Thông qua các hoạt động trong chương trình, BĐBP đã phối hợp trao tặng, hỗ trợ hàng chục nghìn suất quà; hàng trăm công trình dân sinh, hàng nghìn “Nhà mái ấm biên cương”... Đây là sự tiếp nối đạo lý truyền thống tương thân tương ái, tri ân với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (ANBGQG).
Vui Tết quân dân
Xã biên giới Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, Lai Châu) có bà con 3 dân tộc La Hủ, Mảng và Kinh sinh sống, trong đó dân tộc La Hủ chiếm 94%. Tham dự chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại bản Thò Ma, người dân ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi khi được cùng các anh BĐBP gói bánh chưng xanh tặng hộ nghèo; tham gia vào các tiết mục văn nghệ; thi các trò chơi dân gian dân tộc như kéo co, đẩy gậy; đến “gian hàng 0 đồng” để lựa chọn các nhu yếu phẩm, quần áo chuẩn bị cho ngày Tết...
Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết, việc tổ chức chương trình góp phần củng cố mối đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, ANBGQG trong tình hình mới.
Thực hiện chương trình năm 2024 tại xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp các lực lượng xây dựng 5 “Nhà mái ấm biên cương”, tặng hơn 480 triệu đồng tiền mặt; trao hơn 1.600 suất quà, thuốc chữa bệnh, với tổng trị giá hơn 1,7 tỷ đồng. Chương trình góp phần mang đến cho đồng bào khu vực biên giới một cái Tết thêm no ấm, trọn vẹn.
Sáng 14/1, tại bản Mồ Sì San (xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), Đồn Biên phòng (ĐBP) Vàng Ma Chải phối hợp Đảng ủy, UBND xã tổ chức chương trình. Ông Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, dự, chúc Tết, tặng quà nhân dân, cán bộ, chiến sỹ.
Mồ Sì San là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 71%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,42 triệu đồng/người/năm. Bản Mồ Sì San là bản đặc biệt khó khăn của xã với 178 hộ, trong đó 125 hộ nghèo.
Năm 2023, tỉnh và huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ xây mới 15 ngôi nhà cho hộ nghèo với tổng giá trị trên 600 triệu đồng, góp phần tạo điều kiện để nhân dân ổn định cuộc sống và hưởng ứng các phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phát biểu tại chương trình, ông Hà nhấn mạnh: ““Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” là một chương trình hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy đảng, chính quyền với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Chương trình được duy trì thực hiện hằng năm với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, giúp bà con được đón Tết trong không khí đầm ấm, vui tươi, đầy đủ hơn. Qua đó, tô đậm thêm truyền thống gắn bó keo sơn giữa những người lính “quân hàm xanh” với đồng bào các dân tộc vùng biên cương Tổ quốc”.
Những hoạt động thiết thực
|
Bộ đội cùng Nhân dân gói bánh chưng đón Tết. (Ảnh: Dương Nương) |
Mấy ngày nay, không khí thôn Nông Kon, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nhộn nhịp hẳn lên. BĐBP, cán bộ tỉnh, huyện, xã đã xuống cùng bà con trong thôn dọn dẹp, trang hoàng đường làng ngõ xóm, luyện cồng chiêng, chuẩn bị tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” gắn với “Ngày hội Bánh chưng xanh” Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, kết hợp khánh thành, bàn giao nhà rông của thôn, là công trình dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh năm 2023.
Nhà rông thôn Nông Kon được xây dựng hoàn thành sau gần 3 tháng thi công, diện tích hơn 200m2, làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên và theo bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng, tổng kinh phí gần 150 triệu đồng và 2.000 ngày công lao động.
Các chị em trong thôn gói gần 400 bánh sừng trâu, là bánh truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng không thể thiếu trong bất cứ lễ hội hay ngày vui nào của làng, của gia đình. Một số chị em khác lấy lá dong gói và nấu 200 chiếc bánh chưng, làm cơm lam. Toàn bộ gạo nếp, đậu xanh được BĐBP cung cấp.
Đến nay, xã Đắk Dục chỉ còn 50 nghèo và 20 hộ cận nghèo trong tổng số 1.521 hộ; thu nhập bình quân đầu người 45 triệu đồng/năm. Theo kế hoạch, từ nay đến 4/2/2024 (nhằm ngày 25 tháng Chạp), nhiều ĐBP sẽ phối hợp với 12 xã biên giới của tỉnh tổ chức chương trình. Để mọi người dân trên khu vực biên giới (KVBG) đều được hưởng trọn vẹn một cái Tết ấm áp, nghĩa tình, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, BĐBP tỉnh sẽ hỗ trợ 3.600kg gạo nếp để các cán bộ, chiến sĩ ĐBP cùng bà con các xã biên giới gói bánh chưng đón Tết.
Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, trong dịp này, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp một số DN, cơ quan hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 1 căn nhà Đại đoàn kết trị giá 50 triệu đồng; trao tặng 600 lá cờ Tổ quốc, 4 quạt trần, 30 suất quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng quà của Bộ Tư lệnh BĐBP cho 10 cháu thuộc dự án “Nâng bước em tới trường” có thành tích cao trong học tập; trao tặng học bổng quý I/2024 cho các cháu trong chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi ĐBP” trên địa bàn xã Đắk Dục.
Xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%, tộc người Đan Lai 12%, dân tộc Kinh 8%. Tỷ lệ hộ nghèo tại đây 26,6% (nhất là tộc người Đan Lai có 100% hộ nghèo)... một số hộ chưa có điều kiện để chăm lo, đón Tết.
Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại xã có các hoạt động như giao lưu văn hóa văn nghệ; trao 200 phần quà gồm chăn, nệm, quần áo, bánh kẹo... tặng Nhân dân và học sinh trên địa bàn xã với tổng trị giá khoảng 50 triệu đồng.