Nhóm đối tượng đem tiền “ảo” này bán cho khách hàng tham gia sau để thu tiền thật. Tổng số tiền các bị cáo trong đường dây bán hàng đa cấp trái phép này lừa của hàng vạn người lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đường dây đa cấp “rởm” xuyên quốc gia
Theo kết luận điều tra, khoảng tháng 2/2010, Lâm Phúc Hùng (57 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) tìm hiểu thông tin trên mạng internet, phát hiện trang web có tên miền Usdiamondholyday.com của công ty DHT hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa cấp, với gói sản phẩm đặt phòng du lịch bốn ngày ba đêm, dành cho hai người ở khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao; hoặc khu nghỉ dưỡng trên toàn thế giới với giá ưu đãi chỉ 325USD/1 mã số ID.
Hùng in toàn bộ nội dung trang web đưa cho Phạm Hồng Thanh (49 tuổi, ở quận Đống Đa) dịch sang tiếng Việt. Nhận thấy đây là mánh kiếm tiền mới, bộ đôi rủ Phạm Thị Thủy (43 tuổi, ở quận Ba Đình) tham gia.
Thủy nhờ người khác liên hệ mua tạo mã vào hệ thống thành viên DHT. Sau đó, Thủy đã đặt mã ID đầu tiên tại Việt Nam cho mình, dưới Thủy là hai mã ID của Hùng và Thanh.
Sau khi tham gia hệ thống DHT, Hùng lập ra chi nhánh Công ty DHT Đông Nam Á, DHT Việt Nam và lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia. Cả nhóm bàn bạc thành lập CLB Du Khách do Hùng làm chủ nhiệm.
Cùng thời gian trên, thông qua người đàn ông ngoại quốc quen biết, Thủy liên hệ với quản lý hệ thống DHT tại Hồng Kông và thỏa thuận về việc lôi kéo người nộp tiền đặt phòng tại hệ thống DHT, thông qua CLB Du Khách.
Đại diện DHT Hồng Kông đã chuyển cho Hùng, Thanh, Thủy 100 ngàn USD tiền “ảo” vào ví điện tử của Thủy, để CLB sử dụng tiền này mua tiền thật của những người tham gia sau, và tạo mã ID cho họ với giá 340USD/mã ID.
Sau thời gian dài điều tra, CATP Hà Nội xác định CLB Du Khách và các công ty trên không có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh trên mạng internet và kinh doanh đa cấp, nhưng vẫn quảng bá, kinh doanh thương mại điện tử đa cấp.
Hình thức kinh doanh là người tham gia trước lôi kéo nhiều người tham gia sau sẽ được thưởng theo cấp độ bằng tiền “ảo” trong ví điện tử. Muốn lấy tiền thật, thành viên phải lôi kéo người khác tham gia hệ thống để bán tiền “ảo” trên lấy tiền thật.
Do máy chủ của hệ thống đa cấp lừa trên đặt ở nước ngoài nên khi CQĐT khởi tố vụ án không thu được thông tin hệ thống internet. Vì vậy, CQĐT căn cứ vào các chứng từ điện tử thu giữ được từ hệ thống còn hoạt động, sổ sách, bản thỏa thuận đăng nhập thành viên hệ thống, danh mục thông tin chuyển tiền “ảo”, danh sách mã số, phụ lục tài khoản để xác định danh sách các thành viên đã tham gia và số tiền từng người nộp vào hệ thống.
Theo kết luận điều tra, CLB Du Khách đã quảng bá và bán 2403 mã số khách hàng mua gói dịch vụ đặt phòng du lịch của hệ thống DHT, thu hơn 14 tỷ đồng.
Thủ đoạn bán tiền “ảo” thu tiền thật
Ba đối tượng trên còn tự in ấn, quảng bá, vận động người khác tham gia mua gói sản phẩm tại CLB Du Khách với nội dung: Khách hàng tham gia được cấp mã ID để kinh doanh thương mại điện tử qua hình thức bán hàng đa cấp trên mạng internet.
Chính sách trả thưởng của CLB này là: Một người tham gia hệ thống sẽ được xếp vào một bàn du khách (gọi là bàn vàng). Khi bàn đủ 15 người, bàn trưởng sẽ được thưởng 1.000USD “ảo” vào ví điện tử và chuyển sang bàn kim cương (bàn đỏ).
Việc bàn trưởng được nhận thưởng và chuyển sang bàn kim cương như trên gọi là “bật đèn vàng”, đồng thời tự tách thành hai bàn vàng khác để tiếp tục bố trí thành viên mới tham gia.
Muốn trở thành bàn trưởng bàn vàng phải vận động nhiều người tham gia để nâng dần cấp độ. Càng vận động được nhiều người tham gia hệ thống thì càng leo lên vị trí cao hơn trong mạng lưới đa cấp, càng được hưởng nhiều hoa hồng.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 2/2010 đến hết tháng 7/2010, CLB Du khách hoạt động không có bất kì loại giấy tờ xin phép, đăng kí với các cơ quan chức năng nhà nước theo quy định.
Tháng 5/2010, Thủy nhận thấy bản chất của khoản tiền thưởng cho các thành viên lôi kéo được nhiều người khác vào hệ thống chỉ là tiền “ảo” nên không tiếp tục tham gia hệ thống CLB Du Khách nữa, nhưng vẫn tham gia hệ thống DHT để hưởng lợi và sắp xếp cho người khác tiếp tục quản lý.
Căn cứ tài liệu thu thập được, CQĐT xác định Hùng, Thanh, Thủy bán gói đặt phòng du lịch bốn ngày ba đêm của hệ thống DHT trên mạng internet, thu tiền mặt của hơn 1 ngàn người bằng hình thức trực tiếp, hoặc thông qua người tham gia trước giới thiệu cho người sau, với 2403 mã số, thu số tiền hơn 8 tỷ đồng và gần 300USD.
Ngoài ra, Hùng, Thanh, Thủy còn thu tiền hệ thống của các nhánh tham gia hơn 800 triệu đồng. Tại CQĐT, các đối tượng đều thừa nhận hành vi phạm tội cũng như số liệu CQĐT tổng hợp.
Trong vụ án trên, không chỉ các “trùm sò” chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng mà những đối tượng “chân rết” cũng tự ý quảng bá bán hàng đa cấp thu lợi số tiền không hề nhỏ. Nổi cộm là Nguyễn Thị Bắc (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Bắc, ngụ đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội).
Theo kết quả điều tra, tháng 3/2010, Bắc tham gia hệ thống DHT, sau đó lôi kéo nhiều người tham gia và thu tiền mua mã số ID của những người này để hưởng lợi, thông qua tiền thưởng “bật bàn”.
Tháng 11/2010, Bắc đổi tên Công ty Xuân Bắc thành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thượng Hải. Công ty này không có chức năng kinh doanh bán hàng đa cấp trên mạng internet. Tháng 12/2011, Bắc tiếp tục đổi tên Công ty thành Công ty CP Thương mại và dịch vụ Thượng Hải để tiếp tục tổ chức quảng bá bán hàng.
Bắc thuê người làm kế toán, thủ quỹ, nhân viên kinh doanh để mở rộng việc lôi kéo thêm người tham gia. Căn cứ tài liệu sổ sách thu thập, CQĐT xác định Công ty của Bắc đã thu lợi bất chính hơn 25 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, các đối tượng khai nhận Công ty của Bắc kinh doanh dịch vụ đặt phòng không có thật, vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài như quảng cáo, tiền thưởng khi người tham gia “thoát bàn” đều là tiền “ảo”. Việc trả tiền thật thực chất do người Việt Nam trả với hình thức thu tiền của người tham gia sau trả cho người trước.
Bị cáo kêu mình cũng là bị hại
Trong phiên tòa đang diễn ra, bị HĐXX thẩm vấn, bị cáo Bắc dành cả tiếng đồng hồ nói về quá trình bị bắt rồi lấy lời khai tại CQĐT. Bị cáo cho rằng việc hàng trăm người viết đơn tố cáo mình là do phía sau có người khác “đạo diễn”, các bị hại chỉ kí và nộp đơn.
Bắc bị tạm giam ngày 4/3/2013, theo bị cáo đó chỉ là “hiểu lầm” và tin rằng không lâu sẽ được thả. “Tôi không lừa ai cả. Tại CQĐT, tôi không được chứng minh số tiền thâm hụt”, bị cáo nói.
“Vậy bị cáo mua mã, chuyển tiền có giấy tờ gì chứng minh không?”, HĐXX hỏi. Bị cáo giải thích một hồi rồi trả lời “không”.
Tòa tiếp: “Trước đó bị cáo có đơn tố cáo ông Hùng không?”. Theo bị cáo, trước đó bản thân có làm đơn tố cáo nhưng do điều tra viên đọc, bản thân chỉ chép lại, hôm sau thấy làm như vậy là không đúng nên viết một lá đơn khác. Tuy vậy, lá đơn đầu tiên bị cáo không được nhận lại.
Để làm rõ hơn nội dung này, HĐXX đã đọc lại bản tự khai của bị cáo Bắc tại CQĐT. Theo đó, Bắc khai nhận tự thấy việc làm của mình là lừa đảo nhưng khuyên bị cáo Hùng dừng lại không được. Các bị cáo đã sang Lào để mua mã số. Những khoản tiền các thành viên đóng góp lại, bị cáo mua mã ID để nâng cấp cao hơn.
Đã từng có thời gian mạng lưới của Bắc phát triển “nóng”, phải chia theo hệ thống để đỡ “tắc đường truyền”. Khi mạng lưới phát triển nhanh chóng, bị cáo Bắc được hưởng 3% giá trị toàn cầu, lúc đó bị cáo mới nhận thức được việc lừa đảo.
Bắc cũng như các bị cáo khác đều cho mình chỉ là bị hại. Bắc mở công ty trả lương cho nhân viên bằng tổ chức sự kiện và du lịch. Số tiền thu của mọi người được tái đầu tư để bị cáo có thể lên “ngôi vị” cao nhất trong hệ thống bán hàng đa cấp.
Bị cáo mượn giấy chứng minh nhân dân của rất nhiều người thân trong gia đình trong đó có Trọng. “Trọng là cháu tôi, bị ung thư dạ dày. Cháu đã đưa sổ đỏ của gia đình, vay 2,8 tỷ đồng cho tôi đầu tư. Giờ cháu nói với tôi “dì ơi nhà mất rồi”, bị cáo cho biết.
“Bị cáo nhận thức như thế nào về việc lấy tiền của người sau trả cho người trước?”, đại diện VKS hỏi, bị cáo trả lời lúc đó bị cuốn vào vòng xoáy mua bán. Bắc phủ nhận việc lừa đảo.
Để làm rõ thêm tình tiết này, công tố viên đọc lại lời khai của bị cáo tại CQĐT: Nhận thức được việc lập công ty mà không nhận được sự đồng ý của cơ quan chức năng. “Tôi rất ân hận về việc đưa mọi người đi du lịch nhưng sự thật không phải vậy. Tôi nhận thấy mình vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm”.
Tuy nhiên, bị cáo Bắc lập tức phủ nhận lời khai này và cho rằng đó không phải ý chí của mình viết ra. Cũng theo bị cáo trình bày, phải bỏ 120 ngàn USD thật để mua 10 ngàn mã số. Số tiền bị cáo bỏ ra là hơn 5 tỷ, vì vậy cũng được coi là bị hại.
Trong trại giam, bị cáo đã viết 31 trang giấy để viết về toàn cảnh vụ án của mình.
Bị cáo Trọng là cháu gọi Bắc là dì, cho rằng bản cáo trạng truy tố mình là không đúng. Bị cáo tham gia Công ty Xuân Bắc là do dì giới thiệu. Sau này khi Công ty Thượng Hải thành lập, bị cáo có ký hợp đồng.
“Tôi chỉ làm công ăn lương, không tham gia vào chương trình gì. Quá trình làm, dì Bắc có mượn chứng minh nhân dân, còn bản thân tôi không nhận được khoản tiền nào”, bị cáo trình bày.
Tuy nhiên, trước chứng cứ HĐXX đưa ra về những khoản tiền bị cáo có kí tên, Trọng cho rằng số tiền này được chi tiêu vào công việc của văn phòng, bản thân không được sử dụng.
“Bị cáo có nhận thức được việc không nhận được tiền mà lại kí không”, vị chủ tọa hỏi. Bị cáo cho rằng lúc đó bị bệnh nên chỉ mong mọi việc được giải quyết nhanh chóng nên kí vì mang tên mình.
Trọng nói: “Dì Bắc nói hình thức này là vừa đi du lịch, vừa kinh doanh rất dễ. Dì mua cho tôi hai mã số. Tôi nghĩ họ đều nhận thức được đó là lừa đảo, thực chất chỉ là lấy tiền của người sau trả cho người trước. Ngoài hưởng lương, hàng tháng tôi nhận được tiền thưởng từ 1-2 triệu từ hệ thống”.
Bị cáo Bắc cũng nêu quan điểm là người cháu không tham gia hệ thống. Bắc mượn chứng minh nhân dân của cháu để đăng kí. Bị cáo còn khẳng định: “Kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay, còn lại chỉ là bị hại”.
Vì vụ án có nhiều bị cáo, bị hại, các tình tiết phức tạp nên dự kiến ngày 5/8 phiên tòa mới kết thúc.