Clip giễu nhại 'làm cho vui' nhưng đầy tiềm năng

(PLO) - Cách đây nhiều năm, từ một câu chuyện trên mạng về chuyện “đòi quà” sau khi chia tay, một clip âm nhạc mang tên “Anh không đòi quà” theo lối trào phúng đã xuất hiện, để rồi hàng loạt clip tương tự ra đời sau đó. Đây chính là câu chuyện mở đầu cho trào lưu clip giễu nhại (parody) ở Việt Nam. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Đến nay, trào lưu này đã phát triển khá mạnh và đem lại thành công cho không ít nghệ sĩ. Nói đến người thành công và được biết đến nhiều nhất nhờ parody, phải kể đến BB Trần và Huỳnh Lập. BB Trần xuất thân từ nhóm hài BB & GG và nhiều clip phong cách parody cũng được nhóm dàn dựng và được cộng đồng mạng yêu thích.

Những clip được BB Trần chọn “làm lại” hầu hết là những MV ca nhạc đang “hot” của những ca sĩ nổi tiếng: Bùa yêu (Bích Phương, Đâu chỉ riêng em (Mỹ Tâm), hoặc phim điện ảnh được yêu thích như Để Hội tính. 

Điểm đặc sắc của các clip parody do BB Trần dàn dựng là cách kể chuyện của anh, tuy nhại lại câu chuyện, bài hát của người khác nhưng luôn mang một cá tính đặc biệt của riêng BB Trần. Đặc biệt là tài giả gái của BB Trần, khi anh vào vai nhân vật nữ trong MV nào, dù là Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Bích Phương… thần thái của anh đều như hóa vào nhân vật. 

Về Hùynh Lập, đây cũng là một cái tên quen thuộc trong giới parody. Nổi lên nhờ dự án điện ảnh parody Tấm Cám, chuyện Huỳnh Lập kể nhại lại phim điện ảnh Tấm Cám, chuyện chưa kể, thậm chí còn thu hút hơn. Sau đó, Huỳnh Lập cho ra mắt thêm các parody khác như Em gái mưa, Sống xa anh chẳng dễ dàng… 

Đặc điểm các clip parody của Huỳnh Lập luôn là cách kể chuyện đầy sáng tạo, phát triển dựa trên nền bản gốc chứ không hoàn toàn là giễu nhại. Huỳnh Lập cũng nổi tiếng với sự “chịu chơi” khi mỗi clip đều được đầu tư với kinh phí khá “khủng” cho một parody, có clip lên đến 2 tỉ đồng. 

Hay Quang Trung, một nghệ sĩ mới nổi trong làng parody với hai clip Bùa yêu và Mình yêu nhau từ kiếp nào. Cùng với Huỳnh Lập, BB Trần…, Quang Trung cũng là một người nhìn ra hướng đi đầy tiềm năng của parody. Với hàng triệu, chục triệu lượt view cho một clip giễu nhại trên Youtube, lợi nhuận mà các nghệ sĩ này thu về không phải là nhỏ, chưa kể đến thương hiệu cá nhân đã được xác lập. 

Làng parody Việt Nam tất nhiên không chỉ có những tên tuổi nói trên. Ngoài những parody được đầu tư nghiêm túc, nhiều nghệ sĩ đã phát triển parody theo hướng bình dân hơn. Một nhân vật khá nổi tiếng trong giới, được nhiều fan parody hâm mộ là Vanhleg.

Vanhleg thường làm clip nhại các MV theo hướng “bựa”, được giới trẻ yêu thích, tuy nhiên trong đó cũng không ít clip bị chê trách vì ngôn ngữ khá “chợ búa”. Trấn Thành, diễn viên hài kiêm MC nổi tiếng từng thực hiện vài clip parody với lượt xem và chia sẻ cao để “nhại” phi Thanh Vân và Lâm Khánh Chi. Tuy nhiên, các clip này cũng khiến anh bị chỉ trích vì trong sự giễu nhại có phần “đụng chạm”, thậm chí gây tổn thương cho đồng nghiệp. 

Parody không chỉ là một trào lưu, đó là một hướng đi khá thú vị của nghệ thuật. Tuy nhiên, để thành công trong hướng đi này, không đơn giản chỉ là bắt chước cho giống, nhại sao cho vui, vì giữa giễu nhại hóm hỉnh, sâu sắc và nhại nhảm nhí, câu khách hay xúc phạm hình thể người khác là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Và tất nhiên, sự thành công thật sự chỉ đến với những người nghiêm túc trong nghệ thuật, kể cả nghệ thuật giễu nhại. 

Đọc thêm