Máy tính tiền phải kết nối với cơ quan thuế - đề xuất có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo đề xuất, từ 1/7/2022, trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn uống, nhà hàng, khách sạn… sẽ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Hướng dẫn này đang được dư luận quan tâm và băn khoăn liệu có khả thi khi áp dụng?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ hiện quy định: “Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định về kế toán, thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế…”.

Còn theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, việc chuyển đổi hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành hóa đơn, chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định về kế toán, giao dịch điện tử; không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán; trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Hướng dẫn quy định trên, dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 123 nêu rõ, tổ chức, cá nhân (không gồm hộ khoán) như trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn, nhà hàng, khách sạn… sẽ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế.

LS Nguyễn Văn Tuấn (GĐ Cty Luật TNHH TGS, Đoàn LS Hà Nội) đánh giá hướng dẫn này là khả thi trên thực tế, nhằm kiểm soát tốt doanh thu và số tiền thuế phải nộp của các đơn vị kinh doanh. Việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối cơ quan thuế sẽ tạo môi trường kinh doanh, công bằng, tránh tình trạng DN trốn thuế. Đồng thời, tạo sự minh bạch trong quản lý thuế , tính toán chính xác các loại hàng hóa bán ra, giá thành sản phẩm, mức thuế phải chịu.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể trong quá trình áp dụng. Theo LS Tuấn, việc áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế sẽ phụ thuộc vào đường truyền của Tổng cục Thuế để xác thực hóa đơn trước khi gửi cho khách. Trường hợp đường truyền hay hệ thống liên kết bị lỗi thì các chủ thể có thể gặp phải vấn đề chậm trễ trong xuất hóa đơn, mất thời gian, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh.

Để sử dụng hóa đơn điện tử, các chủ thể phải xây dựng được hệ thống máy móc và trang thiết bị. Ngoài ra, còn phải có nhân lực trình độ chuyên môn để có thể sử dụng hóa đơn điện tử. Nói cách khác là phát sinh chi phí để xây dựng vận hành. Việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã số của cơ quan thuế còn có thể làm chủ thể mất đi quyền xử lý hóa đơn điện tử khi bị sai sót.

Đáng chú ý là có thể vẫn tồn tại những “lỗ hổng” cho cơ sở kinh doanh “lách” tiền thuế. Có thể nhiều khách trả tiền mặt và không yêu cầu hóa đơn, cơ sở có thể bán hàng trực tiếp mà không nhập dữ liệu bán hàng vào hệ thống. Khi không kiểm soát được giao dịch kinh doanh của các cơ sở, đơn vị nộp thuế thì vẫn sẽ gây ra những thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Để đảm bảo việc áp dụng hóa đơn điện tử, theo LS Tuấn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử đến các tổ chức, cá nhân. Tập trung nguồn lực tuyên truyền rộng rãi đến các DN về các lợi ích cũng như sự thuận lợi khi áp dụng hóa đơn điện tử, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức hội nghị hướng dẫn cụ thể chi tiết các bước chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng kĩ thuật và các thao tác lập, sử dụng hóa đơn điện tử.

Xây dựng cơ chế quản lý thuế theo nguyên tắc “Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định; cơ quan quản lý thuế được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp người nộp thuế; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định pháp luật. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế. Thanh kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện những thiếu sót còn hạn chế, tìm biện pháp khắc phục. Xử lý nghiêm các đơn vị tổ chức, cá nhân, cơ quan có hành vi vi phạm pháp luật thuế…

Đọc thêm