Xác định rõ trách nhiệm của các ngành trong truyền thông chính sách

(PLVN) - Nhiều địa phương trong cả nước đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027"...

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027".

Triển khai thực hiện Đề án, tại Tuyên Quang, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, có nhóm nhiệm vụ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách. UBND tỉnh chỉ rõ, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm chủ động quán triệt, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, các Tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổ chức quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác này bằng hình thức phù hợp cho cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân thành viên.

Tại Lai Châu, kế hoạch của UBND tỉnh xác định các mục tiêu cụ thể: Tổ chức đồng bộ, kịp thời việc quán triệt, hướng dẫn, tập huấn, xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trên phạm vi toàn tỉnh. Từ năm 2023, phấn đấu 100% chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh và 70% chính sách có tác động lớn đến cán bộ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thuộc phạm vi điều chỉnh của Kế hoạch triển khai Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài việc phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh và cấp huyện về truyền thông dự thảo chính sách UBND tỉnh Lai Châu chỉ rõ cần xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách, các hình thức truyền thông về dự thảo chính sách; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông dự thảo chính sách và huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách.

Tại Thái Bình UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng dự thảo chính sách đối với các chính sách có đủ các tiêu chí: Là các chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh.

Tại Kon Tum, trong kế hoạch mới ban hành, UBND tỉnh yêu cầu xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ, trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg. Trong nhiều giải pháp thực hiện, Kon Tum xác định: Huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách: Phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật.

Tại Bắc Kạn, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động quán triệt, chỉ đạo, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách.

Với việc ban hành các kế hoạch triển khai với những nội dung, giải pháp cụ thể, việc truyền thông chính sách sẽ sớm triển khai có hiệu quả trên thực tiễn tại các địa phương, góp phần đưa Đề án của Chính phủ vào cuộc sống.

Đọc thêm