“Mê cung” lừa đảo trên không gian mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đánh vào lòng tham, nhu cầu tình cảm của những người sử dụng internet nhẹ dạ, cả tin, nhiều đối tượng xấu đã lừa đảo từ vài chục triệu cho đến vài tỷ đồng. Điều này để lại tổn thương cả về mặt vật chất và tinh thần cho những nạn nhân.
“Bẫy chồng bẫy” đang là một kiểu lừa đảo khiến nhiều người mất thêm tiền lần 2, lần 3. (Ảnh minh họa, nguồn: Pinterest)
“Bẫy chồng bẫy” đang là một kiểu lừa đảo khiến nhiều người mất thêm tiền lần 2, lần 3. (Ảnh minh họa, nguồn: Pinterest)

Bao vây bốn phương

Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo trên mạng ngày càng nhiều, chúng lắt léo, tinh vi, khôn khéo đến mức khiến những người cảnh giác nhất cũng có thể vô tình “dính bẫy”. Một chiêu trò phổ biến, được những đối tượng lừa đảo trên không gian ảo được sử dụng rộng rãi vào thời gian gần đây là dùng những thân phận khác nhau như công an, các cơ quan chức năng, người tình,... gửi các đường link để thâm nhập, đánh cắp thông tin cá nhân trên điện thoại, máy tính của người dùng.

Anh Nguyễn Văn Linh (30 tuổi, cư trú ở Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Tôi nhận được một cuộc gọi lạ, đầu dây bên kia mạo danh là công an của quận nói rằng tôi phải xác minh lại một số thông tin cá nhân. Giọng nói của chúng rất nghiêm túc, chuẩn chỉnh khiến tôi tin là thật. Chúng gửi tôi một đường link để tải app về, giao diện của app còn ghi chữ “Chính phủ” khiến tôi càng tin”. Khi tải app về, điện thoại của anh Linh hoàn toàn mất quyền kiểm soát. Nhận ra điểm khả nghi và nhớ đến những thông tin lừa đảo đã từng đọc trước kia trên báo. Anh vội vàng rút sim, tắt nguồn điện thoại, lập tức gọi điện báo cho ngân hàng khóa tài khoản.

Anh Linh là một trường hợp may mắn thoát khỏi bàn tay “tử thần” của những kẻ lừa đảo trên không gian mạng. Có rất nhiều nạn nhân lại không được may mắn như vậy. Sau khi tải app, hoặc truy cập những đường link lạ, điện thoại, máy tính của nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo hoàn toàn nắm quyền kiểm soát. Chúng sẽ ăn cắp toàn bộ tiền trong tài khoản, thông tin cá nhân nhân và gửi tin nhắn lừa đảo vay tiền cho người thân nạn nhân. Có nhiều người bị mất đến vài trăm, vài tỷ đồng mà không có cách nào để lấy lại.

Ngoài lừa bằng đường link “lạ”, hiện nay, đối tượng lừa đảo còn có nhiều thủ đoạn khác nhau. Một trong số đó là lừa tình qua mạng. Câu chuyện tưởng quen, nhưng vẫn còn rất nhiều nạn nhân bị lừa. Số tiền họ mất không hề ít, có người đã “mang” nợ lên đến vài tỷ đồng. Chị M.L (29 tuổi, TP HCM) cho biết, chị là một người có công việc ổn định, thu nhập tốt, giỏi ngoại ngữ, nhưng “lận đận” chuyện tình duyên. Chị L gặp gỡ một người đàn ông nước ngoài trên mạng xã hội, anh ta tự xưng là người Mỹ đang làm việc với đối tác ở Pháp. Hai người quen nhau một thời gian, chị L ngỏ ý mời anh sang Việt Nam, đối tượng lừa đảo cho biết anh ta đang gặp khó khăn trong công việc, bị đối thủ “chơi xấu” và đang bị tạm giam ở Pháp. Anh ta nói cần chị chuyển gấp cho một số tiền lên đến 3000 USD để bảo lãnh anh ta và nhân viên ra khỏi Pháp. Chị L đồng ý, không những vậy, anh ta còn vay chị một số tiền để trả nợ cho công ty. Tổng cộng, chị L cho anh ta vay một số tiền lên đến 800 triệu. Thay vì nhận được lời hẹn sang Việt Nam như đã hứa, “người đàn ông Mỹ” biến mất không tung tích. Chị chia sẻ: “Trước khi cho anh ta vay, tôi đã kiểm tra các giấy tờ công ty của anh ta, thậm chí còn gửi mail xác thực tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của anh ta. Tự tin vào trình độ tiếng Anh và kiến thức của bản thân, khiến tôi mù quáng tin người”. Hiện nay, chị L không chỉ mất hết số tiền tiết kiệm mà còn rơi vào khủng hoảng, trầm cảm.

Ngoài đánh vào sự thiếu hiểu biết, lòng tham, khao khát được yêu thương của nạn nhân. Các đối tượng lừa đảo mạng còn khôn khéo khi tạo ra các “bẫy ruồi” để lừa những người. Hiện nay, có rất nhiều sàn giao dịch, quỹ đầu tư huy động vốn, người chơi cần nạp một số tiền nhất định, hoàn thành các nhiệm vụ như điểm danh mỗi ngày, mua sản phẩm nhận voucher,... là đã nhận về vài trăm nghìn. Nhiều người vì lòng tham nghe theo sự hướng dẫn của các app, các sàn giao dịch, quỹ đầu tư, nộp thêm tiền hoặc hùn vốn, thậm chí gọi cả người nhà tham gia, số tiền lên đến vài chục tỷ. Đang trên đà “thắng lợi”, người nối người nộp tiền, thì một “ngày đẹp trời”, app hoặc sàn giao dịch, quỹ đầu tư “biến mất”, không ai có thể liên hệ được. Số tiền vài trăm triệu, vài chục tỷ cả đời người tích góp cứ như vậy “đội nón ra đi”.

P.L.N (40 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) tâm sự: “Qua lời giới thiệu của một đồng nghiệp, tôi được biết sàn giao dịch này có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian”. Sau đó, anh N được “kết nạp” vào một nhóm Zalo, các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia giao dịch đầu tư tài chính cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa. Để tạo “uy tín”, thời gian đầu chúng trả hoa hồng (tiền lãi) cho các nhà đầu tư rất đúng hạn. Thậm chí, có những nhà đầu tư “chim mồi” liên tục khoe chiến tích chốt lời để kích thích lòng tham của nạn nhân. Thấy số tiền “ảo” ngày một tăng, anh N đã hùn vốn, vay tiền khắp nơi đầu tư lên đến gần một tỷ đồng, sau một thời gian app sập và biến mất không tung tích, để lại cho anh một khoản nợ khổng lồ.

Bẫy chồng bẫy

Câu chuyện lừa đảo không những được các đối tượng vẽ ra hàng trăm, hàng nghìn mê cung đáng sợ. Mà còn có “lừa đảo nối tiếp lừa đảo”. Nhiều người mất tiền trên không gian ảo, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và khát khao đến mức mù quáng lấy lại số tiền khổng lồ. Vì vậy, đây là thời điểm để những kẻ đầu cơ trục lợi xuất hiện. Với lời hứa hẹn sẽ giúp nạn nhân kiếm lại số tiền đã mất, chúng liên tục nhắn tin an ủi, động viên, cam đoan sẽ đòi lại tiền cho nạn nhân.

Chị Trần Thu Trang (45 tuổi, sống ở Hà Nội) chia sẻ lại câu chuyện của gia đình. Sau khi người em gái của chị Trang bị lừa mất 500 triệu đồng do đầu tư trên các sàn giao dịch ảo. Do nghe lời giới thiệu của bạn bè, em gái chị liên hệ với một người tự xưng là “hỗ trợ đòi tiền cho những người bị lừa đảo qua mạng”. Chị Trang nói: “Lần đầu tiên, hắn cho biết đã lấy lại được 100 triệu cho em gái tôi, đòi trả phí 50 triệu đồng. Em gái tôi lập tức đồng ý. Sau đó, hắn gọi điện cho biết cần “chuyên gia máy tính” đòi 100 triệu để lấy hết toàn bộ số tiền em tôi đã mất. Nghĩ đến việc thu lại được 500 triệu, mà chỉ mất có 1/5, em gái tôi không ngần ngại chuyển tiền”. Cuối cùng, sau khi chuyển khoản tiền, em gái chị Trang không thể liên hệ được với đối tượng “hỗ trợ đòi tiền cho những người bị lừa đảo qua mạng”. Mất khoản tiền lớn hai lần cùng trong một thời gian ngắn khiến em gái chị Thu Trang rơi vào trầm cảm. Cả gia đình thường xuyên đồng hành, sợ em gái sẽ nghĩ quẩn làm liều.

Thực tế, sau khi mất một số tiền lớn do “sập bẫy” những kẻ lừa đảo trong không gian mạng. Nhiều người bắt đầu liên tục tra các thông tin để lấy lại số tiền đã mất. Ở các hội nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội, đều có những kẻ đội danh “Hỗ trợ đòi tiền cho những người bị lừa đảo qua mạng” ẩn nấp, chờ đợi tiếp tục tìm cơ hội đưa các nạn nhân vào “bẫy”.

Với lời hứa hẹn ngon ngọt sẽ đòi lại số tiền đã mất cho nạn nhân. Chúng yêu cầu nạn nhân phải trả trước một số tiền từ vài triệu cho đến vài chục triệu (thậm chí là vài trăm). Sau khi nhận được tiền của nạn nhân, những đối tượng lừa đảo ngay lập tức biến mất.

Tỉnh táo thoát khỏi “ma trận” lừa đảo

Chị Đinh Trần Mai Anh (50 tuổi, sống ở Hà Nội) chia sẻ, làm trong ngành du lịch liên tục phải đi nhiều nơi, nên số điện thoại, căn cước công dân của chị thường xuyên bị lộ. Chị đã rất nhiều lần nhận được những cuộc gọi lừa đảo, tin nhắn trên các trang mạng xã hội. Chị đã từng bị lừa 20 triệu đồng do một lần bất cẩn. Sau này, chị cho biết, bản thân luôn xem các thông tin, tin tức trên mạng để cập nhật các thủ đoạn lừa đảo mới nhất trên không gian “ảo”. Hơn nữa, chị luôn giữ tỉnh táo, không để lòng tham làm “mờ mắt”.

Cục An toàn thông tin đã khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử trong nước và nước ngoài. Chú ý cẩn trọng trước các đường link giả mạo (đối chiếu với website thương mại điện tử chính thức hoặc website đã được đăng ký với Bộ Công Thương). Khách hàng cũng không nên bấm vào đường link lạ từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp bị mất thông tin, mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Không trả bất cứ loại phí nào nếu không mua hàng trên các hệ thống bán hàng chính thức của các trang thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn với những lợi ích hấp dẫn được hưởng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng để xác thực, tuyệt đối không nên tin và làm theo lời dụ dỗ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng....

Đọc thêm