“Cánh đồng bất tận” giành giải thưởng văn học quốc tế
Đề tài tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một đề tài rộng lớn, trong đó có rất nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều góc nhìn để người sáng tác khai thác. Ở thế kỷ trước, văn học Việt đã có không ít tác phẩm “để đời” về đề tài nông thôn, trong đó tiêu biểu như Chí Phèo, Lão Hạc (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Thư nhà (Hồ Phương), Cái hom giỏ, Vợ chồng ông lão chăn vịt (Vũ Thị Thường), Vụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên)...
Lớp thế hệ nhà văn về sau cũng cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng về đề tài này như Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Cù lao Chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Nỗi đau dòng họ (Sương Nguyệt Minh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)... Tất cả là những món ăn tinh thần với nhiều lớp độc giả Việt Nam ở nhiều độ tuổi, trong đó nhiều tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với giới văn học quốc tế.
Mới đây, tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận (Endlose Felder), của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, được chuyển ngữ bởi Gunter Giesenfield và Marianne Ngô, vừa giành giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh tại Đức (Litprom), giải thưởng này được tổ chức từ năm 1987. Tác phẩm khai thác đời sống nông dân miền Tây Nam bộ, đã vượt qua 8 tác phẩm quốc tế khác được bình chọn để giành giải thưởng trị giá 3.000 euro (khoảng 81 triệu đồng).
Cánh đồng bất tận được viết vào năm 2005, là tác phẩm có dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của nhà văn vùng đất Cà Mau. Sinh ra trong gia đình nghèo, Nguyễn Ngọc Tư dang dở việc học năm 15 tuổi. Chị tự rèn luyện để cầm bút, chắt chiu những mảnh đời xung quanh mình để viết.
Vừa ra đời, Cánh đồng bất tận đã gây nhiều tranh luận trái chiều, nhưng cuối cùng được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng văn học năm 2006. Năm 2010, tác phẩm được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, gây “sốt” phòng vé với doanh thu khoảng 17 tỷ đồng. Trước khi đến Đức, tập truyện cũng đã được dịch tại Hàn Quốc, do NXB Asia tại Seoul ấn hành 3000 bản.
Ngày nay, đó là một hiện tượng hiếm hoi đối với đề tài nông thôn trong nền văn học đương đại Việt Nam. Dường như, không còn thấy ở các giá sách về văn học trẻ những tên tuổi, những tác phẩm đương đại nổi bật về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân trong thời đại mới. Mặc dù vẫn có những tác giả trẻ viết về đề tài này, nhưng hoặc không được đánh giá cao, hoặc không được người đọc quan tâm tới.
Thiếu vắng chất liệu nông thôn trong văn học trẻ
Trên thực tế, những cuộc thi sáng tác văn học về đề tài nông nghiệp, nông thôn vẫn được tổ chức hàng năm, nhưng để tìm ra tác phẩm chất lượng như “mò kim đáy biển”. Ví dụ, cuộc thi viết truyện ngắn và ký về đề tài nông nghiệp, nông thôn 2016 - 2017 do Quỹ Văn học Nhà văn Lê Lựu tổ chức đã trao giải nhưng không có giải nhất, dù có hơn 1.200 sáng tác của các tác giả trên toàn quốc.
Hoặc có lần trao thưởng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác về đề tài tam nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ trao cho các tác phẩm từ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước như: Lá non (Ngô Ngọc Bội), Ma làng (Trịnh Thanh Phong), Dòng sông mía (Đào Thắng)...
Nông thôn hiện nay gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, nên đề tài này cũng có nhiều biến đổi so với trước đây. Điều này đòi hỏi đội ngũ những người sáng tác phải có cái nhìn, cách tiếp cận mới về người nông dân. Để có tác phẩm chất lượng, tác giả cần xâm nhập thực tế, “sống cùng” với người nông dân ở các làng quê để có thêm góc nhìn, tư liệu.
Song, bởi quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ngày nay, tác giả không có nhiều cơ hội để tiếp xúc sâu với người nông dân như trước đây. Bên cạnh đó, “với đề tài nông thôn, tìm vấn đề viết không dễ”, Nhà văn Vân Thảo nổi tiếng với tiểu thuyết “Bí thư Tỉnh ủy” đánh giá: “Bởi người nông dân không giống với các tầng lớp khác, họ không nổi bật, sinh hoạt thường ngày dung dị; tác giả làm sao phản ánh được tâm hồn của người nông dân với đất nước, với xã hội, thể hiện được cái “chất” của nông dân là điều khó”.
Nhiều cây bút trẻ lo ngại viết về nông thôn sẽ không có người đọc. Thay vào đó, họ ưa chọn những đề tài về xung đột xã hội, đời sống đô thị, tình yêu lứa đôi, vừa dễ viết và dễ tiếp cận với bạn đọc ngày nay hơn.
Những tác phẩm nổi bật ngày nay có: Buồn làm sao buông (Anh Khang), Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Yêu đi rồi khóc (Hamlet Trương), Người lớn cô đơn (Nguyễn Ngọc Thạch), Tình yêu là không ai muốn bỏ đi (Phan Ý Yên), Tạm biệt, em ổn! (Tờ Pi), Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? (Rosie Nguyễn), Đàn bà 30 (Trang Hạ), Yêu anh bởi tất cả những gì em có (Gào), Hôm nay tôi thất tình (Hạ Vũ)…
Từng là một đề tài lớn của văn học Việt Nam, ngày nay, chúng ta phải “chật vật” tìm kiếm một tác phẩm sâu sắc, lột tả chân thực đời sống người nông dân trong thời đại mới. Tuy vậy, đây vẫn là một đề tài lớn, có nhiều chất liệu, nội dung để khai thác.
Nhà văn Văn Chinh từng viết “nông thôn là cố hương của con người, là “cuống nhau” của những “thai nhi” văn học”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: “Tôi không nghĩ viết về nông dân là để giới hạn cho người nông dân đọc. Cuốn sách mà để bất cứ bạn đọc nào cũng có thể hiểu người nông dân hơn, quan tâm đến họ hơn, yêu thương họ hơn, với tôi đã là một tham vọng lớn rồi”.