Mất tiền trong tài khoản: Đều do lừa đảo?

(PLO) -Vụ thông báo mất tiền trong tài khoản gây chú ý nhất gần đây là tại Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB). Tháng 9/2016, bà Trần Thị Thanh Phúc (Nguyễn Khuyến, Hà Nội) cho báo chí biết: bà có mở tài khoản tại Ngân hàng SCB 102 Nguyễn Khuyến - Hà Nội. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong tài khoản của bà Phúc có 4,2 tỷ đồng. Đến ngày 19/11/2015, khi đến ngân hàng rút tiền, bà mới tá hỏa khi nhận được thông tin 4 tỷ đồng trong tài khoản của bà đã biến mất. Số tiền này đã được thực hiện lệnh ủy nhiệm chi tại SCB 529 phố Kim Ngưu vào ngày 5/10/2015.

Liên tiếp báo mất tiền

Vào thời điểm đó, bà Phúc đã đặt cọc 500 triệu đồng để mua 1 căn nhà tại Trần Quý Cáp với giá 4,5 tỷ đồng. Mất 4 tỷ đồng trong tài khoản cũng khiến bà có nguy cơ mất trắng luôn 500 triệu đồng đã đặt cọc mua nhà.

"Khi ra rút tiền để thanh toán số tiền còn lại cho chủ nhà, tôi mới phát hiện mình mất 4 tỷ đồng. Thời điểm đó, cả gia đình phải bằng mọi cách để vay mượn, rồi phải xin chủ bán nhà lùi lại một tuần mới đủ tiền, lúc đó còn phải chịu tiền phạt của chủ nhà do chậm một tuần… ", bà Phúc cho biết.

Sau nhiều tháng chưa giải quyết được sự việc, mới đây bà Phúc cho biết đã nhờ luật sư làm thủ tục để khởi kiện Ngân hàng Sài Gòn (SCB) ra tòa do thực hiện giao dịch chuyển 4 tỷ đồng trong tài khoản của bà không đúng quy định.

Cũng trong tháng 9, chị Hạnh, một khách hàng ở TP HCM của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) báo mất 22 triệu đồng trong tài khoản. Chị cho biết đang dùng thẻ ghi nợ quốc tế Visa debit của Vietcombank khoảng hơn một năm nay. Thẻ được liên kết với tài khoản ATM có số dư hơn 240 triệu đồng. Trước giờ chị chủ yếu sử dụng để thanh toán cước phí xe hoặc mua vé máy bay...

Vào khoảng 20h30 ngày 1/9, chị phát hiện trong điện thoại đang có tin nhắn đến liên tục, báo đã chuyển thành công tổng số tiền hơn 22 triệu đồng đến một tài khoản khác. Cứ một giao dịch chuyển thành công là trừ 5,3-6 triệu đồng và được thông báo bởi bốn tin nhắn: trừ tiền từ tài khoản thẻ ATM, trừ tiền từ tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế Visa...

"Với 4 giao dịch chuyển tiền thành công, tôi nhận được khoảng mười mấy tin nhắn dồn dập gửi đến điện thoại. Tá hoả, kiểm tra lại thì tôi vẫn thấy thẻ còn trong ví và trước giờ chưa bao giờ tiết lộ mật mã cá nhân cho ai", khách hàng này nói.

Sau khi gọi vào đường dây nóng của Vietcombank, chị được yêu cầu khoá thẻ. Ngân hàng này đã ứng trước khoản tiền cho chị Hạnh bị mất trong tài khoản thẻ, trước khi có kết quả tra soát. Sau khi có kết quả tra soát, nếu chị thật sự không sử dụng số tiền bị mất thì không phải hoàn lại cho ngân hàng. 

Trong tháng 8/2016 cũng liên tiếp xảy ra các vụ báo mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Chị Hoàng Thị Na Hương (Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết sau khi thức dậy ngày 5/8, chị mới tá hỏa khi thấy có tất cả 7 giao dịch chuyển tiền từ số thẻ của mình tại Vietcombank sang một số thẻ khác trong đêm, với tổng số tiền lên tới 500 triệu đồng.

Chị Na Hương khẳng định, khi những giao dịch chuyển tiền này được thực hiện, chị đang ngủ ở nhà và thẻ ATM vẫn ở trong túi xách, đồng thời chị cũng không nhận tin nhắn thông báo mã OTP (mật khẩu xác thực một lần) ngân hàng gửi tới như thường lệ.

Sau khi trình báo và thực hiện khóa thẻ, chị Na Hương được thông báo làm thủ tục tra soát để nhận lại 300 triệu đồng. Theo giải thích của Vietcombank, sau khi đánh cắp được thông tin tài khoản và mật khẩu của khách hàng, các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền từ tài khoản của chị Na Hương tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau ở Việt Nam.

Vietcombank cho biết bước đầu đã xác định chị Na Hương bị mất thông tin và mật khẩu do truy cập vào một trang web giả mạo. Tuy vậy, chị Na Hương khẳng định không hề truy cập vào bất cứ một đường link giả mạo nào của ngân hàng - một đầu mối có thể khiến chị bị đánh cắp tên truy cập, mật khẩu Internet Banking.

Cũng trong tháng này, hai khách hàng của Vietcombank ở TP HCM liên tiếp báo mất tiền trong tài khoản. Một người báo mất 20 triệu đồng do một giao dịch tại khách sạn ở Tokyo (Nhật Bản), một người báo mất 10 triệu đồng tại Singapore. 

Hoàn toàn do lừa đảo?

Tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế” diễn ra chiều 27/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, các ngân hàng hiện nay đều đầu tư bảo mật để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, tuy nhiên không thể an toàn tuyệt đối.

Mặc dù vậy, nếu hệ thống máy chủ của ngân hàng bị tấn công, dữ liệu khách hàng bị kẻ gian đánh cắp thì các ngân hàng đều có hệ thống sao lưu, có quy trình đối chiếu để đảm bảo dữ liệu của khách hàng được an toàn...

Theo ông Hưng, lượng gian lận cùng lúc không hề dễ dàng. Ngay cả trong hệ thống ngân hàng chuyển giữa các ngân hàng với nhau cũng có quy định giới hạn chuyển từng lần, từng ngày... Khi tin tặc tấn công, thiệt hại chủ yếu về khắc phục sự cố chứ không phải thiệt hại tài chính. 

Khách hàng có 2 loại: có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, hoặc thẻ tín dụng. Kể cả ngân hàng điện tử hoặc giao dịch tại POS đều có rủi ro.

Ông Hưng cho biết, ngân hàng điện tử đã có từ 30 – 40 năm nay. Gian lận thẻ, giả mạo thẻ là những vấn đề đã phát sinh cả chục năm trước. Tuy nhiên thời gian gần đây rất nhiều khách hàng mất, trở thành vấn đề nóng.

Mỗi năm, có hàng ngàn triệu tỷ đồng được chuyển qua hệ thống ngân hàng. Hiện mới chỉ ghi nhận 1 vụ lừa SMS để lấy được lớp bảo mật thứ hai. “Đây hoàn toàn là vấn đề lừa đảo chứ không phải vấn đề an ninh bảo mật”, ông Hưng khẳng định.

“Ví dụ vấn đề thẻ, thanh toán trên mạng chỉ có 16 số trên thẻ, không cần có sự hiện diện vật lý của thẻ. Thẻ ATM có cái nguy hiểm nữa là thẻ ngân hàng: nhiều người mang thiết bị cài lên đầu đọc thẻ, gắn camera chụp lại thao tác nhập số PIN, chỉ vài giây đọc được hết thông tin khách hàng.

Máy làm thẻ từ Trung Quốc mua rất rẻ, có sẵn số PIN... có thể mang đến ATM khác để rút tiền…” ông Hưng đưa ra những dẫn chứng về lừa đảo.

Rất nhiều trường hợp khách hàng rất lơ đễnh, cho mượn password, đọc mã PIN cho người khác rút hộ...

Xác định được những rủi ro như vậy, người dùng cần ý thức hơn việc giữ gìn thông tin cá nhân, thao tác trên thiết bị điện tử để thanh toán điện tử hay sử dụng thẻ. Nhận thức được tốt hơn thì rủi ro gian lận, mất mát tiền bạc sẽ hạn chế nhiều.

Sau các vụ việc liên quan đến bảo mật gần đây, các ngân hàng đểu rà soát hết quy trình thanh toán để mức độ an toàn của khách hàng được nâng lên cao nhất.

"Với thẻ ATM, đang cùng các ngân hàng tại Việt Nam ra 1 chuẩn mới về thẻ chip dùng cho thẻ nội địa, ATM. Tháng 10 sẽ ra chuẩn mới. Việc đọc trộm thẻ sẽ không còn làm được nữa. Mối lo bị ăn cắp tiền vì lộ số PIN không còn nữa”, ông Hưng nói.

Cục Công nghệ tin học - Ngân hàng Nhà nước cho biết, để sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn, khách hàng cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của tổ chức cung cấp dịch vụ và lưu ý thêm một số điểm như sau:

- Cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử.

- Không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ đối tượng nào (kể cả nhân viên ngân hàng) qua điện thoại, email, mạng xã hội…

- Bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như: Cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc hại; thiết lập tính năng xác thực khi truy cập (bằng mật mã hoặc vân tay…).

- Đối với mật mã truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử cần cài đặt mật mã khó đoán, thay đổi mật mã thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật mã để đăng nhập tự động.

- Hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.

- Gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn. Đồng thời chỉ thực hiện đăng nhập trên website chính thức của các ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.

Đọc thêm