Vẫn cách “giăng bẫy” nhắn tin người dùng được tặng miễn phí phần quà từ một thương hiệu hay cửa hàng có uy tín, kẻ lừa đảo tiếp tục “dụ” được nhiều người.
Chị N.T.H (36 tuổi, trú tại huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, trung tuần tháng 10/2023, tình cờ lướt Facebook, chị thấy tài khoản tên “Điện máy xanh cơ sở 1” có chương trình gửi tin nhắn để nhận quà miễn phí, chị H tham gia và thực hiện theo các hướng dẫn.
Sau nhiều lần chuyển tiền vào số tài khoản được gửi đến với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, chị H phát hiện mình bị lừa và trình báo cơ quan chức năng.
Trong khi đó, chị L.T.C (33 tuổi, trú tại TP Quảng Ngãi) cho biết, chị cũng tình cờ phát hiện trên một trang mạng xã hội có tuyển cộng tác viên chốt đơn online của sàn thương mại điện tử Shopee và sau đó “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo với số tiền gần 1,6 tỷ đồng.
Các đối tượng lập trang Facebook giả danh cửa hàng Điện máy xanh để lừa đảo nạn nhân. |
Đây chỉ là hai trong nhiều nạn nhân ở Quảng Ngãi mắc bẫy các đối tượng giả mạo các thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian gần đây.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Quảng Ngãi (phòng An ninh mạng), trong vòng 2 tuần giữa tháng 10/2023, đơn vị này đã tiếp nhận 4 tin báo về việc bị các đối tượng giả mạo thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn để lừa đảo với tổng số tiền thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Các đối tượng lợi dụng các thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn là Gumac, Điện Máy Xanh, Lazada, Shopee… tạo lập một tài khoản giả mạo rồi liên tục chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm “con mồi” với những nội dung rất hấp dẫn như: gửi tin nhắn để được tặng quà miễn phí, tuyển cộng tác viên đánh giá sản phẩm để kiếm tiền…
Không chỉ vậy, các đối tượng còn giả mạo công văn của cơ quan quản lý nhà nước về việc chấp thuận tổ chức sự kiện tri ân khách hàng để tạo niềm tin đối với nạn nhân. Từ đó, dẫn dụ nạn nhân gửi tin nhắn để nhận quà miễn phí. Sau khi nạn nhân đồng ý tham gia, các đối tượng yêu cầu tải ứng dụng, đưa vào nhóm Telegram.
Tại đây, có 4 - 5 đối tượng đóng vai thành viên nhóm, nhận nhiệm vụ từ trưởng nhóm để tạo đơn hàng, chuyển khoản thành công và gửi cho trưởng nhóm, sau đó nhận tiền gốc, hoa hồng và rút được tiền về tài khoản của mình. Qua đó, củng cố thêm niềm tin của nạn nhân. Tinh vi hơn, các đối tượng này còn đưa thông tin chuyển khoản với tên chủ tài khoản rất khó nhận diện như: “Điện máy Xanh”, “ĐMX”, “CTY TNHH TMCP DTPT DIEN MAY XANH”…
Xong việc, chúng giao nhiệm vụ chốt đơn hàng đầu tiên với giá trị thấp. Ngay lập tức, chỉ 3 - 5 phút sau khi chốt đơn và chuyển khoản thành công vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp, nạn nhân liền nhận lại tiền gốc và hoa hồng đúng như cam kết.
Các đối tượng yêu cầu nạn nhân tải ứng dụng Telegram và thực hiện theo các hướng dẫn của chúng. |
Đến nhiệm vụ thứ 3 trở đi, các đối tượng viện rất nhiều lý do khác nhau, yêu cầu nạn nhân phải thực hiện liên tiếp những nhiệm vụ tiếp theo với đơn hàng giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đồng mới có thể nhận được tiền gốc và hoa hồng. Đến khi nạn nhân hết khả năng huy động vốn, phát hiện mình bị lừa thì các đối tượng cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
Để tránh những sự việc tương tự xảy ra, Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo, khi nhận bất cứ cuộc gọi thông thường hoặc tin nhắn, cuộc gọi trên các nền tảng mạng xã hội thông báo may mắn được nhận quà tặng tri ân, trúng thưởng từ các thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn…, người dân cần nêu cao cảnh giác, hỏi rõ về công ty và điện thoại trực tiếp cho đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp để liên hệ xác minh thông tin.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng. Trường hợp nghi vấn đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.