Trong lúc làm ăn thua lỗ, cần vốn xoay vòng, ông Nguyễn Duy Tám (SN 1964, ngụ thôn Phúc Hà, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) sang hỏi vay hàng xóm 200 triệu. Người hàng xóm đồng ý cho vay với điều kiện ông này phải kí hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất rộng gần 300m2 để “làm tin” với mức giá chuyển nhượng “tượng trưng” chỉ 50 triệu (trong khi giá trị thực lô đất vào thời điểm bấy giờ trên dưới 700 triệu).
Sau một năm, biết không thể trả nợ, ông Tám gọi khách đến bán mảnh đất lấy tiền trả nợ mới biết lô đất đã được hàng xóm bán cho người khác.
Chuyển nhượng đất để “làm tin”
Ông Tám trình bày chuyên thầu xây dựng tại địa phương. Năm 2013, do công việc làm ăn thua lỗ, số tiền nợ các công trình là hơn 100 triệu đồng nên ông sang nhà hàng xóm (SN 1963) hỏi vay tiền.
Theo lời ông Tám, người hàng xóm đồng ý cho vay 200 triệu đồng với điều kiện người vay phải làm hợp đồng chuyển nhượng thửa đất tại địa phương để làm tin. Theo thỏa thuận miệng, khi nào ông Tám trả hết nợ, chủ nợ sẽ hủy hợp đồng chuyển nhượng. Lô đất ông Tám chuyển nhượng “làm tin” có vị trí số 32D, tờ bản đồ số 26 rộng 266m2.
|
Mảnh đất được ông Tám cho là chuyển nhượng “làm tin”. |
Vì đang cần tiền cứu vãn việc kinh doanh, vợ chồng ông Tám theo lời hàng xóm ra văn phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất rộng gần 300m2 “làm tin” để được vay 200 triệu đồng. Trên hợp đồng chuyển nhượng, giá trị mảnh đất chỉ ghi 50 triệu đồng. Trong khi vào thời điểm bấy giờ, mảnh đất này có giá trên dưới 700 triệu. Hai ngày sau khi làm hợp đồng chuyển nhượng đất, ông Tám tiếp tục viết giấy vay nợ 200 triệu đồng và đã được chủ nợ đưa tiền.
Vẫn theo lời ông Tám, trong và sau khi làm hợp đồng chuyển nhượng, ông không được đọc kĩ nội dung mà chỉ ký tên: “Bấy giờ cần tiền nên đầu óc lú lẫn. Vả lại nghĩ rằng hàng xóm với nhau, người ta sợ mất tiền nên mới cần hợp đồng làm tin như vậy, sau này có tiền trả nợ thì lấy lại đất chứ có sao đâu. Chỉ vì nghĩ mọi chuyện quá giản đơn mà tôi khổ sở đến bây giờ”, ông Tám tự trách mình.
Tiếp tục câu chuyện, ông Tám cho biết sau đó công việc làm ăn càng “bết bát”. Ông trả lãi được 3 tháng (mỗi tháng 8 triệu đồng) thì không còn khả năng thanh toán. Sau đúng một năm vay tiền, số nợ 200 triệu “lãi mẹ đẻ lại con” lên tới 289 triệu đồng. Hai viết thống nhất viết giấy vay nợ mới, xé bỏ giấy vay cũ.
Biết không có khả năng thanh toán, vợ chồng ông Tám nhiều lần sang đề nghị với chủ nợ được bán đất để trả nợ. Tuy nhiên: “Mỗi lần như vậy, chủ nợ lại tỏ ra vui vẻ nói rằng khi nào có thì trả nợ sau. Thậm chí ông ấy còn nói không lừa gia đình tôi vì là hàng xóm với nhau”, vợ ông Tám kể lại.
Sau đó hai bên thống nhất nếu ai có khách mua đất thì giới thiệu.
Âm thầm bán đất?
Vài tháng nay, gia đình ông Tám gặp khách muốn mua lại lô đất với giá khoảng 700 triệu. Nhưng khi sang đòi lại sổ đỏ để làm thủ tục chuyển nhượng, vợ chồng ông Tám cho là bị chủ nợ gây khó dễ. Có thời điểm, vợ ông Tám chấp thuận để lại cho chủ nợ một nửa mảnh đất trị giá 350 triệu đồng để lấy lại sổ đỏ nhưng không được chấp nhận.
Bất ngờ ngày 15/5/2016 ông Tám thấy nhiều người đến xây dựng trên lô đất đang “thế chấp” cho hàng xóm. Khi ông ra hỏi thì những người này nói rằng họ đã mua lại mảnh đất, được chính quyền cấp sổ đỏ hẳn hoi. Cùng thời điểm này, ông Tám dẫn khách ra văn phòng công chứng làm hợp đồng bán đất thì được trả lời lô đất đã không còn đứng tên mình.
“Bản hợp đồng chuyển nhượng trị giá 50 triệu đồng là thỏa thuận riêng giữa tôi với chủ nợ. Ông ấy nói làm hợp đồng chỉ để làm tin cho việc vay tiền. Thực tế tôi không nhận đồng tiền chuyển nhượng nào cả. Vả lại mảnh đất gần tỉ bạc, ai lại bán giá vài chục triệu”, ông Tám bức xúc khi biết hàng xóm đã âm thầm làm thủ tục sang tên đổi chủ, bán mảnh đất lại cho một người khác.
Ngồi thẫn thờ, vợ chồng ông Tám cho biết từ ngày lô đất gia đình bị hàng xóm bán cho người khác, chủ nợ không đề cập đến món nợ 289 triệu đồng nữa. Nhưng vợ chồng ông rất lo lắng bởi hàng xóm có thể tiếp tục gây khó dễ: “Tôi thật sai lầm khi đã viết giấy vay nợ, lại tin lời hàng xóm làm hợp đồng chuyển nhượng giả”. Ông Tám nói đồng thời cho biết thêm từ trước đến nay không có cán bộ nào về địa phương tìm hiểu thực trạng mảnh đất, cũng như tìm hiểu xem mảnh đất có tranh chấp hay không trước khi chuyển nhượng.
Sau sự việc, gia đình ông Tám đã làm đơn kêu cứu đến chính quyền nhưng được trả lời không giải quyết được. “Tôi đến phòng tiếp dân của huyện trình bày nhưng họ nói tôi dại dột vì đã kí hợp đồng chuyển nhượng thì phải chịu”, ông Tám nói.
Để khách quan thông tin, XLPL đã liên hệ với người bị tố cáo, tuy nhiên gia đình này từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến sự việc.
Một chuyên gia pháp luật cho biết, nếu sự việc đúng như những gì ông Tám trình bày, ông phải đưa ra các nhân chứng, chứng cứ chứng minh giao dịch trên là gian dối nhằm thực hiện một giao dịch khác. Theo Bộ luật Dân sự, khi đó ông có thể làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên vô hiệu bản hợp đồng chuyển nhượng thửa đất.