mỗi ngày, dữ liệu đang là nguồn tài nguyên vô hạn. Tuy nhiên, thách thức đặt ra tại Việt Nam là làm thế nào các doanh nghiệp trong nước có thể xử lý được hàng tỷ GB dữ liệu thô này, để tạo ra giá trị thay vì 99% đang do các doanh nghiệp nước ngoài xử lý như hiện nay, cũng như tạo dựng được cho người dân niềm tin rằng dữ liệu cá nhân của họ đang được tôn trọng, được bảo vệ. Ban hành Luật bảo vệ quyền riêng tư, phát triển các hạ tầng như digital ID (thay thế cho chứng minh nhân dân) và xây dựng mạng lưới trao đổi dữ liệu giữa các doanh nghiệp là những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Chính phủ trong 3-5 năm tới để kích thích sự bùng nổ của nền kinh tế số - dữ liệu số.”
Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh. |
Với mục tiêu tạo ra những sản phẩm mang tầm vóc quốc tế (world-class) và có thể “chinh chiến” tại các thị trường nước ngoài, VNG hiện đang tập trung nguồn lực phát triển những nền tảng công nghệ mang tính xu hướng trên thế giới như Điện toán đám mây VNG, Thanh toán điện tử ZaloPay, Cloud, eKYC trueID (giải pháp định danh người dùng thông qua tích hợp trí tuệ nhân tạo).
Tại sự kiện năm nay, VNG Cloud đã trình diễn nhiều sản phẩm chủ lực như vCloudcam với các tính năng: quản trị camera tập trung, tải camera lên cloud để xử lí nhanh chóng và tiết kiệm chi phí; quản lý an ninh chủ động thông qua tạo dựng hàng rào ảo và cảnh báo tức thì; hỗ trợ truy vết nhận diện biển số xe và giám sát chuyển động của người và vật thể xung quanh.
VNG Cloud cũng là một trong 5 doanh nghiệp đầu tiên được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) trao tặng chứng nhận “Nền tảng điện toán đám mây an toàn Việt Nam”, đáp ứng toàn bộ 153 tiêu chí về kỹ thuật và an toàn thông tin do Bộ ban hành. Với 2 trung tâm dữ liệu (Data Center) đặt tại Việt Nam và 10,000 máy chủ trên cả nước đảm bảo các quy định khắt khe về bảo mật với các chứng chỉ quốc tế, VNG Cloud đang cung cấp những giải pháp may đo cho các doanh nghiệp Việt nhằm tối ưu chi phí mà vẫn đảm bảo tính ổn định về vận hành.
“Sau dịch thì vấn đề chuyển đổi số có lẽ đã nằm trong kế hoạch kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Nếu như 5 năm trước câu hỏi đặt ra là vì sao phải chuyển đổi số, thì hiện câu hỏi là chúng ta cần làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. Cho đến thời điểm này thì các doanh nghiệp đám mây của Việt Nam đã làm chủ được về hạ tầng, công nghệ, lại có đội ngũ kỹ sư 24/7 luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng, thấu hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước nên có thể cung cấp các giải pháp tổng thể, từ đầu đến cuối để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp. VNG Cloud và VNCDC cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số”.
Nền tảng của chuyển đổi số là dữ liệu, là kết nối dữ liệu. Do đó, cơ chế và các quy định về chia sẻ, quản lý dữ liệu rất quan trọng. Làm sao để vẫn bảo đảm riêng tư cá nhân, vừa tạo điều kiện cho chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức, doanh nghiệp... để doanh nghiệp có một hành lang cung cấp dịch vụ tới khách hàng” – ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, CEO VNG Cloud, chia sẻ.
Trong vai trò Chủ nhiệm CLB Điện toán đám mây Việt Nam VNCDC, ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, CEO VNG Cloud, cũng tham gia phiên thảo luận chuyên đề: Hạ tầng số, hệ thống nền tảng số nhằm Hiện thực hóa khát vọng Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam. |
Báo cáo EGDI của Liên hợp quốc cho thấy, về Chỉ số phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam hiện xếp thứ 86, tăng 2 bậc và có điểm số cao hơn mức trung bình của Châu Á và Thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện xếp thứ 6 về chỉ số phát triển chính phủ điện tử, sau Philippines, Brunei, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong năm qua Việt Nam đã tăng 31 bậc, đứng thứ 69 thế giới. Với chỉ số xếp hạng nguồn nhân lực, Việt Nam tăng 3 bậc và xếp hạng 117. Ở chỉ số dịch vụ trực tuyến, Việt Nam bị tụt 22 bậc trên bảng xếp hạng.
Việt Nam hiện có khoảng 45.500 doanh nghiệp ICT. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này ước tính khoảng 126 tỷ USD, trong đó bao gồm cả đóng góp các doanh nghiệp FDI.
Tỷ trọng xuất khẩu CNTT&TT hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia. Xuất khẩu ICT Việt Nam hiện chiếm 3% tỷ trọng xuất khẩu ICT toàn cầu. Đây là những điểm sáng trong lĩnh vực ICT của Việt Nam.
Tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD, tiếp đó là truyền thông trực tuyến (3,3 tỷ USD), vận tải và thực phẩm (1,6 tỷ USD).
(Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT)