Đời cha đã mất ruộng, đời con còn bị kiện ngược?

(PLO) -Ngày 1/3/2016, TAND huyện Tam Dương mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất mà anh Thái là bị đơn.
 Anh Nguyễn Hồng Thái
Anh Nguyễn Hồng Thái

Bố mẹ qua đời đột ngột, để lại cho anh em anh Nguyễn Hồng Thái (SN 1989, ngụ tổ dân phố Giữa, thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) khu ruộng 720m2 gần đường quốc lộ. Năm 2013, anh Thái đang cấy lúa thì một số người tới đòi bàn giao đất để họ san lấp mặt bằng xây nhà. Lúc này anh mới biết diện tích ruộng nhà mình đã được chính quyền chia lô, cấp sổ đỏ cho nhiều người. Vì quyết giữ đất mà anh vướng kiện cáo.

Khu ruộng nhà anh Thái đã được cấp sổ đỏ cho nhiều người khác.
Khu ruộng nhà anh Thái đã được cấp sổ đỏ cho nhiều người khác.

Cha vừa mất, đất đã bị đòi

Anh Thái cả nhà nhiều đời sống bằng nghề làm ruộng. Năm 2007, mẹ anh qua đời đột ngột. Năm 2013, bố anh là ông Nguyễn Văn Thư (SN 1964) bị cảm đột tử. Từ đó hai anh em sống cùng bà nội ngoài 80 tuổi.

Ngay sau khi cha qua đời, anh Thái cho biết có hai gia đình với hơn chục người kéo tới khu ruộng thông báo rằng họ đã được chính quyền cấp sổ đỏ, yêu cầu ngừng canh tác, bàn giao mặt bằng để họ xây nhà. Anh Thái sống với bố từ nhỏ biết rằng gia đình chưa hề nhận tiền bồi thường, nay bỗng dưng có người đòi đất, nên không chấp nhận.

UBND huyện sau đó thông báo toàn bộ khu ruộng trên đã được chia thành 7 ô đất (mỗi ô rộng 100m2), chuyển mục đích sử dụng, cấp sổ đỏ cho nhiều người khác nhau. Cùng thời điểm này anh được thông báo “lên nhận tiền đền bù mà bố anh khi còn sống không nhận”. Mỗi sào ruộng được đền bù 80 triệu đồng trong khi mỗi sào đất (360m2) được chia ô phân nền (mỗi ô rộng 100m2) được bán với giá thấp nhất 500 triệu.

Anh Thái lần tìm lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến thửa ruộng, nhận thấy năm 1993, bố mẹ anh được giao 720m2 đất ruộng nêu trên. Năm 2002, huyện có thông báo cấp đất giãn dân. Toàn bộ 720m2 đất ruộng trên nằm trong diện bị thu hồi, nhà nào bị thu hồi 200m2 đất ruộng sẽ được ưu tiên mua 1 suất đất giãn dân (100m2/ô) theo giá ưu đãi. Như vậy, nhà anh Thái ít nhất phải được mua 2 ô đất. 

Tuy nhiên cha anh Thái khi còn sống, đã không được mua đất theo nguyện vọng nên không đồng ý nhận tiền đền bù. Vụ việc đang khiếu kiện dang dở thì ông đột ngột qua đời. Anh Thái cho rằng: “Chính quyền chưa thực hiện quy trình thu hồi đất, gia đình tôi cũng chưa nhận được quyết định nào, tiền bồi thường chưa nhận. Vậy mà toàn bộ khu ruộng đã chia lô, cấp sổ đỏ cho người khác. Như vậy là mờ ám”.

Sau khi anh Thái có đơn khiếu kiện, UBND thị trấn Hợp Hòa đầu tháng 10/2015 có báo cáo gửi cấp trên có nhắc đến trường hợp trên. Cụ thể năm 2003, ông Thư yêu cầu nhà nước cấp cho gia đình 2 ô đất ưu đãi nhưng không được đáp ứng.

Sau đó chính quyền đã xét cấp cho nhà ông Thư 1 ô đất tại vị trí thu hồi ruộng nhưng ông Thư không đồng ý, không nhận tiền bồi thường. “Nay vợ chồng ông Thư đã chết, hiện tại khu đất này đang diễn ra tranh chấp quyết liệt giữa anh Thái và các hộ gia đình được xét cấp đất”, thông báo nêu. UBND thị trấn đề xuất hướng giải quyết là cho các con ông Thư nhận tiền bồi thường, giải quyết cấp đất cho anh Thái ô đất của người cha đã được xét cấp từ năm 2002.

Về phía anh Thái, vẫn giữ nguyên ý kiến như người cha quá cố, đòi được cấp ít nhất hai lô đất. Anh còn đòi làm rõ những sai phạm trong quá trình thu hồi đất nhà anh như Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thực hiện đúng trình tự quy trình, đất đang tranh chấp nhưng chính quyền đã “âm thầm” chia lô cấp sổ cho người khác.

Nghi án giả chữ ký người chết

Trong khi đó những hộ dân được cấp sổ đỏ liên tục tới đòi đất, thậm chí kiện anh Thái ra tòa. Ngày 1/3/2016, TAND huyện Tam Dương mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất mà anh Thái là bị đơn.

Theo đó, một trong bảy lô đất từ ruộng nhà anh Thái được cấp cho một phụ nữ sống cùng địa phương. Tuy nhiên khi bà này đề nghị cán bộ ra đo đạc thực địa cắm mốc thì cha anh Thái bị cho là ra cản trở.

Một số “chứng cứ” trong phiên tòa mới đây cho rằng khi đó hai bên thỏa thuận bà này hỗ trợ cha anh Thái 50 triệu đồng. Cha anh Thái bị cho là đồng ý và có đơn xin trả lại 120m2 đất canh tác “dưới sự chứng kiến của cán bộ địa chính xã”. 

Sự việc chưa hết “nhùng nhằng”, vì sau đó bà này đã chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Liền (SN 1968) và bà Trần Thị Thìn (SN 1969, cùng ngụ TDP Giữa, thị trấn Hợp Hòa). Giữa năm 2013, gia đình ông Liền đến khu ruộng đổ đất san lấp nền làm nhà. Anh Thái cùng em gái ra ngăn cản thì xảy ra xô xát. Sự việc tạm lắng xuống. Đến giữa năm 2015, gia đình ông Liền tiếp tục đến san lấp ruộng và lại xảy ra va chạm với anh Thái. Vợ chồng ông Liền gửi đơn khởi kiện anh Thái ra tòa huyện.

Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện cho rằng quá trình chuyển nhượng thửa đất trên không có tranh chấp và cha anh Thái không có ý kiến gì. Do đó ông Liền bà Thìn được cấp sổ đỏ là “hoàn toàn hợp pháp”. 

Phản bác điều này, anh Thái nêu: “Chữ kí của bố tôi trên các giấy tờ khác nhau. Tại sao khi ông còn sống, chủ đất không đến đòi đất mà đợi khi bố tôi qua đời lại đột ngột đến”. Anh Thái cho rằng văn bản xin trả lại đất canh tác của bố anh là ai đó làm giả, chứ bố anh không viết.

Anh Thái cho rằng ai đó đã giả mạo chữ ký của cha mình
Anh Thái cho rằng ai đó đã giả mạo chữ ký của cha mình

HĐXX không chấp nhận lập luận trên, tuyên buộc anh Thái phải chấm dứt việc chiếm giữ, sử dụng và trả lại gia đình ông bà Liền 100m2 đất trong thời hạn hai tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực. Ngoài ra, Tòa còn tuyên anh Thái phải chịu án phí 30 triệu đồng.

Bị đơn cho hay: “Hiện tôi đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Tôi cho rằng tòa án huyện Tam Dương xét xử thiếu công minh. Trước đó tôi có đơn xử lý những đối tượng phá hoa màu nhưng không được xem xét. Tòa còn làm việc cẩu thả tới mức trong thông báo thụ lý vụ án mà vợ chồng ông Liền khởi kiện tôi, ghi nội dung là tranh chấp hôn nhân và gia đình. Phải chăng có sự chắp nối máy móc ở đây?”.

Nhận định về văn bản được gọi là “đơn xin trả lại đất” của cha anh Thái lúc còn sống, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: “Thứ nhất, biên bản trả lại đất chỉ có giá trị khi có chữ kí của tất cả thành viên trong gia đình thể hiện ý chí thống nhất. Thứ hai, văn bản xin trả lại đất phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý. Và cuối cùng, theo quy định khi có văn bản xin trả lại đất thì phải có văn bản tiếp nhận từ cơ quan chức năng. Đối chiếu với những quy định này thì văn bản trên không có giá trị pháp lý”.

Đọc thêm