Mạnh dạn thí điểm khung pháp lý quản lý thuốc lá thế hệ mới

(PLVN) - Tọa đàm về “Quản lý thuốc lá thế hệ mới – Cần góc nhìn mới” vừa được Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện từ một số bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước.
Các đại biểu dự tọa đàm.

Buổi tọa đàm nhằm ghi nhận các ý kiến thảo luận về vấn đề chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), cách tiếp cận mới phù hợp với lợi ích các chủ thể liên quan và thực tiễn xã hội ở Việt Nam, góp thêm góc nhìn về chính sách quản lý đối với TLTHM.

Có thể tham khảo thông lệ quốc tế

Hút thuốc lá là một trong những tác nhân gây hại cho sức khỏe con người. Việt Nam hiện vẫn đang là một trong 15 quốc gia có mức tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới.

Ngoài thuốc lá điếu, nhiều loại hình thuốc lá mới (được gọi chung là TLTHM) đã xuất hiện theo sự phát triển của công nghệ. Tại Việt Nam, sản phẩm này đã xuất hiện ở nhiều kênh khác nhau dù chưa được phép thương mại. Dựa vào nhu cầu của người dùng trong nước, các sản phẩm được đưa vào Việt Nam thông qua buôn lậu trái phép hoặc “xách tay”.

Tình trạng nhập lậu ngày càng đáng báo động trong khi các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý vì sản phẩm này chưa xuất hiện trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào, chỉ gộp chung vào loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) ban hành 2012. Vào thời điểm ban hành Luật, chưa có TLTHM tại thị trường Việt Nam nên các sản phẩm này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật.

Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản... có công nhận TLTHM không an toàn và không dùng để cai thuốc lá điếu, nhưng các nước này vẫn đưa vào quản lý và khuyến khích các giải pháp thay thế hơn là để người hút thuốc tiếp tục với thuốc lá điếu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công nhận là sản phẩm gây hại nhất.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là không thể dùng Luật PCTHTL để quản lý các sản phẩm TLTHM. Có thể thấy, các quy định, thông lệ quốc tế đã giúp Việt Nam không phải tốn thêm thời gian phân loại và xác định hình thái, bản chất sản phẩm. Thay vào đó, có thể dựa trên những công nhận của quốc tế để đưa sản phẩm vào quản lý dưới Luật hiện hành.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm quốc tế, Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) Lê Thành Hưng cho hay: Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ cho phép một số loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được phép thương mại do đáp ứng tiêu chí về “giảm phơi nhiễm”.

Từ góc độ quản lý nhà nước của ngành Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Quản lý qiám sát về hải quan (Tổng cục Hải quan) Đào Duy Tám cho biết, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm TLTHM để phục vụ hoạt động kinh doanh tiêu dùng trong nước và bán tại các cửa hàng miễn thuế phục vụ hành khách xuất nhập cảnh của các doanh nghiệp là có thật.

Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã rà soát và tạo ra một nhóm mới trong danh mục HS là nhóm 2404, trong đó đưa sản phẩm TLTHM không đốt cháy (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm nicotin ngậm). Đây là nhóm HS mới và hoàn toàn tách biệt so với nhóm HS của các loại thuốc lá truyền thống hiện nay. Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến trao đổi của các nước thành viên thì WCO đã hướng dẫn áp dụng mã HS vào nhóm 8543 đối với các thiết bị điện tử làm nóng thuốc lá.

Cần sớm có câu trả lời về chính sách quản lý TLTHM

Theo ông Lê Thành Hưng, cho dù còn những tranh cãi về các sản phẩm TLTHM, về tính năng tác dụng cũng như việc áp dụng pháp luật thì không thể phủ nhận rằng sản phẩm TLTHM xuất hiện tại Việt Nam đang được một bộ phận người tiêu dùng sử dụng. Hiện nay, toàn bộ các quy định như nghị định, quy chuẩn kỹ thuật về thuốc lá hiện hành vẫn chỉ được áp dụng cho các sản phẩm thuốc lá truyền thống. Pháp luật cần điều chỉnh theo kịp các hiện tượng xuất hiện trong đời sống kinh tế-xã hội, nên cần có một khung pháp lý phù hợp cho mặt hàng này.

Đây cũng là công việc mà Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan đã thực hiện từ hơn 4 năm qua để xây dựng chính sách quản lý đối với TLTHM. Trong đó bao gồm các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan thông qua các hội thảo, họp mặt trực tiếp. Dựa trên ý kiến của các bộ ngành, kể cả mối quan ngại của Bộ Y tế về tác động của sản phẩm đến sức khỏe cộng đồng, Bộ Công Thương cũng đã có những đề xuất trình Chính phủ trong thời gian qua và hướng tiếp cận mới nhất là phương án thí điểm cấp phép đối với thuốc lá làm nóng – sản phẩm TLTHM có thành phần là thuốc lá.

Phó trưởng Phòng Công nghiệp thực phẩm (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) Vũ Đức Nam nhấn mạnh, nhu cầu quản lý TLTHM là cần thiết và nhiệm vụ này cũng đã kéo dài trong nhiều năm qua, do vậy cần sớm có câu trả lời cho Chính phủ cũng như mong mỏi của cộng đồng. Trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan vào cuối tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã có báo cáo về việc đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng.

Các quốc gia tiên phong, có trình độ khoa học – kỹ thuật phát triển tiên tiến và có nhiều chính sách quan tâm về y tế cộng đồng như EU, Anh, Mỹ hay New Zealand sẽ là những thông tin khoa học đáng tin cậy để chúng ta có thể tham khảo và áp dụng.

Gần đây nhất, ngày 26/10/2021, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu làm rõ thêm các cơ sở pháp lý, đánh giá các sản phẩm TLTHM, đồng thời chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong thời gian chưa được phép lưu thông, sử dụng sản phẩm TLTHM thì theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác phòng chống buôn lậu các sản phẩm TLTHM.

Bàn về vấn đề này, Phó Trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Lưu Bình Nhưỡng cho biết, chương trình thí điểm mà Bộ Công Thương đề xuất mang tính tình thế, dung hòa giữa yêu cầu quản lý và đánh giá tác động xã hội. Nếu làm tốt thí điểm sẽ giúp Chính phủ đánh giá được chính sách quản lý, sử dụng cũng như xử lý vi phạm về thuốc lá nói chung, TLTHM nói riêng. Ngoài ra, việc thí điểm còn là biện pháp để kiểm soát tình trạng buôn lậu, qua đó bảo vệ kinh tế quốc gia, đồng thời kiểm soát cảnh báo, góp phần bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ thị trường nội địa trước tình trạng buôn lậu.

Đọc thêm