Mang thai hộ: Bất cập từ luật có cản trở khát khao làm cha mẹ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để bảo đảm tính nhân văn, tính nhân đạo của việc mang thai hộ cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với các chủ thể trong mối quan hệ này, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã chế định hóa vấn đề mang thai hộ trong nội dung luật. Có hiệu lực từ 1/1/2015, sau gần 10 năm luật có hiệu lực, thực tiễn cho thấy, để mục đích tốt đẹp của việc mang thai hộ đạt hiệu quả cao hơn vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện luật.
Bất cập từ quy định pháp luật về mang thai hộ có cản trở khát khao làm cha mẹ? (Ảnh minh họa - Nguồn: TVPL)
Bất cập từ quy định pháp luật về mang thai hộ có cản trở khát khao làm cha mẹ? (Ảnh minh họa - Nguồn: TVPL)

Nhu cầu có thật

Trước khi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN-GĐ 2014) có hiệu lực, mang thai hộ là một vấn đề khá nổi cộm. Bởi thực tiễn xã hội cho thấy, mang thai hộ và nhu cầu về mang thai hộ là một nhu cầu có thật, để giúp nhiều cặp vợ chồng có con khi họ chẳng may rơi vào trường hợp đặc biệt như phụ nữ có tử cung không bình thường (tử cung bị dị dạng, tử cung bị bệnh lý như u xơ hay bệnh về nội mạc, do tai biến sản khoa trước đó phải cắt bỏ tử cung); hoặc sức khỏe không cho phép để mang thai như những người mắc bệnh tim...

Tuy nhiên, trước Luật HN-GĐ 2014, việc nghiêm cấm hành vi mang thai hộ nhằm tránh những tiêu cực như mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, lách luật để sinh con thứ ba... Chưa kể mang thai hộ làm phát sinh nhiều tranh chấp dân sự phức tạp giữa các chủ thể có liên quan. Song, ở chiều ngược lại, việc nghiêm cấm này lại hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Chính vì thế, Luật HN-GĐ 2014 đã chế định hóa vấn đề mang thai hộ trong nội dung luật.

Cụ thể, khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều 95 trong Luật HN-GĐ 2014 quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như: vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi đang không có con chung; người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần... Các quy định này được đánh giá là một bước tiến lớn, có tính nhân văn cao trong việc bảo đảm việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của công dân, tạo cơ chế pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn trong việc ngăn chặn các hành vi trục lợi của việc mang thai hộ.

Sửa luật để đáp ứng khát khao của những cặp vợ chồng “đặc biệt”

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành quy định về mang thai hộ trong Luật HN-GĐ 2014 cũng cho thấy không ít bất cập mà nói như nhiều chuyên gia pháp lý, vô hình chung đã “cản trở” niềm vui của những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Ngay sau khi Luật HN-GĐ 2014 có hiệu lực được hơn 1 năm, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khi trao đổi với truyền thông đã nêu quan điểm: “Theo tôi, sau một năm thực hiện quy định cho phép mang thai hộ phát sinh vấn đề cần sửa đổi lại. Đó là luật quy định những cặp vợ chồng chưa có đứa con nào mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên trong thực tế, có những cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng đứa con đó bị tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền, gene. Thậm chí vì sự can thiệp thủ thuật đó mà người mẹ bắt buộc phải cắt tử cung.

Trong khi đó, noãn, trứng của vợ, tinh trùng của chồng bình thường. Những trường hợp này, nếu họ được sinh thêm con nữa là hoàn toàn chính đáng. Trẻ được sinh ra bằng mang thai hộ sau này sẽ là chỗ dựa, chăm sóc cho bố mẹ và người anh/chị bị tật nguyền. Hiện luật pháp không cho phép, nên nếu bây giờ làm như vậy lại là sai. Đã là luật thì phải thực hiện nghiêm, nhưng trong thời gian tới, ta nên điều chỉnh, sửa đổi lại những điều, những khía cạnh chưa thật phù hợp với thực tiễn. Tôi cho là nếu sửa sẽ rất nhân văn khi giải quyết được những nhu cầu, khát khao chính đáng của các cặp vợ chồng hiếm muộn”.

Bất cập này một lần nữa được ông Lê Bá Thiếu - Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Nghệ An đề cập tới trên Cổng TTĐT của Sở về thực tiễn thi hành Luật HN-GĐ 2014. Theo đó, đối với trường hợp vợ chồng nhờ mang thai hộ, tại điểm b khoản 2 Điều 95 Luật HN-GĐ 2014 quy định một trong những điều kiện bắt buộc để được nhờ mang thai hộ là “vợ chồng đang không có con chung”. Theo ông Lê Bá Thiếu, quy định này một mặt đã hạn chế quyền có con thứ hai của các cặp vợ chồng vì điều kiện sức khỏe chỉ sinh được một con. Mặt khác, chưa bảo đảm tính nhân đạo của pháp luật đối với những cặp vợ chồng tuy đã có con chung nhưng người con bị khuyết tật, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự... bởi đối với những vợ chồng trong hoàn cảnh này quyền có thêm con là rất chính đáng.

Cùng quan điểm, thông tin trên Cổng TTĐT Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, bà Trần Thị Tâm cán bộ Phòng 9 cho biết: “Để mục đích tốt đẹp của việc mang thai hộ đạt hiệu quả cao hơn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế hoặc hướng dẫn áp dụng đối với việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của những cặp vợ chồng đã có con chung nhưng con bị khuyết tật hoặc bệnh về trí não, vợ chồng không thể sinh con tiếp nhưng không có quyền được nhờ người khác mang thai hộ vì quy định như hiện nay rất ảnh hưởng đến gia đình họ”.

Từ những quan điểm trên, có thể thấy, theo luật hiện hành, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ điều kiện vợ chồng không có con chung. Quy định này đã hạn chế quyền có con thứ hai, trường hợp vợ chồng vì lý do khách quan mà chỉ sinh được một con thì theo quy định trên sẽ không có quyền nhờ người mang thai hộ con thứ hai. Trong khi chính sách của Nhà nước khuyến khích mỗi gia đình có một đến hai con để bảo đảm sự phát triển ổn định về dân số đất nước. Do đó, bất cập trong chế định này cần sớm được quan tâm để sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, thực tế trong lĩnh vực mang thai hộ cũng cho thấy cần nghiên cứu một loạt các quy định khác như: mở rộng đối tượng có thể mang thai hộ miễn sao họ có mục đích nhân đạo, hỗ trợ vợ chồng trong việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ; cơ chế giải quyết tranh chấp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo...

Đọc thêm