Mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách

(PLVN) - Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.

Yêu cầu trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, diễn ra chiều 24/11. Hội nghị được kết nối từ Trụ sở Chính phủ đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Không chỉ có quyết tâm mà phải có phương pháp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam. Do đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, người dân phải tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. “Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào? Làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào? Sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng nêu vấn đề

Sau khi nghe các báo cáo, đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, công tác truyền thông chính sách có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.

Do đó, truyền thông chính sách phải để dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm – dân thụ hưởng; giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền; góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.

Thủ tướng lưu ý, một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt cũng khó tạo được sự đồng thuận. Thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân. Để làm tốt công tác truyền thông chính sách đòi hỏi không chỉ có quyết tâm mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp, thậm chí phải là nghệ thuật.

Chính phủ xác định, truyền thông chính sách có vai trò quan trọng để thực hiện tốt Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham gia quán triệt, phổ biến hiệu quả, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước; từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện.

Tạo cơ chế, điều kiện để người dân góp ý, phản biện về chính sách

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác truyền thông chính sách được đặt ở vị trí quan trọng; ngày càng khoa học; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phương thức truyền thông mới được đẩy mạnh để điều tiết, định hướng thông tin, dư luận; tăng cường thông tin chính thống kịp thời, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Từ đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ ý thức tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật; tạo đồng thuận xã hội, góp phần đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.

Chỉ rõ công tác truyền thông chính sách vẫn còn những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị quán triệt đầy đủ, xuyên suốt tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về công tác truyền thông chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện về các chính sách trong quá trình soạn thảo theo hướng lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể của chính sách; thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật.

Đồng thời, phải bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách, gắn công tác truyền thông chính sách với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch…

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thống nhất cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của công tác truyền thông chính sách; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm truyền thông chính sách, bảo đảm linh hoạt, sáng tạo, chủ động, kịp thời, nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách; đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông chính sách, nhất là người đứng đầu. Không nên quan niệm truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới; tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách; chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trên biển; xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông chính sách có năng lực, có chuyên môn, bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả…

Đối với việc hoàn thiện quy định pháp luật, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách…/.

Tại Hội nghị, lãnh bộ các Bộ, ngành, cơ quan và địa phương tham luận sôi nổi nhiều vấn đề liên quan truyền thông chính sách. Các ý kiến phân tích, đánh giá sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn, sát thực tế; chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải và đề xuất các giải pháp, định hướng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Báo chí cách mạng thì cách mạng ở chỗ tiên phong, đi đầu. Báo chí thì phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội nước ta, không biến dòng phụ thành dòng chính. Dòng chính của chúng ta đang là tốt, bởi vậy phải lan toả cái tốt, tạo ra đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, niềm tin vào chế độ. Niềm tin xã hội là một sức mạnh, làm mất niềm tin xã hội là làm xói mòn sức mạnh quốc gia.

Báo chí cũng phải phê bình cái xấu trong xã hội… Báo chí thì không chỉ đưa tin mà còn là các bài phân tích, đề xuất các giải pháp. Tạo ra các không gian cho người dân, chuyên gia tham gia tranh luận, tìm kiếm giải pháp, chính sách để phát triển đất nước. Đây sẽ là đóng góp mới của báo chí.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, công tác thông tin tuyên truyền và truyền thông chính sách phải gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận; nâng cao chất lượng định hướng và hiệu quả quản lý mạng xã hội, củng cố thái độ kiên quyết, nâng tầm trình độ đấu tranh, phê phán của mỗi chủ thể, mỗi con người. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và lập trường tư tưởng, ý thức chính trị của cán bộ quản lý, đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí cũng như những người làm công tác truyền thông ở các bộ, ngành, địa phương, tiến tới xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách có chất lượng cao làm chủ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái trong chính trị, văn hóa.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm; đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Đề án 407, nhất là việc ban hành kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách, bố trí kinh phí, con người để thực hiện hiệu quả Đề án; đưa việc đánh giá tình hình thực hiện truyền thông dự thảo chính sách là một trong các nội dung để Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này.

Đọc thêm