Mảnh tình cuối của thi sĩ tài hoa bạc phận Hàn Mặc Tử

(PLO) -Trong quãng đời xuân xanh ngắn ngủi của mình, thi sĩ của trăng, của tình yêu đã trải qua những “mối tình thơ” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và trước đó, gia đình thi sĩ từng có hôn ước cho Trí với một gia đình vọng tộc “mà trong lúc thân thiết vui vẻ, hai nhà giao ước với nhau”. Nguyễn Bá Tín, người em ruột của thi sĩ đã thổ lộ như thế qua “Hàn Mặc Tử anh tôi”. 
Hàn Mặc Tử qua nét vẽ của Tạ Tỵ
Hàn Mặc Tử qua nét vẽ của Tạ Tỵ

Ngoài hai mối tình sâu đậm, mà cũng đầy day dứt khôn nguôi với Hoàng Hoa nữ sĩ và Mộng Cầm, ta còn được biết đến về mối tình của Hàn Mặc Tử với Mai Đình nữ sĩ, và tình cuối đầy mơ, đầy mộng, hư ảo biết bao, tình Thương Thương. 

Nữ sĩ nặng tình

Nếu như Hoàng Cúc, rồi Mộng Cầm là những mối tình khi Hàn còn đương sung sức, mới chớm chạm ngõ buồn đau bệnh tật, thì lúc Hàn bị bệnh hiểm nghèo, duyên tình cũng vẫn chưa dứt đâu. Quách Tấn khi nói về tình yêu của bạn trong “Đôi nét về Hàn Mặc Tử” đã cho biết, mối tình tiếp theo của Hàn, là với cô gái gốc Thanh Hóa: Lê Thị Mai, biệt hiệu Mai Đình nữ sĩ. Mai Đình, vốn là con một tùy viên làm việc ở Tòa sứ Phan Thiết. 

Nói về mối tình này của anh trai mình với Mai Đình, Nguyễn Bá Tín khi viết “Hàn Mặc Tử anh tôi”, đã trân trọng dành riêng một phần viết về cô cùng mối tình thơ ấy, và cảm nhận rằng:

“Khác với những mối tình âm thầm kín đáo, hoặc dè dặt của Hoàng Hoa, của Mộng Cầm, chị Mai Đình là người yêu thơ cũng như yêu con người phong cùi đó, một cách ồn ào, sôi nổi và tha thiết nhất”. Hẳn là trong sự nhìn nhận của Tín, đã dành nhiều sự trân trọng cho nữ sĩ họ Lê. Bởi, dễ mấy ai dám tình si với một người đang bị bệnh, mà lại là bệnh phong. 

Nếu như Mai Đình từ yêu thơ rồi yêu người, thì đáp lại nơi phía Hàn, lại có rung cảm khác, mà qua lời tâm sự với Quách Tấn, ta biết được đôi điều khi Hàn Mặc Tử giãi bày: “Mai mạnh dạn tỏ lòng yêu tôi. Đã nhiều lần tôi cho Mai biết rằng tôi chỉ coi Mai như một người bạn thiết, lấy cớ rằng tình yêu của tôi đã giao trọn cho Mộng Cầm”… “Lòng tôi hết sức rung cảm khi tôi làm thơ tặng Mai. Có lẽ tôi chỉ yêu Mai trong khi làm thơ”. 

Mối tình ấy, kể ra cũng nhiều thi vị. Hai người yêu thơ, làm thơ, nên tình yêu, cũng đến từ thơ. Mai Đình, từ đọc thơ Hàn, nhất là tập thơ “Gái quê”, biết về hoàn cảnh của Hàn, rồi yêu thơ, yêu cả người. Nguyễn Bá Tín cho rằng, Mai Đình có khiếu làm thơ, và ý thơ cũng nghĩa, súc tích nữa. Với bản tính là một cô gái giàu cảm xúc, cũng rất tự nhiên, qua sự bắc cầu của Quách Tấn, nàng gửi tặng đến Hàn bài thơ “Biết anh”, có câu:

“Còn anh, em đã gặp anh đâu!

Chỉ cảm vần thơ có những câu.

Âu yếm say sưa đầy cả mộng,

Xui lòng tư tưởng lúc đêm thâu”. 

Cảm tấm chân tình của cô gái, Hàn đáp lại bằng bài “Lưu luyến”, với những vần thơ đầy khắc khoải, băn khoăn và cũng rất rung cảm:

“Anh đã ngâm và đã thuộc làu,

Cả người rung động bởi thương đau.

Bởi vì mê mẩn, vì khoan khoái,

Anh cắn lời thơ để máu trào”.

Và thế là, hai người… quen nhau. Dạo ấy, là vào những năm 1938-1939. Trong “Hàn Mặc Tử anh tôi” cho biết, mối quan hệ ấy, đã trở thành “một tin sốt dẻo được loan đi rất nhanh trong những người bạn thân”. Với Mai Đình, tình yêu với Hàn rất chân thành. Chẳng quan tâm đến bệnh tật, chỉ cần được ở gần Hàn, nghe Hàn ngâm thơ, là thỏa ước của cô. Trong thời gian quen nhau, Mai Đình đã ghé thăm Hàn nhiều lần. Và gia đình Hàn, tỏ ý đón nhận cô, bởi “Trong nhà, hình như ai cũng yêu mến chị, vì chị đơn sơ thành thật, không nề hà khách sáo”. 

Sau này, khi Hàn mất đi, Mai Đình lúc chưa lập gia thất, vẫn đến thăm gia đình Hàn. Qua tâm sự của Nguyễn Bá Tín, ta còn biết được rằng, nữ sĩ rất quan tâm đến việc ấn hành những di cảo của thi sĩ quá cố. Tiếc rằng lực bất tòng tâm. Kể ra, mối tình với Mai Đình, là một tình sử đẹp đối với Hàn, bởi mối tình ấy, thanh cao, tinh khiết lắm, vượt qua mọi ranh giới tầm thường, trên đời, mấy dễ ai làm được như Mai Đình? 

Mai Đình nữ sĩ
Mai Đình nữ sĩ

Thương Thương mộng mơ

Ngoài những mối tình thực đã trải qua trong đời, Hàn thi sĩ còn có một mối tình khác, đầy ảo mộng, mơ hồ. Nói vậy, bởi theo Nguyễn Bá Tín, thì thuở bình sinh, Hàn mộng mơ một mối tình trinh bạch, nhưng thực tế đâu dễ như mộng mơ.

Và thế rồi giữa lúc khổ đau của bệnh tật ấy, thì “Trong bối cảnh lạ lùng này thì Thương Thương xuất hiện mơ hồ trong mộng và thực của anh Trí như một nàng tiên (Thương Thương nàng chỉ là một cái tên mà Trần Thanh Địch, bạn Anh bắt gặp đâu đó giữa mây trời để giới thiệu với Anh)”. 

Cũng bởi với mối tình giàu tính tưởng tượng ấy, đã tạo nên thi cảm dạt dào đề thi sĩ bay bổng với cõi mộng của tình yêu và nhờ vậy, tập “Duyên kỳ ngộ” ra đời, để rồi trở thành tập thơ bất hủ, gắn liền với tên tuổi của Hàn Mặc Tử. Xem qua tập thơ ấy, có thể lược ra một đoạn cho bạn đọc thưởng lãm, cảm thụ tuyệt phẩm của thi sĩ tài hoa họ Nguyễn vậy:

“Thi sĩ:

Thương Thương em, trời cho ta kỳ ngộ,

Nói cho ra thần diệu của vàng bay.

Đôi nhụy thắm in trên màu rực rỡ,

Đây đôi chim gù gật với niềm say.

Nàng:

Tất cả là trân châu vô giá,

Dành cho anh riêng hưởng hạnh phúc này”…

Đó là tiết lộ của người thân thi sĩ về mối tình “tưởng tượng”, làm nguồn cảm hứng cho thơ ca của Hàn. Nhưng theo Quách Tấn, thì thực tế, Hàn Mặc Tử còn có một tình yêu khác nữa, dành cho một người rất gần gũi với mối tình thứ hai của chàng.

Người ấy, là Lê Thị Ngọc Sương. Sở dĩ nói rằng gần, vì chăng Ngọc Sương, người đất Thu Xà, Quảng Ngãi, chẳng phải ai xa lạ, chính là chị ruột thi sĩ Bích Khê, mà Bích Khê là bạn Hàn. Lại nữa, Ngọc Sương, chính là dì ruột của Mộng Cầm đấy.  

Bấy giờ, Ngọc Sương cùng em dạy học nơi Phan Thiết. Quách Tấn, ghi trong “Đôi nét về Hàn Mặc Tử” cho hay, khi Mộng Cầm đi lấy chồng, Bích Khê rất giận. Và nghe tin Mai Đình yêu Hàn, Bích Khê đã dự tình ấy không thay thế được tình trước. Thế rồi, “để an ủi Tử trong khi bị tình phụ, Khê nghĩ ra được một kế… Năm 1938, Bích Khê ra thăm Hàn Mặc Tử.

Khê tặng tử một phiến ảnh bán thân của Khê chụp chung cùng chị, và giới thiệu Ngọc Sương cùng Tử. Ngọc Sương là người có học thức, có văn phong, dung mạo lại phảng phất giống Bích Khê. Vốn yêu Bích Khê, Tử yêu luôn người phảng phất giống”. Đấy, cái tình yêu của thi sĩ, dù một chiều, nó cũng mộng mơ và khó ngờ đến thế đấy. 

Kể từ dạo ấy, nơi tim thi sĩ, đã có mối tơ lòng nhung nhớ rồi, và lẽ dĩ nhiên, xúc cảm ấy, lại được bật thành thơ:

“Ta đề chữ NGỌC trên tàu lá,

SƯƠNG ở cung Thiềm nhỏ chẳng thôi.

Tình ta khuấy mãi không thành khối,

Nư giận đòi phen phải cắn môi”.

Thi sĩ Bích Khê, người bạn thơ đã tạo nên mối tình đơn phương cho Hàn Mặc Tử
Thi sĩ Bích Khê, người bạn thơ đã tạo nên mối tình đơn phương cho Hàn Mặc Tử

Việc này, Bích Khê biết, nhưng giả vờ như không, chỉ hóm hỉnh nói rằng, chuyện này, rồi sẽ thành “một giai thoại trong làng Yêu”. Còn riêng chủ nhân trong bài thơ, thì tuyệt nhiên không hay biết. Phải một năm sau, nhờ chính Mai Đình đọc cho nghe bài ấy, Ngọc Sương mới tỏ, và khi được em trai hỏi cảm giác, thì cười mà rằng: “Tôi thấy thèn thẹn”.

Tình đơn phương đến đó thì dừng, và đúng như dự đoán của Bích Khê, tình ấy, nay, đúng là một giai thoại yêu thật. Còn với thi sĩ của “Đây thôn Vĩ Dạ”, dù trải qua bao mối duyên yêu, nhưng bến bờ tình yêu, thì vẫn vô định mãi vậy.../.