Máu các anh thắm cung đường biên giới

(PLO) - Ông Nguyễn Văn Tấn rơi nước mắt khi kể lại thời khắc khi ấy... Ông bảo bi kịch lớn nhất cuộc đời mình là hoàn toàn bất lực khi chứng kiến 24 đồng đội bị sát hại dã man trước mắt mình mà không làm gì được.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới, Bác Hồ chỉ thị cho Bí thư Trung ương Đoàn thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP). Ngày 15/7/1950, Đội TNXP ra đời. Từ đầu năm 1953, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên, Bác Hồ chỉ thị tuyển chọn và phát triển đội quân này lên 1.000 người.

Do diễn biến của chiến trường tiến triển mau lẹ, tháng 9/1953, Bác Hồ giao quyền chỉ huy lực lượng cho Thư ký riêng của mình là ông Vũ Kỳ (nguyên Trưởng Đoàn TNXP Điện Biên Phủ), rồi chỉ thị tuyển bổ sung, nâng quân số lên 10.000, rồi 14.000 đội viên. Nhiệm vụ chính của TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ là phá bom, thông xe, mở đường, vận chuyển vũ khí, đạn dược. Có tới 60 công việc khác nhau dành cho anh em.

“Bác Hồ thành lập Đoàn TNXP vì Bác nhìn thấy trước chiến thắng của Điện Biên Phủ. Ngoài dân công, bộ đội ra thì phải huy động được nhiều lực lượng thanh niên làm những việc xung kích, như phá bóm nổ chậm, lập tức mở đường, thông xe ngay. Bác Hồ nói riêng với tôi là việc này, trước mắt để giải quyết cuộc tổng phản công. Sau đó là đào tạo thành cán bộ cho các ngành của Đảng, Nhà nước” - ông Vũ Kỳ nhớ lại.

Hàng nghìn cán bộ nòng cốt của Đảng, Nhà nước đã trưởng thành từ đây. Từ trong bom đạn khốc liệt của cuộc chiến, từ cầu Tà Vài đến đèo Triền Đông, từ bến đò Tạ Khoa đến ngã ba Cò Nòi, từ dốc Pả Đin đến ngã ba Tuần Giáo… nơi đâu cũng có các anh - những con người bất chấp mọi hiểm nguy, sống chết với con đường mình đã chọn. Lòng quả cảm và chí khí đào non lấp biển của tuổi trẻ đã giúp các anh giữ vững mạch máu giao thông cho bộ đội, dân công ngày đêm kéo lên mặt trận.

Khi miền Nam vừa được giải phóng, đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc, cùng lúc đó, Thành đoàn TP HCM đã thành lập 8 Đại đội với 800 TNXP tình nguyện đi khai hoang, phục hóa tháng 10/1975. Ngày 28/3/1976, lực lượng TNXP TP HCM chính thức ra quân, với tinh thần “sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần”.

Lực lượng TNXP TP HCM đã đến các vùng quê xa hơn để làm sống lại màu xanh trên những mảnh đất hoang hóa tại An Biên (Kiên Giang), Minh Hải, chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), Long An, Sông Bé, Lâm Đồng hay Đắk Lắk, làm thủy lợi ở các vùng kinh tế mới Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM), Tam Tân (huyện Củ Chi), trồng cây lương thực tại Bà Tô - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ở những vùng đất mới, sau khi khai hoang, lực lượng TNXP đã trồng lúa mì, mía… vừa đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp, vừa góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm của TP HCM. Ở các huyện ngoại thành của TP HCM, lực lượng TNXP đã tham gia đào kênh, tháo phèn, chống úng, tưới tiêu, gia cố hệ thống thủy lợi, đắp bờ đê ngăn mặn, đắp đập…

Sau khi hoàn thành công trình kênh tưới, TNXP tiến hành đào đắp, lên liếp và khai thác những vùng đất đã được khai hoang thành nông trường trồng hoa màu, thành cánh đồng thơm… Nhiều con đường được hình thành, nhà mới được dựng lên giúp đồng bào có mái nhà trú ngụ.

Khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, các đoàn viên TNXP TP HCM đã viết đơn tình nguyện mong muốn được ra chiến trường chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ mở đường, tải đạn, tiếp lương, chuyển thương binh…

Trên mặt trận biên giới, TNXP TP cùng với bộ đội làm đường, chống lầy, làm ngầm, làm cầu, anh em làm nhiệm vụ tiếp lương, chuyển đạn dược, vũ khí ra chiến trường, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau và xây dựng công sự phòng thủ, cùng bộ đội cầm súng trực tiếp chiến đấu.

Sống sót sau trận càn quét dữ dội của quân Pôn Pốt đêm 22 rạng sáng 23/7/1978, ông Nguyễn Văn Tấn là một trong hai người hiếm hoi trong đội ngũ TNXP lúc bấy giờ còn giữ được mạng sống. Rơi nước mắt khi kể lại thời khắc khi ấy, ông Tấn nhớ lại: Gần 100 tên Pôn Pốt tấn công Liên đội 303. Bọn chúng giở trò hãm hiếp, nhục mạ các đồng chí nữ, các đồng chí nam thì bị chúng đánh đập dã man. Sau cùng, chúng đem tất cả ra ngoài xử bắn.

Lúc đó, ông đang bị thương ở chân, lấy máu của đồng đội bôi lên người và giả chết mới may mắn sống sót. Ông bảo bi kịch lớn nhất cuộc đời mình là hoàn toàn bất lực khi chứng kiến 24 đồng đội bị sát hại dã man trước mắt mình mà không làm gì được.

Chiến tranh và giặc giã. Bổn phận và lương tri. Tuổi trẻ và danh dự trước quê hương trong thời loạn lạc. Những người đi chiến đấu, mở đường, trèo đèo, lội suối, đối mặt với cái chết có thể đi đến bất cứ lúc nào, đối mặt từng ngày với sự ác liệt của chiến tranh. Họ vượt bao gian khó, khắc nghiệt, chịu đựng sự thiếu thốn về vật chất tinh thần nhưng không hề gục ngã. Nhiều người đã mãi mãi nằm lại dưới lòng đất mẹ. Có người trở về với hình hài không còn nguyên vẹn, nhưng trên hết, tinh thần, khí chất của những TNXP ngày ấy đã thấm vào máu, vào tim của các đồng đội, đồng chí hôm nay.

Đọc thêm