Thực hiện Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Theo đó, năm 2023, theo Quyết định số 896/QĐ-UBND ngày 20/6/2023 của UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện hưởng chính sách vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP thì toàn huyện có 296 hộ thuộc diện hỗ trợ theo Nghị định, trong đó có 14 hộ thuộc diện chuyển đổi nghề và 282 hộ thuộc diện hỗ trợ nhà ở.
Căn cứ chỉ tiêu nguồn vốn bổ sung năm 2023 là 4.080 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Minh Hóa đã triển khai giải ngân cho vay đến 5 xã thuộc vùng thụ hưởng chương trình tín dụng. Tổng doanh số giải ngân cho vay trong năm là 4.080 triệu đồng, với 91 lượt hộ được vay vốn, cụ thể: Xã Dân Hóa có 19 lượt hộ vay vốn với số tiền 760 triệu đồng, xã Trọng Hóa có 44 lượt hộ vay vốn với số tiền 1.918 triệu đồng, xã Hóa Tiến có 6 lượt hộ vay vốn với số tiền 240 triệu đồng, xã Thượng Hóa có 6 lượt hộ vay vốn với số tiền 322 triệu đồng, xã Hóa Sơn có 16 lượt hộ vay vốn với số tiền 840 triệu đồng.
Xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa là xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được thụ hưởng các chính sách theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, trong đợt 2 của năm 2023 này toàn xã có 11 hộ nghèo được hỗ trợ giải ngân cho vay vốn xây dựng nhà để ở.
|
Gia đình anh Cao Ngọc Bằng đã dọn về ở trong căn nhà mới đàng hoàng. |
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên ở thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước là 40 triệu đồng, anh thuộc đối tượng thụ hưởng vay vốn đợt này của NHCSXH huyện với số tiền 40 triệu đồng, gặp chúng tôi, anh Nguyên hồ hởi chia sẻ: “Nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và NHCSXH cho vay vốn, gia đình tôi đã sắp sửa hoàn thiện ngôi nhà xây kiên cố rồi, nếu không có chính sách ưu đãi này không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có điều kiện làm được một ngôi nhà mới”.
Triển khai làm nhà sớm hơn các hộ khác, anh Cao Ngọc Bằng cùng ở thôn Thuận Hóa vay vốn 40 triệu đồng, đến nay anh đã hoàn thiện xây bao xong ngôi nhà gỗ ba gia kiên cố, diện tích trên 50m2, gia đình anh đã dọn về ở trong ngôi nhà mới, các con và vợ chồng anh rất phấn khởi vì từ nay không còn phải chịu cảnh cứ mỗi mùa mưa, bão về là ngôi nhà lại dột nước tứ phía, các con anh phải đến nhà hàng xóm để trú tạm: “Vợ chồng em lấy nhau ra ở riêng gần 10 năm rồi, trước đây có trong mơ em cũng không nghĩ là mình sẽ làm được một ngôi nhà kiên cố để ở, nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ nay đã có ngôi nhà mới để ở rồi, nay thì yên tâm để làm ăn nuôi dạy con cái rồi”, anh Bằng bộc bạch.
Có thể khẳng định rằng, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngoài các chính sách cho vay vốn lãi suất ưu đãi để đầu tư các mục đích như: chuyển đổi nghề, cải tạo đất sản xuất, thực hiện chuỗi giá trị… thì chính sách hỗ trợ vay vốn để cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà ở đã thực sự đi vào cuộc sống, được đồng đảo người dân, hộ nghèo ở huyện Minh Hóa đồng thuận và đánh giá cao, thể hiện sự đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, những ngôi nhà được đầu tư xây dựng mới thể hiện ý của Đảng và Nhà nước rất hợp với lòng dân.