Mở cửa du lịch sau hai năm: Phát huy nội lực “vượt bão” COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong hai năm qua, ngành du lịch Việt Nam liên tục “ngụp lặn” với dịch bệnh, chịu nhiều tổn thất nặng nề. Việc Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15/3 là một tín hiệu tích cực, tuy nhiên đi kèm với đó là rất nhiều nỗi lo lắng trước những khó khăn và rủi ro.
Ngành du lịch cả nước đón chờ ngày mở cửa sau 2 năm.
Ngành du lịch cả nước đón chờ ngày mở cửa sau 2 năm.

Mong mỏi vượt qua mối quan ngại về dịch bệnh

Hiện Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới – đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để nước ta mở cửa du lịch hoàn toàn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất vẫn là diễn biến phức tạp của tình hình COVID-19, những ngày gần đây đều chứng kiến trên 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tổng số ca nhiễm mới trên toàn quốc liên tục chạm đỉnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng mới đưa ra cảnh báo “còn quá sớm để coi COVID-19 như một bệnh cúm mùa”.

Theo các chuyên gia trong nước, trong số ca mắc trong cộng đồng, tỷ lệ du khách trong nước nhiễm bệnh tương đối cao, tuy nhiên du lịch nội địa vẫn hoạt động tốt. Bên cạnh đó, nhìn nhận từ chương trình thí điểm đón khách quốc tế từ cuối năm 2021 đến nay, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công, nêu đánh giá với báo chí rằng: Tỷ lệ nhiễm bệnh của du khách quốc tế nhập cảnh không nhiều, một phần vì số lượng khách nước ngoài vẫn ít so với khách trong nước. Do đó, rủi ro số lượng ca nhiễm cộng đồng tăng cao vì mở cửa du lịch quốc tế là không cao.

Du lịch trong bối cảnh bình thường mới không chỉ cần đảm bảo tính chuyên nghiệp, thân thiện mà còn cần cả sự an toàn. “Lạc quan thận trọng” là phương châm của ngành du lịch toàn cầu hiện nay. Chính vì thế, trong việc góp ý cho phương án mở cửa lại, hoạt động du lịch sau 15/3, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nhiều quy định chặt chẽ với khách du lịch quốc tế. Bộ Y tế cũng khuyến cáo nhóm khách từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền hạn chế đi du lịch.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp du lịch đã bày tỏ sự lo lắng, cho rằng những đề xuất mới sẽ phần nào “trói chân” du khách, làm khó cho ngành du lịch. Chưa kể, bởi các chính sách và quy định có thể thay đổi dựa trên diễn biến dịch bệnh, đẩy doanh nghiệp và du khách ở thế “đi trên dây” khi có thể phải thay đổi kế hoạch du lịch vào phút chót.

Từng bước vượt khó, nâng khả năng cạnh tranh

Năm 2021, Giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards đã công bố Việt Nam là “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trước dịch, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh, chiếm một vị trí đáng ghi nhận trên bản đồ du lịch thế giới.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan rằng, dịch bệnh đang gần như “reset” lại cuộc đua du lịch toàn cầu, tức là đặt ra nhiều tiêu chuẩn mới, quy luật mới, thách thức mới cho ngành du lịch mỗi quốc gia. Do đó, những nỗ lực dài hơi của ngành du lịch nước ta trước dịch hiện sẽ có thể phải tái khởi động lại từ đầu.

Phương châm của du lịch thế giới vẫn là “lạc quan thận trọng”, chưa thể lơ là với dịch bệnh.

Phương châm của du lịch thế giới vẫn là “lạc quan thận trọng”, chưa thể lơ là với dịch bệnh.

Trong thời gian gần đây, một loạt quốc gia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại hoặc nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới, bao gồm Indonesia, Singapore, Nhật Bản, châu Âu... Trong khi nhiều nước vẫn duy trì các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhằm khống chế đại dịch, nhiều nước lại đưa ra các chính sách “khá dễ thở” với du khách để kích cầu. Sự khác biệt trong cơ chế đón khách cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định đặt chuyến đi của du khách.

So với không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà cả tại châu Á và các châu lục khác, tính cạnh tranh trong du lịch ngày càng “khốc liệt” hơn, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với ngành du lịch Việt Nam khi mới bước vào giai đoạn phục hồi hoàn toàn hậu dịch.

Lại nói, sau thời gian “nghỉ” khá dài, nhiều doanh nghiệp du lịch trở lại cuộc đua với trạng thái “cầm chừng”. Có những doanh nghiệp đã mất đi trên dưới 50% lực lượng lao động, gồm rất nhiều lao động lành nghề. Do vậy, “bài toán” phải giải quyết trước mắt đối với doanh nghiệp là bù đắp lại những hao hụt về nhân sự, tài chính,… cũng như khắc phục hậu quả từ việc chuỗi cung ứng dịch vụ, nguồn khách đã bị “đứt gãy” bởi dịch.

Có thể thấy, hiện nay du lịch nước ta vẫn còn “bộn bề” rất nhiều mối lo khi quyết định mở cửa trở lại du lịch từ giữa tháng 3. Hy vọng với nỗ lực không ngừng nghỉ của các khối Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng, ngành du lịch nước nhà sẽ sớm tìm lại “ánh hào quang” của những năm trước dịch, phát huy nội lực trong “bão” COVID-19.

Đọc thêm