Mổ đẻ bằng phương pháp gây tê tủy sống: Nhiều lợi, lắm hại

(PLVN) - Vừa qua, liên tiếp 2 cơ sở y tế để xảy ra 3 trường hợp sản phụ, thai nhi tử vong và nguy kịch, chiều 20/11, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế TP Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An đề nghị 2 đơn vị trên xác minh làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân nếu có sai phạm. 
Sinh mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống: Nhiều lợi, lắm hại (Ảnh minh họa)

Nói một cách khách quan, phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ là phương pháp hiện đại giúp sản phụ bớt đau đớn, thế nhưng cũng đầy rủi ro nếu không kiểm soát tốt.

Liên tiếp xảy ra tai biến

Theo đó, vào ngày 17/11, tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng có 2 sản phụ là V.T.N.S (32 tuổi)  và N.T.H. (32 tuổi) đến sinh. Sau khi thực hiện phương pháp gây mê tủy sống để thực hiện mổ lấy con cho 2 sản phụ này thì bất ngờ sản phụ S.  tử vong, còn sản phụ H. trong tình trạng nguy kịch.

Cụ thể, sản phụ V.T.N.S. (ngụ quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) nhập Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng để chờ sinh khi thai kỳ được 38 tuần 3 ngày. Bác sĩ chỉ định mổ lấy thai do sản phụ S. có dấu hiệu chuyển dạ, thai to và đa ối.

Trưa cùng ngày, khi ê kíp mổ tiến hành gây tê tủy sống để thực hiện mổ lấy thai. Cuối ca mổ thì bệnh nhân có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Lập tức ê kíp đã chuyển thai phụ sang Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng cấp cứu. Tuy nhiên, đến hơn 20 giờ cùng ngày, sản phụ này đã tử vong.

Khoảng 10 giờ 50 phút cùng ngày, chị N.T.H. (trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cũng được chuyển đến Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng khi đang mang thai 37 tuần 1 ngày trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến hơn 15 giờ cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ để gây tê tủy sống. Sau đó, sản phụ H. có biểu hiện tương tự sản phụ S. nên các bác sĩ đã chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Tại đây, Bệnh viện đã tiến hành mổ lấy thai thành công rồi chuyển sản phụ H. vào khoa hồi sức tích cực chống độc trong tình trạng nguy kịch.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) sản phụ Hồ Thị M. (27 tuổi, ngụ xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu vào ngày 19/11 để sinh sau khi sản phụ này có dấu hiệu chuyển dạ. Sản phụ M. được nằm theo dõi tại Khoa Sản của Bệnh viện này. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, sản phụ M. nguy kịch và được chuyển lên Khoa Gây mê cấp cứu. Các bác sĩ mổ lấy thai 38 tuần tuổi. Tuy nhiên, bé trai nặng hơn 3kg đã tử vong.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP Đà Nẵng và tỉnh Nghệ An xác minh thông tin trên; đồng thời chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An và các đơn vị có liên quan tập trung nguồn lực, nhân lực hỗ trợ chăm sóc điều trị tốt nhất cho sản phụ N.T.H. và sản phụ Hồ Thị M, thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá về quy trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với sản phụ S., H. và M.

Riêng đối với Sở Y tế TP Đà Nẵng, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn cung cấp các dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện Công văn số 5069/ BYT-BM-TE ngày 28/9/2019 về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai. Trong trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, Sở Y tế địa phương này cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn tại Quyết định số 1088/ QĐ- BYT ngày 4/4/2013 của Bộ trưởng Y tế.

Gây tê tủy sống: Nhiều lợi, lắm hại

Trong những năm trở lại đây, trên các trang mạng, diễn dàn của các bà bầu rộ lên phong trào sinh mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống. Lý do sản phụ lựa chọn phương pháp này không chỉ vì giúp sản phụ bớt đau đớn mà với nhiều người còn vì lý do “giữ chồng”. Họ sợ vùng kín sau sinh sẽ bị giãn rộng, ảnh hưởng đến “quan hệ chăn gối”.

 Thế nhưng, theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ mổ lấy thai trung bình chung trong giới hạn an toàn từ 15 – 20%. Tuy nhiên, ở Việt Nam tỷ lệ này lại tương đối cao.

Cụ thể, Thông tin tại Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp năm 2019 diễn ra trong hai ngày 13 và 14/5, PGS. TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ mổ lấy thai, nhưng tỷ lệ này tùy theo từng bệnh viện, có nơi lên tới 60% trong tổng số ca đẻ.

Tính trung bình, tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ sản phụ chọn mổ đẻ chiếm khoảng 30%. Tại Hà Nội, năm 2018 vừa qua, trong tổng số 79.255 ca đẻ tại các bệnh viện của thành phố thì có 35.638 ca phẫu thuật lấy thai (đẻ mổ), chiếm tỷ lệ 45%... Xu hướng mổ lấy thai ở thành phố lớn hơn vùng nông thôn. Riêng ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì tỷ lệ này chiếm khoảng 50%.

Phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ là phương pháp gây tê vùng, từng được khen là phương pháp hiện đại giúp sản phụ bớt đau đớn. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào vùng dịch não tủy ở vị trí giữa lưng để gây tê cục bộ. Sản phụ vẫn tỉnh táo, nhịp tim và huyết áp điều hòa ổn định trong quá trình mổ lấy thai. Xác suất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh được đánh giá là ở mức thấp nhất.

Tuy nhiên, khi xảy ra biến chứng sinh sản, phương pháp này lại cực kỳ nguy hiểm. Một số người cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, khó thở, vị trí tiêm đau buốt sau 30 phút tiêm. Một số trường hợp phản ứng mạnh với thuốc, gây rối loạn nhịp tim, co giật và hôn mê.

Biến chứng lâu dài sau sinh

Biến chứng gây tê tủy sống không chỉ diễn ra trong lúc sinh mổ, mà kéo dài từ vài tuần cho tới tận vài năm, gây khó khăn cho các bà mẹ trẻ.

Nhức đầu

Tiêm gây tê tủy sống có thể gây ra những cơn đau đầu sau sinh, thậm chí gây co thắt và đau cơ cột sống. Nguyên nhân do mạch máu thức phát và áp lực nội sọ giảm mạnh. Nếu không chữa trị dứt điểm, phụ nữ có khả năng mắc bệnh lý thần kinh sọ, tụ máu ngoài màng cứng.

Đau lưng

Những người từng dùng phương pháp gây tê tủy sống đều gặp trường hợp đau lưng dai dẳng sau sinh. Rất nhiều yếu tố dẫn đến đau lưng dưới: Trọng lượng thai nặng, tăng cân nhanh khi mang thai, đa thai, sinh nhiều… Trong đó, có cả nguyên nhân tiêm tủy sống.

Liệt thần kinh

Tiêm gây tê tủy sống có thể gây thất thoát dịch não tủy, ảnh hưởng thần kinh. Mẹ bầu có thể gặp chứng liệt thần kinh sọ, nhìn một thành hai, đầu ong ong từ 3-10 ngày. Tình trạng này có thể kéo dài lâu hơn, đến hàng tháng. 

Một số liệu thống kê từng công bố 0,4-9,1% trường hợp gây tê tủy sống bị ảnh hưởng thần kinh tiền đình ốc tai. 14% số sản phụ từng gây tê tủy sống bị giảm thị lực, nhiều trường hợp khác cũng bị giảm thính lực nghiêm trọng.

Tổn thương thần kinh

Đây được coi là biến chứng đáng sợ và nguy hiểm nhất mà gây tê tủy sống gây ra. Nguyên nhân khiến sản phụ bị tổn thương thần kinh nằm ở thao tác tiêm thuốc tê. Nếu vị trí đâm kim tiêm không chính xác có thể tổn thương trực tiếp tới rễ thần kinh, chóp tủy và tủy sống. 

Theo các bác sĩ, trường hợp sản phụ bị tổn thương thần kinh hầu hết đều hồi phục nhưng cơ thể không bao giờ trở lại khỏe mạnh như trước bởi tổn thương tủy sống và thần kinh là vĩnh viễn.

Chính vì những nguy cơ về tác dụng phụ của phương pháp gây tê tủy sống khi sinh mổ. Bộ Y tế năm 2017 đã có văn bản văn bản về việc khuyến cáo:

Theo công văn của Bộ Y tế, qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tử vong mẹ tại các địa phương, cũng như ý kiến phản ánh của một số đơn vị, Bộ Y tế nhận thấy: trong một số trường hợp phẫu thuật lấy thai (mổ bắt con) bằng phương pháp gây tê tuỷ sống trên các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật, sản giật… có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc cần sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản đối với các sản phụ có các tình trạng nêu trên, không thực hiện phương pháp gây tê tuỷ sống nhằm phòng tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sản phụ.

Bất cứ một phương pháp nào cũng có tác dụng ngoại ý, tuy nhiên nếu kiểm soát tốt thì gây tê tuỷ sống vẫn là phương pháp an toàn trong vô cảm khi mổ lấy thai. Cần phải tôn trọng các chống chỉ định để không xảy ra tai biến cho sản phụ.

Đọc thêm