Mnangagwa - “Người hùng” trở lại?

(PLO) - Ngày 24/11, Emmerson Mnangagwa đánh dấu sự trở lại chính trường đầy ngoạn mục khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Zimbabwe, chấm dứt giai đoạn cầm quyền kéo dài 37 năm của nhà lãnh đạo Robert Mugabe. 
Ông Mnangagwa - người có biệt danh “cá sấu”
Ông Mnangagwa - người có biệt danh “cá sấu”

Mugabe, 93 tuổi, người đã lãnh đạo Zimbabwe kể từ khi giành độc lập năm 1980, đã từ nhiệm hôm 21/11 sau khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước và đảng ZANU-PF cầm quyền đã quay lưng lại với ông. Nhà lãnh đạo cầm quyền cao tuổi nhất thế giới tuyên bố từ chức khi Quốc hội bắt đầu tiến trình luận tội ông, khiến người dân tổ chức các cuộc ăn mừng trên đường phố. 

Thời khắc mới?

Cú “ngã ngựa” bất ngờ của Mugabe được kích động bởi cuộc đấu đá giành quyền kế vị ông giữa Mnangagwa và đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Chỉ 2 tuần trước, Grace dường như có lợi thế hơn sau khi Mugabe phế truất Mnangagwa hôm 6/11 khỏi vị trí Phó Tổng thống vì tội “bất trung”. Điều đó khiến Mnangagwa, 75 tuổi, một trong những cấp phó đáng tin cậy nhất của Mugabe, phải rời khỏi đất nước, cũng như khiến xe tăng phải đổ ra các đường phố Zimbabwe. 

Mnangagwa, người có quan hệ gần gũi với quân đội và lực lượng an ninh đã trở về nước và được tiếp đón như người hùng hôm 22/11. Ông nói với đám đông những người ủng hộ ở Harare rằng họ đang chứng kiến sự khởi đầu của thời kỳ dân chủ mới. Lễ nhậm chức sẽ được tổ chức tại Sân vận động Thể thao Quốc gia với sức chứa 60.000 người, và các nhà tổ chức đã kêu gọi người dân Zimbabwe thuộc “mọi tầng lớp xã hội” tới tham dự và chứng kiến “thời khắc lịch sử”.

Trước lễ nhậm chức, quân đội cảnh báo rằng các kẻ tội phạm đã đóng giả là các binh sĩ kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra và tống tiền người dân. Quân đội cũng kêu gọi người dân Zimbabwe tuân thủ pháp luật. Mnangagwa đã gửi một bức thư tới người dân, thừa nhận về sự bất ổn bao trùm khắp cả nước kể từ khi quân đội tiếp quản quyền lực. 

Tổng thống “cá sấu”

Mnangagwa - người có biệt danh “cá sấu”, một động vật nổi tiếng vì đặc tính bí mật và tàn bạo - đã ủng hộ quan điểm chủ nghĩa dân tộc của Mugabe, đặc biệt là nỗ lực buộc các công ty nước ngoài trao cổ phần lớn cho những người da màu địa phương. Điều này cho thấy ông sẽ không phải là người thực dụng ủng hộ thị trường như nhiều nhà đầu tư đang hy vọng. 

Điều gây tranh cãi hơn hết là ông đã lãnh đạo lực lượng an ninh hồi giữa những năm 1980 khi ông Mugabe triển khai lữ đoàn được huấn luyện để chống lại phe nổi dậy trung thành với đối thủ của ông là Joshua Nkomo. Phong trào vì Sự thay đổi Dân chủ đối lập nói rằng họ không mấy lạc quan rằng Mnangagwa sẽ không “làm theo và lặp lại chế độ tàn bạo, tham nhũng, suy đồi và kém cỏi của Mugabe”.

Giới chỉ trích miêu tả Mnangagwa là người bảo thủ và cảnh báo rằng ông có thể là nhà độc tài như “người thầy” cũ của ông. Peter Fabricius, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu An ninh ở Pretoria nói rằng các nhân vật đối lập hy vọng ông Mnangagwa thiết lập một chính phủ chia sẻ quyền lực. 

Kỳ vọng của người dân

Trong lúc các đảng đối lập kêu gọi cải cách bầu cử và các cải cách khác để đảm bảo một “sân chơi” chính trị công bằng, người dân lại quan tâm hơn đến các vấn đề thường ngày. Trên mạng xã hội đã xuất hiện danh sách “những điều cần làm và không làm” trong lúc người dân Zimbabwe hy vọng rằng tân Tổng thống sẽ mở ra một thời kỳ thịnh vượng mới. 

Ngày 22/11, Mnangagwa kêu gọi người dân Zimbabwe đoàn kết lại trong lúc đất nước đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế. Ông cũng kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế. Ông nói: “Chúng tôi muốn hòa bình cho đất nước, chúng tôi muốn công ăn việc làm cho người dân”. Tuy nhiên, ông sẽ phải biến lời nói thành hành động trong lúc đất nước đang vật lộn với các vấn đề như thất nghiệp, giá cả các hàng hóa thiết yếu gia tăng, thiếu hụt tiền mặt và cảm giác về tình trạng “không nơi nương tựa”. 

Martin Zengeni, một công nhân cơ khí nói rằng Mnangagwa nên nhanh chóng đưa Zimbabwe thoát khỏi lời lẽ hận thù vốn là đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Zimbabwe trong thời gian dài. Ông nói: “Chúng ta nên tranh thủ sự thiện chí của quốc tế bằng việc đưa ra các chính sách thuyết phục thế giới bên ngoài rằng chúng ta đang đi theo con đường dân chủ hơn. Chúng ta cũng cần ông thành lập một nội các có hiệu quả hơn để phục vụ người dân trước tiên và không theo xu hướng lợi dụng các tài nguyên của đất nước. Chúng tôi không muốn một “chính quyền bảo trợ” và vấn đề bổ nhiệm người thân vào nội các nên chấm dứt”. 

Peter Chengeta, một thư ký ngân hàng ở thủ đô Harare nói rằng Mnangagwa có chưa đầy 1 năm để chứng minh cho khả năng của ông và ông nên đưa ra các chính sách có lợi cho các nhà đầu tư, thúc đẩy dân chủ và tạo ra sự hòa hợp dân tộc. 

Một người dân tên là Amos Muduva, 61 tuổi nói rằng chính phủ nên giải quyết các vấn đề tại các cơ sở y tế, nơi người dân không được chữa trị đầy đủ bởi sự thiếu hụt nguồn lực. Theo bà Muduva, các nhà đầu tư nên có được một môi trường thuận lợi để hoạt động để các ngành công nghiệp được hồi sinh và công ăn việc làm được tạo ra...