Nhận diện vi phạm trong công tác xác minh
Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật THADS (sửa đổi bổ sung năm 2014), chấp hành viên có một số nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành xác minh. Nhưng thông qua công tác kiểm tra cho thấy, nhiều chấp hành viên chưa chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch xác minh, nội dung biên bản xác minh thường sơ sài, thiếu thông tin cụ thể về tài sản, thu nhập, điều kiện kinh tế khác nên không đủ điều kiện, căn cứ để ra các quyết định về thi hành án như quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, quyết định ủy thác… Nhiều chấp hành viên còn thực hiện không đúng trình tự như không xuất trình thẻ ngành, không tiến hành xác minh tại các cơ quan chức năng đăng ký tài sản, giao dịch bảo đảm.
Trong những trường hợp không rõ địa chỉ, biên bản xác minh thường ghi đương sự đã bỏ địa chỉ, tài sản không có gì liên quan đến địa chỉ này, không có tài sản tại gia đình và địa phương, nội dung biên bản không diễn tả hết thông tin cần xác minh của người phải thi hành án… Thậm chí có trường hợp người phải thi hành án đi tù song chấp hành viên không phối hợp xác minh với cơ quan công an, trại giam.
Đối với hồ sơ thi hành án chủ động, nhiều chấp hành viên còn lập biên bản xác minh mang tính chất đối phó, dẫn đến chất lượng biên bản xác minh quá sơ sài, trong khi yêu cầu của một biên bản xác minh phải thể hiện được công việc, nghề nghiệp, thu nhập, tài sản và mối quan hệ với người thân, thái độ chấp hành pháp luật của người phải thi hành án. Đối với hồ sơ xác minh để thi hành án trả nhà, giao nhà còn có trường hợp xác minh chưa chặt chẽ, chưa nắm bắt, xác định đúng về mức độ chống đối, tài sản và người trong nhà bị cưỡng chế…Đối với án tín dụng, ngân hàng, việc xác minh còn sơ sài, một số vụ việc không xác minh rõ tài sản trên đất, diện tích đất có sự khác biệt so với hồ sơ thế chấp… dẫn đến việc xử lý bị vi phạm.
Xử lý nghiêm chấp hành viên vi phạm, thiếu sót
Để có thể xử lý những vi phạm trên, theo nhiều ý kiến cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án theo hướng nghiên cứu quy định trong một số loại việc thì xác minh điều kiện thi hành án là nghĩa vụ của chấp hành viên như hồ sơ thi hành án chủ động, hồ sơ bồi thường, hôn nhân gia đình… Một số trường hợp khác nên quy định là trách nhiệm của người được thi hành án như án tín dụng, ngân hàng, án lừa đảo, trả nợ… nhằm tăng trách nhiệm của người được thi hành án và giảm bớt gánh nặng của chấp hành viên, góp phần giảm án tồn đọng hàng năm.
Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn về nội dung xác minh thi hành án. Đối với yêu cầu người phải thi hành án kê khai tài sản, nên quy định bắt buộc ở một số trường hợp nhất định, còn lại là khuyến khích đối với chấp hành viên. Đồng thời, phải có biện pháp chế tài đối với trường hợp không kê khai hoặc kê khai tài sản không đúng; bổ sung thêm quy định khi người được thi hành án cung cấp thông tin về các tài sản phải cung cấp các tài liệu chứng minh để làm căn cứ, cơ sở cho chấp hành viên thực hiện xác minh lại, đỡ mất thời hạn, hạn chế xác minh tràn lan, không đem lại kết quả trong việc giải quyết hồ sơ thi hành án.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định chưa có điều kiện thi hành đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản là vật không thể tách rời có giá trị chênh lệch quá lớn so với nghĩa vụ thi hành án. Đối với trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc công tác phối hợp cung cấp thông tin khi chấp hành viên xác minh, cần có quy định rõ hơn, mạnh hơn về chế tài xử lý trong trường hợp chưa phối hợp. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng kiểm tra chuyên đề về công tác xác minh. Những chấp hành viên vi phạm, thiếu sót trong công tác xác minh, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ thi hành án phải có biện pháp xử lý nghiêm.