Mô hình Ban soạn thảo luật, pháp lệnh đang "có vấn đề"

Có vị Thứ trưởng phàn nàn rằng ông là thành viên của hơn chục Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, không biết bố trí thời gian như thế nào để đi họp.

Sau khi Nghị quyết 48/NQ-TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được ban hành, hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh đã có những tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, sự hoạt động thiếu chặt chẽ, không hiệu quả của các Ban Soạn thảo dự án luật, pháp lệnh theo mô hình tổ chức hiện nay đang là mối quan ngại.

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Phạm Quý Ty công nhận: “đó là hiện tượng phổ biến”.

Chưa luật nào không qua được “cửa” Ủy ban Tư pháp

PV: Để triển khai Nghị quyết 48, Kế hoạch số 900 của Ủy ban thường vụ Quốc hội có đề ra nhiệm vụ tổ chức lại một số Ủy ban của Quốc hội. Qua gần 1 nhiệm kỳ, ông thấy chất lượng hoạt động của các Ủy ban được tổ chức lại có đáp ứng được yêu cầu đề ra không?

*. Theo tôi, việc tổ chức lại một số Ủy ban của Quốc hội cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có tách Ủy ban Pháp luật, thành lập mới Ủy ban Tư pháp là một quyết định rất đúng đắn của Bộ Chính trị thể hiện qua Nghị quyết 48.

Có thể nói, trong gần một nhiệm kỳ qua, hoạt động của hai Ủy ban này đã nâng cao rất nhiều cả về số lượng và chất lượng công việc.

Rất nhiều việc mà trước đây, do quá tải, Ủy ban Pháp luật chưa làm hoặc làm chưa được tốt thì sau khi tách ra thành Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, có điều kiện hơn, có thời gian, có nhân lực, nhiệm vụ thuộc về mỗi Ủy ban đều được các Ủy ban làm tốt hơn.

Điển hình là công tác thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát. Thời gian vừa qua, Ủy ban Tư pháp đã làm được một khối lượng công việc đồ sộ liên quan đến hoạt động giám sát, nhất là giám sát đối với hoạt động tư pháp.

PV: Ông có cho rằng trong khi các Cơ quan thẩm tra hoạt động hiệu quả hơn thì các Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh lại đang gặp vấn đề về công tác phối hợp và hiệu quả hoạt động? Có vị Thứ trưởng phàn nàn rằng ông ấy là thành viên của hơn chục Ban soạn thảo, không biết xếp lịch thế nào để đi họp. Có vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế lại là thành viên của mười mấy Tổ Biên tập, không còn đâu thời gian làm việc cơ quan.

*. Đúng là có thực tế phổ biến hiện nay là các thành viên Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh làm việc không hiệu quả lắm. Các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật cũng đã kêu rất nhiều về các thành viên Ban Soạn thảo đến từ cơ quan khác không nhiệt tình.

Nhưng ngược lại, cũng do bận nhiều công việc từ cơ quan đó, nên người ta không thể tập trung vào công việc của Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh do Cơ quan chủ trì soạn thảo mời. Thành ra, đến khâu thẩm tra, có nhiều nội dung lẽ ra đã phải làm trong quá trình soạn thảo thì đến giai đoạn thẩm tra mới chỉnh sửa, bổ sung. Đó là thực tế có thật.

PV: Nếu chất lượng soạn thảo như vậy thì trong gần 1 nhiệm kỳ qua, đã có dự án luật, pháp lệnh nào không đáp ứng yêu cầu, không qua được “cửa” của Ủy ban Tư pháp chưa, thưa ông?

*. Với góc độ của Ủy ban Tư pháp thì chúng tôi chưa thấy có dự án luật, pháp lệnh nào mà đến mức độ như thế. Nói chung, khi sang đến các Ủy ban của Quốc hội thì bao giờ Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra cũng phải ngồi với nhau để chỉnh sửa, bổ sung cho dự án luật, pháp lệnh hoàn thiện hơn, chứ cũng chưa có dự án nào chất lượng kém đến mức không thể qua được “cửa” của Ủy ban Tư pháp.

Mô hình mới nào cho Ban Soạn thảo?

PV: Thông thường, một Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh hiện nay gồm Trưởng ban là một vị Bộ trưởng, trưởng ngành cơ quan được giao chủ trì soạn thảo và các thành viên là các vị Thứ trưởng của các Bộ, ngành liên quan. Nếu mô hình này xem ra không hiệu quả thì theo ông có nên giao hẳn cho 1 cơ quan chuyên trách làm công tác xây dựng luật, pháp lệnh?

*. Cái đó theo tôi cũng cần phải có tổng kết và cân nhắc kỹ.

Bởi vì rõ ràng có thực tế là Ban Soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh gồm thành viên đến từ nhiều Bộ, ngành như hiện nay thường xuyên vắng mặt, họp không đầy đủ thành phần, dẫn đến chất lượng các dự án luật, pháp lệnh không được tốt lắm.

Ông Phạm Quý Tỵ: "Đúng là có thực tế các thành viên Ban soạn thảo hoạt động không được hiệu quả lắm"
Ông Phạm Quý Tỵ: "Đúng là có thực tế các thành viên Ban soạn thảo hoạt động không được hiệu quả lắm"

Nhưng nếu giao hẳn cho một Bộ chuyên trách soạn thảo một dự án luật, pháp lệnh thì nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan ngại đôi khi Ban Soạn thảo đó vì lợi ích cục bộ của Bộ, ngành mình mà xây dựng các quy định pháp luật mang tính thiên vị.

Bởi vậy, nếu cân nhắc giao cho 1 Bộ chuyên trách thì cũng phải kèm theo các giải pháp hạn chế nguy cơ đó.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng tính ổn định của hệ thống pháp luật của ta hiện không cao một phần do trình độ của đại biểu Quốc hội, một phần do tính lợi ích cục bộ của các Bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo “cài” vào dự án luật, pháp lệnh khiến luật, pháp lệnh khi đi vào cuộc sống bị xã hội phản ứng hoặc không phù hợp. Quan điểm của ông thế nào?

*. Cả hai giả thuyết đó theo tôi chưa hẳn đã là đúng đâu. Không phải tất cả đều là như thế. Cũng không có nhiều dự án luật, điều luật mà tuổi thọ ngắn, vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung đâu.

Nhưng nhiều khi vì chưa lường hết những vấn đề của cuộc sống phát sinh nên có quy định vừa ban hành đã không còn phù hợp. Chẳng hạn như Luật Khiếu nại, tố cáo, khi xây dựng Luật, các nhà làm luật đã không lường hết được những vấn đề phát sinh nên sau khi Luật ban hành lại phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm