Đây chính là kết quả của việc thử nghiệm hàng loạt sản phẩm lặp đi lặp lại để xác minh độ an toàn trước khi tung ra thị trường. Các con vật này phải chịu những đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần trước khi đón nhận liều thuốc an tử”. Nghe thật đau đớn phải không? Nhưng đấy là sự thật!
Thế nào là mỹ phẩm xanh, sạch?
Trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa cho bản thân vô số loại mỹ phẩm đến từ các nhãn hàng khác nhau. Thế nhưng, giữa những nghi vấn hàng giả hay hàng kém chất lượng thì mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên cũng là một đề tài được giới chị em làm đẹp đặc biệt quan tâm.
Hòa chung xu hướng sống xanh, sạch thì việc lựa chọn những sản phẩm được gắn mác organic hay thân thiện với môt trường đang là kim chỉ nam của các chị em phụ nữ yêu làm đẹp.Trong việc theo đuổi lối sống tự nhiên, các sản phẩm làm đẹp hữu cơ(Organic) có tính tự nhiên, an toàn để chăm sóc làn da và thân thiện với môi trường luôn là lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, chủ đề này cũng gây nhiều băn khoăn cho người tiêu dùng khi họ chưa thực sự hiểu đầy đủ về hai chữ “xanh” và “sạch”.
Trên thị trường, nhiều thương hiệu trang điểm, đồ dưỡng da được quảng cáo là “tự nhiên” hoặc “xanh” thường có nguồn gốc từ thiên nhiên, ít hóa chất (đặc biệt là chất bảo quản – paraben). Chính vì vậy, thời hạn sử dụng của những sản phẩm này thường ngắn hơn so với các loại mỹ phẩm thông thường. Đây là loại mỹ phẩm có ít nhất 70% thành phần từ nguồn gốc nông nghiệp được chứng nhận theo chuẩn hữu cơ do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đề ra.
Bên cạnh đó còn có nhiều tiêu chuẩn khác đến từ các quốc gia như Anh, Pháp và Úc. Việc sử dụng mỹ phẩm từ chất hữu cơ sẽ giúp người dùng tránh được những tác dụng tiêu cực từ hóa chất nhân tạo vốn được sử dụng rất phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp hiện nay. Hơn nữa, với sự tinh thiết và tự nhiên tuyệt đối, các sản phẩm hữu cơ sẽ đem lại tác dụng về lâu dài cho người sử dụng.
Tuy nhiên, để hiểu đầy đủ về khái niệm “mỹ phẩm xanh, sạch”, thì nguyên liệu đến từ thiên nhiên chỉ là một yếu tố. Để đảm bảo về độ “xanh” với môi trường, những thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ này còn phải cam kết sử dụng nguyên liệu thân thiện với trái đất và không bao giờ thử nghiệm sản phẩm trên động vật.
Những năm gần đây, trên thế giới đang dấy lên cảnh báo về việc lạm dụng nhựa của con người. Rất nhiều loài động vật, đặc biệt là động vật biển đã chết vì ăn nhầm phải các sản phẩm nhựa mà không tiêu hóa được. Có rất nhiều các loại mỹ phẩm như kem đánh răng, kem tẩy tế bào chết chứa các hạt vi nhựa (microbeads) được bày bán trên thị trường làm đẹp. Hạt Microbeads chính là sản phẩm của sự phân hủy nhựa.
Những hạt vi nhựa này được làm từ polyethylene hoặc các loại nhựa hóa dầu khác như polypropylene và polystyrene.Với kích thước siêu nhỏ, các hạt này dễ dàng được tìm thấy trong các chất làm sạch và đóng vai trò giúp loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn khi có thể thẩm thấu sâu vào trong da hay răng. Sau khi hoàn thành vai trò “chất làm sạch sâu”, các hạt nhựa này đủ nhỏ để lọt qua hệ thống xử lý nước thải và chảy ra sông hồ, ao và đại dương.
Từ đó nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như tác động đến chuỗi thức ăn. Không những thế, các hạt vi nhựa này còn có khả năng gây tổn thương tới não bộ, gây biến đổi chức năng miễn dịch ở con người. Trước tác hại khó lường của những loại hạt này, đã có rất nhiều nước như Anh, Ý đã ban hành lệnh cấm các sản phẩm chứa vi hạt được bày bán, tiêu thụ trên thị trường.
Ở Việt Nam, mặc dù đã có cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, nhưng dường như, người tiêu dùng vẫn chưa có ý thức cũng như kiến thức để lựa chọn cho bản thân những sản phẩm không chứa vi hạt.
Đẹp trên nước mắt động vật
Bên cạnh yếu tố nguyên liệu xanh, việc đảm bảo sản phẩm không sử dụng động vật để thử nghiệm trong quá trình sản xuất cũng là một khía cạnh để đánh giá về độ xanh và sạch của sản phẩm. Không thể phủ nhận rằng, việc sử dụng động vật để thí nghiệm độ an toàn của mỹ phẩm, sữa tắm hay đồ trang điểm đã tồn tại từ rất lâu.
Dường như, hầu hết các công ty sản xuất mỹ phẩm đều sử dụng thỏ, khỉ hay chuột để thử nghiệm sản phẩm của hãng trước khi sử dụng cho con người. Hiển nhiên rằng, đây là cách thí nghiệm độ an toàn có giá thành rẻ và đơn giản nhất.
Tuy nhiên, việc sử dụng những con vật này lại đi ngược lại với quyền phúc lợi động vật – nơi mà con vật phải được đối xử bình đẳng. Một vài tên của những hãng mỹ phẩm lớn sử dụng động vật (bao gồm thỏ, chuột, chó và mèo) để làm thí nghiệm như: L'Oreal, Lancôme, MAC, Estée Lauder, Cover Girl, Revlon, Maybelline, Clinique, Olay, Neutrogena...
Đây chỉ là một vài cái nên tiêu biểu, ngoài ra còn hàng trăm ngàn hãng mỹ phẩm khác thí nghiệm trên động vật, đặc biệt là những hãng mỹ phẩm bắt đầu mở rộng thị trường ở Trung Quốc. Ngày nay, bên cạnh việc sử dụng đông vật, có rất nhiều cách để thử nghiệm độ an toàn của những sản phẩm mới với kết quả chính xác như là sử dụng mô hay tế bào.
Chính vì vậy, việc nói không với các loại mỹ phẩm được đánh đổi bằng máu và mạng sống của động vật là cách không chỉ để đảm bảo lối sống xanh, sạch mà còn giúp cứu mạng những con vật đáng thương đó.
Làm thế nào để nhận biết mỹ phẩm xanh?
Trước vô vàn các sản phẩm đến từ các nhãn hàng khác nhau, cả trong nước lẫn quốc tế, thì việc lựa chọn được mỹ phẩm xanh, hợp giá tiền và đảm bảo chất lượng thật sự rất khó. Tuy nhiên, có một số nhãn hàng đã cam kết về thành phần, chất lượng cũng như cách thức sản xuất thân thiện với môi trường. Những nhãn hàng này ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở quốc tế mà còn ở Việt Nam.
Một hãng mỹ phẩm tiêu biểu và tên tuổi có chi nhánh tại Việt Nam luôn nói không với thí nghiệm trên động vật đó là The Body Shop. The Body Shop đã nhận được giải thưởng đấu tranh vì động vật từ hội RSPCA - Hội bảo vệ động vật của hoàng gia Anh vì đi đầu trong lĩnh vực này. Ở Châu Á, hãng này thậm chí đã từng trích tiền lợi nhuận để phục vụ cho những chiến dịch bảo tồn loài orangutan ở Borneo - Malaysia.
Hãng mỹ phẩm của Thụy Điển, Oriflame cũng không và chưa bao giờ thí nghiệm trên động vật. Hay hãng kem đánh răng Colgate - Palmolive chỉ thí nghiệm trên động vật khi luật pháp yêu cầu. Ngoài ra, Lush, Kiehl’s cũng là những nhãn hàng mỹ phẩm đi tiên phong trong việc sử dụng các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên vào sản phẩm của mình.
Từ những năm 90 trở đi, khi phong trào vì quyền động vật đã bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý và ý thức của người dân đã bắt đầu trở nên tốt hơn, thì các tổ chức hướng tới việc bảo việc động vật cũng đã được biết đến nhiều hơn trước. Logo hình chú thỏ “cruelty-free” hay “No animal tested” dần được xuất hiện trên những nhãn mác mỹ phẩm.
Bên cạnh đó, các loại mỹ phẩm hữu cơ sẽ có tem chứng nhận của các hiệp hội như USDA Organic, ECOCERT, California Organic, ICEA… hiện diện trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, chúng ta có thể nhận biết bằng cách xem kỹ danh sách thành phần trên tem và bao bì sản phẩm.
Khi lối sống xanh đang dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới, cụm từ “hữu cơ” cũng trở thành xu hướng trong cuộc cạnh tranh của các nhãn hàng để phù hợp với thị hiếu của người dùng. Vì thế, có lẽ không quá khó để có thể tìm ra sản phẩm hữu cơ và thân thiện với môi trường với giá thành và chất lượng hợp lý. Các mỹ phẩm xanh, sạch không chỉ rất tốt cho làn da, sức khỏe mà còn đem lại lợi ích tích cực với môi trường thiên nhiên.