Mất xe ở phòng trọ, chủ nhà có phải bồi thường không?

(PLO) -Tôi thuê nhà có kí hợp đồng thuê nhà tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong một lần về quê, trộm đã phá khóa vào nhà và lấy đi 1 xe máy và một số vật dụng khác. Tôi ở chung với chủ. Vậy trong trường hợp này chủ nhà có phải bồi thường cho tôi không? (Bùi Mạnh Hải, Giao Thủy, Nam Định)

Trả lời:

Bạn thuê nhà có kí hợp đồng với chủ nhà. Khi bạn mất tài sản thì theo quy định của pháp luật hiện hành quyền lợi của bạn được điều chỉnh bởi bộ luật dân sự. Theo đó:

Trường hợp 1: Nếu trong hợp đồng thuê nhà ở giữa bạn và chủ nhà trọ có nội dung điều khoản quy định về việc chủ nhà trọ phải có nghĩa vụ và trách nhiệm trông giữ tài sản cho bạn, thì khi xảy ra sự việc bị trộm vào phá cửa lấy đi xe máy và một số vật dụng khác thì người chủ nhà trọ mới có trách nhiệm bồi thường.

Theo đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo điều 584 Bộ luật dân sự

“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

...”

Như vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có đủ các yếu tố như sau:

+Phải có thiệt hại xảy ra: thiệt hại vật chất hoặc thiệt hại về tinh thần

+Phải có hành vi trái pháp luật.

+Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Đối với trường hợp này, bạn phải chứng minh được trong hợp đồng thuê nhà có điều khoản về trách nhiệm trông coi tài sản của chủ nhà trọ, việc để người khác vào phá cửa lấy tài sản là do lỗi của chủ nhà trọ và hành vi này là nguyên nhân trực tiếp làm cho kẻ trộm có cơ hội đột nhập vào để phá cửa lấy đi tài sản.

Theo đó, nếu đủ căn cứ thì chủ nhà trọ phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo nguyên tắctại điều 585 Bộ luật dân sự sau:

"1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

...”

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bạn (người bị thiệt hại) hoặc chủ nhà trọ (người gây thiệt hại) có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Đối với trường hợp này, hai bên sẽ cùng thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại, nếu không thỏa thuận được thì có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp 2: Đối với trường hợp trên hợp đồng thuê nhà ở giữa bạn và chủ nhà trọ không có nội dung quy định về trách nhiệm trông coi tài sản và việc kẻ trộm vào phá cửa lấy tài sản không do lỗi của người chủ nhà thì chủ nhà không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về số tài sản đã bị mất của bạn.

Do đó, trong trường hợp này bạn yêu cầu người chủ nhà trọ cần có hành vi phối hợp bạn và cơ quan công an điều tra để tìm ra kẻ trộm cắp tài sản. Theo đó, bạn làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan công an nơi bạn cư trú để được điều tra, xác minh.

Đọc thêm