Cảnh báo lừa đảo từ tài khoản giả mạo trên mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các hoạt động lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. Gần đây, một số tổ chức, cá nhân đã lập tài khoản mạng xã hội giả mạo các điểm đến nổi tiếng hoặc các sự kiện văn hóa, giải trí để trục lợi. Nhiều đơn vị đã phải lên tiếng “đính chính” và cảnh báo người dân thận trọng, xác minh thông tin.
Fanpage giả danh công ty sách thông báo đóng cửa tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)
Fanpage giả danh công ty sách thông báo đóng cửa tại Đường sách TP Hồ Chí Minh. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

Nhiều trang giả mạo, đưa tin sai sự thật

Mới đây, Đường sách TP Hồ Chí Minh đã đưa ra thông báo về việc một tài khoản giả mạo trên mạng đưa tin sai, làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của Đường sách. Theo đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản "CTCP Phát hành sách TP Hồ Chí Minh" lấy ảnh tại Đường sách TP Hồ Chí Minh để quảng cáo rầm rộ về việc “tặng sách miễn phí”, do công ty phát hành sách làm ăn thua lỗ, chuẩn bị đóng cửa tại Đường sách. Thông tin từ tài khoản trên đã nhận nhiều quan tâm, tương tác của độc giả.

Theo phía Đường sách TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng hình ảnh của tài khoản "CTCP Phát hành sách TP Hồ Chí Minh" đã khiến độc giả hiểu lầm về hoạt động tại Đường sách và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Đường sách thành phố cũng như các nhà xuất bản, công ty sách tại đây. Đường sách khẳng định vẫn hoạt động bình thường, các công ty, gian hàng có mặt tại đây vẫn được khán giả ủng hộ. Trước mắt, phía Đường sách TP Hồ Chí Minh sẽ thông tin đến Facebook để gỡ bỏ vi phạm liên quan của tài khoản giả mạo, sai sự thật trên.

Về phần mình, Công ty Cổ phần Phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FAHASA), đơn vị bị mạo danh cũng đã thông báo với độc giả về việc tài khoản trên tung tin sai, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp phát hành này. FAHASA cũng cho biết, thời gian qua đã có không ít trường hợp giả mạo trang của công ty để đăng thông tin mua bán sách, tuyển dụng...

Tương tự, hiện không ít cá nhân, tổ chức lập ra các fanpage giả mạo các nhà sách, đơn vị phát hành sách để đăng nhiều thông tin sai sự thật. Theo các đơn vị làm sách, những người lập ra tài khoản giả mạo như trên có thể có nhiều mục đích, hoặc tung tin đồn sai sự thật để “câu view”, thu hút lượng người xem lớn tương tác với trang nhằm mục đích bán các sản phẩm khác. Cạnh đó, nhiều tài khoản giả mạo đăng bài rao bán sách giả rẻ hoặc “xả kho”, mục đích để tiêu thụ những lô sách lậu, sách giả số lượng lớn. Độc giả vì tin tưởng vào các “thương hiệu sách nổi tiếng”, không phân biệt được đây là lừa đảo nên không ít người mất tiền oan khi mua nhằm sách “rởm”.

Giả danh hoạt động văn hóa để lừa đảo

Bên cạnh hoạt động phát hành, xuất bản, những đối tượng lừa đảo cũng nhắm vào các hoạt động văn hóa - giải trí khác để giả mạo tài khoản. Mới đây, khi bộ phim “Đào, Phở và Piano” trở nên nổi tiếng, được khán giả ùn ùn “săn” vé vào rạp, đã xuất hiện tình trạng giả mạo tài khoản đặt vé của bộ phim để lừa đảo. Sau sự việc trang web đặt vé của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị nghẽn do quá tải, không thể đặt vé được, một số tài khoản giả mạo trang web, fanpage của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia để thông báo bán vé qua mạng. Các đường link đăng kí hoặc dẫn đến các trang web bán hàng khác, hoặc cho phép người dùng đăng kí mua vé, trả tiền, nhưng toàn bộ là... lừa đảo, vì thực chất đến thời điểm này vé của bộ phim chỉ được bán tại chỗ.

Câu chuyện này vốn không mới. Ngay tại TP HCM, đã có những trường hợp fanpage giả mạo sân khấu kịch, mở bán vé các vở kịch đang “hot”, khó mua vé, sau đó bán vé cho khách. Khi khách cầm vé điện tử đến sâu khấu để xem mới phát hiện ra là vé “rởm”.

Tại một số liveshow, đại nhạc hội của nghệ sĩ nổi tiếng, tình trạng giả mạo tài khoản để bán vé không ít. Như chương trình “8Wonder Winter Festival” diễn ra tại Phú Quốc cuối năm ngoái, trong khi fanpage chính thức của chương trình đang bán vé thì một fanpage khác với giao diện tương tự cũng thông báo bán vé cho công chúng. Ngoài giao diện “giống hệt” trang “chính chủ”, fanpage giả mạo chỉ thay đổi một chút ở đuôi đường dẫn đặt vé, còn lại các thông tin trên trang cũng sao chép nguyên xi, khiến khán giả khó phân biệt. Không ít khán giả đã mất tiền khi chuyển khoản mua vé, sau đó bị fanpage chặn liên lạc.

Hiện nay, các hoạt động lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. Cơ quan chức năng thời gian qua cũng đã đưa ra nhiều cảnh báo, đề nghị người dân khi mua vé xem các hoạt động biểu diễn, giải trí nên cẩn trọng, xác minh thông tin, kiểm tra “chính chủ” trước khi chuyển tiền.

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân không bấm vào các đường link lạ trên các trang web nhằm tránh bị lừa đảo hoặc mất tài khoản.

Đọc thêm