Đôi bạn cùng bị lừa
Phiên tòa xét xử bị cáo Đức về hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vào tháng 8/2016 tại TAND TP Huế vắng người tham dự.
Bị đơn là hai cô gái bị Đức lừa tiền. Khác hẳn với dáng dấp phong độ trước khi bị bắt, Đức bước xuống chiếc xe chuyên dụng với dáng vẻ uể oải. Bạn gái Đức thở dài nói Đức sụt ký nhiều, xanh xao hẳn so với mấy lần trước lên trại thăm.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên – Huế, chiều 27/01/2015, Đức mượn một chiếc xe máy hiệu Novo LV của người bạn tên Nhơn, đưa đến tiệm sửa xe ở Tôn Thất Thiệp (TP. Huế) sửa. Do xe phải sửa lâu nên Đức mượn chiếc xe Sirius của chủ hàng để đi.
Khi xe đã sửa xong, Đức gọi cho chủ tiệm nói cho Nhơn lấy xe, còn Đức sẽ đưa xe đến trả sau. Nhưng thực tế đã mang xe đi cầm đồ lấy 2 triệu đồng tiêu xài.
Đến 17/8/2015, khi chủ tiệm cầm đồ điều khiển chiếc xe mà Đức cầm thì chủ xe phát hiện đó là xe mình. Chiều cùng ngày, chiếc xe được giao cho Công an TP. Huế giải quyết.
Cũng trong thời gian đó, do cần tiền tiêu xài cá nhân, Đức đã dựng kế hoạch lừa tiền của những cô gái nhẹ dạ. Đức lên mạng xã hội facebook lập một địa chỉ giả danh là cán bộ quản giáo nhà tạm giữ Công an TP Huế, sau đó lừa làm quen với các “mối ngon” để lừa tiền.
Hai bị hại có mặt tại tòa rất sớm. Một người chia sẻ: “Đó là cú lừa mà đến giờ tôi vẫn còn ngỡ ngàng, tôi không nghĩ anh ta lại giỏi đóng kịch như thế. Tin tưởng nhau là bạn bè, hơn nữa anh ta nói là cán bộ ở trại tạm giam nên tui cũng yên tâm. Không ngờ tất cả chỉ là trò bịp bợm”.
Theo chị này, trong tháng 9/2015, Đức đã ba lần lừa của chị 2 triệu đồng để tiêu xài. Tại tòa, bị hại cho biết: “Quen nhau trên facebook, sau hơn một tháng thì tôi với Đức chính thức gặp gỡ. Vào một buổi chiều, Đức gọi điện mượn tôi 500 ngàn để giải quyết việc riêng.
Lần thứ hai thì nói đi công tác Quảng Trị, rồi lần ba cũng có việc riêng. Mỗi lần mượn tiền, Đức đều hứa sẽ trả khi nhận lương. Tôi đã quá tin tưởng với cái “mác” cán bộ của Đức”.
Tương tự, bị hại thứ hai cho hay: “Tôi cũng quen Đức qua facebook. Đức hỏi mượn tôi hơn 2 triệu để mua điện thoại, hứa trả khi có lương. Tôi cũng tin tưởng, không chần chừ đưa tiền luôn”.
Một bị hại vẫn tỏ vẻ bất bình kể: “Khi gặp nhau ở quán cà phê, Đức đưa ảnh một anh công an, nói là đồng nghiệp, tên Tiến. Thời gian đó tôi cũng đang thất nghiệp nên mỗi khi Đức mời uống cà phê là tôi nhận lời. Đức còn nói sẽ giới thiệu công việc cho tôi. Quá tin tưởng vào những lời ngon ngọt ấy nên tôi bị lừa”.
Bị hại thứ hai cũng nói: “Đức đã dùng cùng một chiêu trò để lừa chúng tôi. Chúng tôi đều là bạn của nhau, nhưng do quen Đức qua facebook, hơn nữa là chuyện riêng tư nên không ai nói với ai. Sau nhiều lần không liên lạc được với Đức, mới biết cả hai đều bị một người lừa”.
Mạo danh nhờ “kinh nghiệm” bị tạm giam
Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, chiếm lòng tin của các cô gái, Đức lên mạng tải về những hình ảnh công an mặc đồng phục và “khoe” đó là đồng nghiệp của mình.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận những việc làm gian dối của mình, cho biết đã chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi nói chuyện với các bị hại, kể cả nơi công tác, tên các đồng nghiệp và lịch trình làm việc của cán bộ trại giam.
Đại diện VKS hỏi: “Tại sao bị cáo mạo danh mình là cán bộ quản giáo trại giam? Vì sao biết rõ từng cán bộ ở đó?”. Bị cáo ấp úng: “Bị cáo từng bị tạm giam ở đó nên nói như vậy. Bị cáo đã từng nhìn biển tên các cán bộ nên nhớ được tên từng người”.
Cả hai bị hại đều cho rằng, nếu Đức chịu nghe điện thoại và trả lại số tiền đã vay thì không phải ra tòa. “Đã lừa người ta, thế mà khi chúng tôi đòi tiền, Đức nói: “Ai mượn tiền của mày”, còn dọa thế này, thế nọ. Từng ấy tiền không phải là lớn, nhưng bị Đức uy hiếp tính mạng nên chúng tôi mới phải làm đơn lên công an”, một bị hại nói.
Trong suốt quá trình xét xử, thỉnh thoảng Đức lại quay về phía sau nhìn người phụ nữ mặc chiếc đầm bầu màu trắng đang ngồi dưới khán phòng. Cũng như các bị hại, thai phụ này có mặt tại tòa từ rất sớm, xách theo lỉnh kỉnh đồ dùng và thức ăn để gửi vào trại giam cho Đức.
Chị chia sẻ: “Sau khi anh ấy ly hôn, tôi và anh đã đến với nhau được một thời gian. Lúc tôi phát hiện mình có thai cũng là lúc anh ấy bị bắt. Biết rằng đang mang trong mình đứa con của một phạm nhân nhưng tôi không nỡ lòng nào. Mới đó mà đã 7 tháng trôi qua, tôi cũng vài tuần nữa là sinh nở.
Nhà anh ấy chỉ còn lại mẹ già, ở trại giam không ai thăm nom nên một mình tôi lặn lội vác bụng bầu lên về bới xách, động viên anh ấy”.
Theo lời tâm sự, trong thời gian quen nhau, chị này cũng không hề biết những chuyện Đức làm. Một hôm tình cờ phát hiện có số lạ gọi đến, chị mới vặn hỏi người yêu. Đức trả lời là bạn quen trên facebook. Chị cứ nghĩ bạn bè trên mạng xã hội bình thường, cho đến ngày cả hai cô gái đó tìm đến gặp mẹ Đức, sự tình mới được phơi bày.
Được nói lời sau cùng, Đức rơm rớm nước mắt: “Bị cáo biết lỗi của mình rồi, mong tòa xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo, cho bị cáo cơ hội được sửa sai”. Nói xong, Đức lại quay mặt về phía sau nhìn người yêu cũng đang đỏ hoe mắt dõi theo.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng bị cáo trước đây từng bị án treo về tội “cố ý gây thương tích”, đã thụ án nhưng không biết tu chí làm lại cuộc đời. Trái lại, bị cáo tiếp tục phạm tội, hành vi của bị cáo rất nguy hại cho xã hội nên tòa đã tuyên phạt bị cáo 1 năm 9 tháng tù giam, buộc trả lại toàn bộ số tiền đã lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại.
Kết thúc phiên tòa, Đức được dẫn giải ra xe. Bước lên xe, bị cáo còn ngoái lại dặn dò người yêu: “Anh sẽ cố gắng cải tạo tốt. Em nhớ giữ gìn sức khỏe…”.
Câu nói còn chưa dứt, cánh cửa xe tù đã lạnh lùng khép lại. Nhìn chiếc xe đi khuất, cô gái gần đến ngày vượt cạn mới nặng nề cất từng bước nặng nhọc rời tòa./.