Theo ông Linh, từ ba đợt khủng hoảng/suy thoái 2008, 2011- 2012 và 2016- 2017, có thể thấy tác động đan xen của cả nguyên nhân khách quan (khủng hoảng tài chính, khô hạn, giá dầu…), lẫn chủ quan (nới lỏng quá mức, đầu tư kém hiệu quả…). Vì vậy, trong mô hình dự báo hậu Covid-19, những nguyên nhân/điều kiện khách quan và chủ quan đều phải được tính đến.
Dựa trên hai biến số cơ bản là diễn biến dịch bệnh và năng lực ứng phó, chuyên gia này đưa ra 4 mô hình hồi phục tương ứng với các điều kiện xảy ra như sau (các điều kiện này có thể xảy ra đồng thời hoặc không):
Mô hình chữ V: Dịch kết thúc trong quý II/2020; Các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả tốt; Cải cách thể chế mạnh mẽ trong năm 2020; Kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch.
Mô hình chữ U: Dịch kết thúc trong quý III/2020; Các biện pháp kích thích gần chạm ngưỡng nhưng còn tương đối hiệu quả; Cải cách thể chế được thực thi ở một số khu vực; Kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái nhưng hồi phục chậm.
Mô hình chữ L: Dịch kết thúc trong quý III/2020 hoặc IV/2020; Các biện pháp kích thích không đủ hoặc không hiệu quả; Các cải cách chậm thực thi hoặc không hiệu quả; Có thể khủng hoảng kép (từ dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng tài chính…); Kinh tế thế giới/Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, phục hồi rất chậm.
Mô hình chữ W: Dịch kết thúc trong quý II/2020 nhưng bùng lại vào đầu năm 2021; Các biện pháp kích thích và cải cách mang lại hiệu quả tốt trong năm 2020, tạo dư địa cho năm 2021.
“Dựa trên phân tích lịch sử, diễn biến dịch bệnh và khả năng ứng phó, xác suất xảy ra cao nhất cho kinh tế Việt Nam là “mô hình chữ V””, ông Linh nhận định.
Lý do được chuyên gia này đưa ra là: Thứ nhất, xác suất dịch bệnh kết thúc sớm là tương đối cao. Thực tế thì các dịch cúm trước đây đều kết thúc vào mùa hè. Lượng người nhiễm virus ở Hà Nội/miền Bắc cũng đang cao hơn nhiều ở TP HCM/miền Nam; Thứ hai, Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng với các giải pháp hợp lý (8 dự án cao tốc chuyển sang đầu tư công, các ngân hàng thương mại hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất…); Thứ ba, năng lực kích thích kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc sẽ giúp kinh tế thế giới hồi phục nhanh sau dịch.
Dù xác suất “mô hình V” là cao nhất nhưng ông Linh lưu ý, mô hình này không nổi trội so với các mô hình khác, có thể đặt xác suất 35-25-25-15 cho lần lượt các mô hình V, U, L và W. “Tuy nhiên, sự hồi phục thậm chí cũng không hoàn toàn giống mô hình nào trong 4 mô hình này do dịch bệnh rất khó nói trước và “sức khỏe” hệ thống ngân hàng thế giới cũng chưa được đánh giá cụ thể. Ngay cả khi dịch kết thúc đúng dự báo thì những nhân tố khác như: tranh chấp thương mại, thay đổi chiến lược đầu tư FDI… cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục…”, ông Linh lưu ý.
Theo “mô hình chữ V”, kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ xuống đáy trong quý II/2020 với mức suy giảm cực lớn, có lẽ là lớn nhất lịch sử vì độ cộng hưởng toàn cầu. Khi dịch bệnh được kiểm soát trong mùa hè và các biện pháp kích thích kinh tế mang lại hiệu quả, tăng trưởng sẽ hồi phục trong quý III/2020 và nhanh hơn trong quý IV/2020.
Sang nửa đầu năm 2021, tăng trưởng sẽ rất cao. Từ nửa cuối năm 2021, tăng trưởng sẽ trở lại quỹ đạo ổn định. Nếu các biện pháp kích thích và cải cách trong năm 2020 thực sự hiệu quả thì tăng trưởng từ năm 2022 trở đi sẽ ngày một khả quan. Giai đoạn 2018-2019 tăng trưởng đạt 7%, hy vọng năm 2022 có thể trên 7,5% và tăng dần các năm sau đó.