Nơi phôi thai chữ Quốc ngữ
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định), người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về chữ Quốc ngữ ở Bình Định, tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất khoảng 2 thế kỷ.
Dựa vào những tư liệu hiện có, người ta đã chia ra làm 4 thời kỳ: thời kỳ phôi thai (1620 - 1631), thời kỳ hình thành (1631 - 1648), thời kỳ phát triển (1651 - 1659) và thời kỳ hoàn tất (1772 - 1838). Những nghiên cứu mới đây cho thấy, có thể Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên công việc sáng chế chữ Quốc ngữ.
Nước Mặn là tên gọi của một phố cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Quy Nhơn vào thế kỷ XVII - XVIII. Nơi đây thuyền buôn phương Tây và các nước Đông Nam Á thường xuyên ra vào buôn bán. Nước Mặn cũng chính là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII.
Năm 1618 linh mục dòng Tên Cristoforo Borri (người Ý) đến Ðàng Trong. Sau đó phần lớn thời gian ông lưu lại tại Nước Mặn trước khi sang Macao vào năm 1622. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, ông cùng 2 linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, viết tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Ðàng Trong” bằng tiếng Ý, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, Nước Mặn là trung tâm truyền giáo của người Công giáo lâu đời nhất ở Việt Nam, một cái nôi của chữ Quốc ngữ. Không chỉ là nơi khởi đầu mà còn cụ thể hóa và phát triển chữ Quốc ngữ bằng nhà in Làng Sông của giáo phận Đông Đàng Trong, đã in tác phẩm “Chuyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký, sách Latin, tiếng Pháp, sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại.
Ấn phẩm của nhà in Làng Sông được thống kê trong bản tin hàng tháng của địa phận và tổng kết vào trang cuối năm bằng tiếng Pháp xen Quốc ngữ. Ra đời sau là nhà in Nhà Chung Tân Định (1867) của giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và các nhà in Kẻ Vĩnh, Kẻ Lõi, Kẻ Sở của giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội và phía tây sông Hồng). Thuở đầu, máy chữ, mực in, giấy và công nhân đều đưa từ Pháp sang.
Đài tưởng niệm các linh mục dòng Tên đặt tại nhà ông Võ Cự Anh ở thôn An Hòa, xã Phước Quang. |
Duyên phận đặc biệt
Đầu năm 2016, UBND tỉnh Bình Định phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”.
Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến mục đích khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học tiến trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ. Trong đó có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định - nơi phôi thai, điểm khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ ở các giai đoạn tiếp theo.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của 67 tác giác với 72 tham luận. Trong đó, có 26 tham luận về “Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 22 tham luận về “Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân (86 tuổi, ở Bình Định), người dành cả đời nghiên cứu về Cảng thị Nước Mặn, tâm sự: “Khi tôi thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu, thì giáo sư Trần Quốc Vượng đã hai lần đến Nước Mặn để thẩm định. Ông đã dặn tôi phải cố gắng bảo vệ cho được công trình nghiên cứu về việc khởi đầu sáng chế ra chữ Quốc ngữ để viết kinh giảng đạo và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến sau ở Nước Mặn”.
Những bài viết về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ đều có điểm chung xác định Nước Mặn là nơi phôi thai, khởi nguồn chữ Quốc ngữ.
“Có thể thấy rằng, đầu thế kỷ XVII, vùng đất Nước Mặn, Bình Định đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc, lĩnh hội tiếng Việt của các thừa sai dòng Tên, để tạo tiền đề quan trọng cho việc chế tác chữ Quốc ngữ ngay tại thời điểm bấy giờ và cả giai đoạn sau đó”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, chữ Quốc ngữ với Bình Định như một mối duyên tiền định. Nó là công trình tập thể, là sự nghiệp chung của nhiều thế hệ nhà truyền giáo. Sự hình thành của nó mang đậm âm hưởng phương ngữ của nhiều vùng đất khác nhau, trong đó phải kể đến vùng Hội An, Thanh Chiêm ở tỉnh Quảng Nam.
Tại Hội thảo, GS.Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết luận: “Tôi nghĩ rằng không nên coi chữ Quốc ngữ là 1 sự kiện gắn với 1 con người, 1 địa điểm quá chật quá hẹp. Đây là hiện tượng văn hóa - xã hội có cả quá trình dài với sự tham gia của nhiều người. Vì vậy, đi tìm 1 người, 1 nơi khởi nguồn chữ Quốc ngữ là điều hết sức chủ quan.
Phải nhìn rộng ra Bình Định trong vị trí của dinh Quảng Nam, trong vị trí của Đàng Trong thì đây là một trong những nơi có thể là ra đời sớm nhất của chữ Quốc ngữ cùng với Hội An, Thanh Chiêm. Trong 3 trung tâm này thì Nước Mặn có quyền tự hào là nơi ra đời chữ Quốc ngữ sớm hơn. Bình Định trong đó có Nước Mặn giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu phôi thai nảy nở chữ Quốc ngữ”.
Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc Ngữ” tham quan Tiểu chủng viện Làng Sông. |
Dấu tích nhà in Làng Sông
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) vẫn tồn tại một Tiểu chủng viện Làng Sông. Đây là công trình nằm giữa một gò cao, bao quanh là hào nước mát rượi với những hàng cây sao xanh cổ thụ.
Nơi đây, được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, một lối kiến trúc đặc trưng của người châu Âu trong xây dựng nhà thờ và cung điện nhà thờ, hiện lên uy nghiêm pha chút gì đó cổ kính, lãng mạn.
Có thể nhận rõ điều này bởi phần chính diện của Tiểu chủng viện Làng Sông được trang trí bằng những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí, và những hoa văn họa tiết, cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc thánh đường.
Đã qua nhiều thế kỷ, trải qua sự tàn phá của thời gian và khí hậu nhưng nơi này vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những nét kiến trúc cổ xưa với từng bậc cầu thang gỗ, từng khung cửa chạm khắc tỉ mỉ.
300 năm sau ngày chữ Quốc ngữ phôi thai từ đất Bình Định, tại đây lại là nơi tụ hội của “những ông hoàng chữ nghĩa” thời Quốc ngữ, những thi nhân hàng đầu trong phong trào Thơ mới, với những phong cách đa dạng và đầy mãnh lực, như Xuân Diệu, Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Địa danh Bình Định trở thành biểu tượng độc đáo của sự hội tụ, khởi nguồn văn hóa, trở thành một trong những trung tâm thi ca đầy bản sắc thời bấy giờ - chữ Quốc ngữ đã thăng hoa ở đó.