Miền Trung chủ động ứng phó hạn nặng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài tập trung từ tháng 4 đến tháng 6 tại miền Trung dẫn đến nguy cơ thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất vụ Đông Xuân và Hè thu tới. Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tích cực chủ động ứng phó…
Độ mặn nước sông tại cửa thu nước thô vào các Nhà máy nước ở Đà Nẵng đang vượt ngưỡng
Độ mặn nước sông tại cửa thu nước thô vào các Nhà máy nước ở Đà Nẵng đang vượt ngưỡng

Nông nghiệp có nguy cơ gặp hạn

Hồ chứa nước Đá Bạc (xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng từ những năm 1980. Qua hơn 40 năm sử dụng, công trình này đã hư hỏng, xuống cấp. Khu vực xung quanh, một số hộ dân trồng keo xâm lấn làm cho lòng hồ bị thu hẹp. Thêm vào đó, nắng nóng gay gắt đầu mùa khiến mực nước trong hồ cạn dần, gây khó khăn cho nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, vụ Hè Thu năm 2024, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hơn 49.727ha, trong đó có hơn 34.754ha lúa và 14.974ha cây trồng khác. Trong vụ, dự kiến tổng diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng bị hạn hơn 3.000ha, trong đó có khoảng 2.000ha lúa, còn lại là các cây trồng khác.

Trong khi đó tại Quảng Nam, nguy cơ hạn hán, xâm mặn cũng diễn ra trên diện rộng. Huyện Duy Xuyên là một trong 3 địa phương có diện tích lúa Đông Xuân nhiều nhất của tỉnh. Vụ Đông Xuân năm nay, huyện gieo sạ gần 500ha lúa, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tưới của trạm bơm điện 19/5. Năm nay từ đầu tháng 4, nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút của trạm bơm điện 19/5 với nồng độ khá cao khiến công trình thủy lợi trọng yếu này hoạt động cầm chừng không thể phục vụ tưới tiêu.

Độ mặn nước sông tại cửa thu nước thô vào các Nhà máy nước ở Đà Nẵng đang vượt ngưỡng

Độ mặn nước sông tại cửa thu nước thô vào các Nhà máy nước ở Đà Nẵng đang vượt ngưỡng

Còn tại Đà Nẵng, theo số liệu quan trắc của Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ đầu tháng 4/2024 đến nay, độ mặn đo được tại Nhà máy nước Cầu Đỏ thường xuyên duy trì trên 1000mg/l. Độ mặn bắt buộc nhà máy nước này phải đóng kín cửa thu nước trên sông Cầu Đỏ và vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để bơm nước trên sông Yên về. Tại đập dâng An Trạch, mực nước sông Yên cũng ghi nhận mực nước thường hạ thấp vào các ngày nghỉ cuối tuần và khi các nhà máy thuỷ điện vận hành xả với lưu lượng nhỏ.

Chủ động ứng phó

Để bảo đảm cấp nước cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nước, nhất là vào dịp lễ, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu các ngành, đơn vị vận hành hiệu quả Trạm bơm phòng mặn An Trạch để đưa đầy đủ nguồn nước thô từ đập An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay trong trường hợp bị nhiễm mặn. Các đơn vị cần tổ chức vận hành hiệu quả, khai thác tối đa công suất các nhà máy nước khác mà nguồn nước thô không bị ảnh hưởng bởi vấn đề xâm nhập mặn trên địa bàn.

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng có công văn đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo, trong trường hợp các hồ thủy điện xả nước để phát điện với lưu lượng xả ít hơn so với quy định của quy trình về bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần phải xả về với lưu lượng đủ để duy trì mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch không dưới 1,6m, nhằm bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố.

Tại Quảng Ngãi, theo ông Võ Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, đối với giải pháp phi công trình, các địa phương, đơn vị liên quan tập trung rà soát vùng tưới của các hồ chứa hiện có dung tích nước còn lại trong hồ đạt thấp (nhất là các hồ chứa nước lớn ở thị xã Đức Phổ và hồ chứa quy mô nhỏ ở huyện Bình Sơn) để triển khai các biện pháp phòng, chống hạn phù hợp với tình hình thực tế. Đối với những vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành xây dựng kéo dài tuyến ống cấp nước, khoan giếng lấy nước ở tầng sâu, từng bước thay thế nguồn nước từ tầng nông ở những vùng cạn kiệt do hạn hán.

Độ mặn nước sông tại cửa thu nước thô vào các Nhà máy nước ở Đà Nẵng đang vượt ngưỡng

Độ mặn nước sông tại cửa thu nước thô vào các Nhà máy nước ở Đà Nẵng đang vượt ngưỡng

Tại Quảng Nam, ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này thông tin, đơn vị đã phối hợp các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn tổ chức vận hành nước để cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tỉnh cũng đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi hơn 1.100ha đất lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây trồng cạn, hoa màu. Đồng thời hỗ trợ, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị thủy điện tổ chức vận hành xả nước qua phát điện để hạ du chống hạn và đẩy mặn.

Đọc thêm