Mô hình Trạm Y tế lưu động điều trị F0: 4 yếu tố để thiết lập, vận hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo TP HCM và 3 tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai hôm qua (19/8), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu lên 4 yếu tố để thiết lập và vận hành mô hình Trạm Y tế lưu động để chăm sóc người bệnh, người nhiễm COVID-19.
Trao túi thuốc an sinh cho F0 cách ly tại nhà trên địa bàn phường 1, quận Tân Bình (TPHCM).
Trao túi thuốc an sinh cho F0 cách ly tại nhà trên địa bàn phường 1, quận Tân Bình (TPHCM).

Theo ý kiến tại cuộc họp, trong diễn biến tình hình hiện nay, nhất là với TP HCM, số người nhiễm tiếp tục gia tăng đòi hỏi có sự chăm sóc, quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, bên cạnh đó, phải đảm bảo công tác y tế cho người dân tại địa bàn; thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với TP HCM và một số địa phương tổ chức mô hình trạm y tế lưu động này với phương châm "bám dân, gần dân và phục vụ người dân".

Mỗi xã phường theo quy định trước đây có một trạm y tế, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay có thể thiết lập nhiều Trạm Y tế lưu động tại xã phường đó, nhất là với khu vực đông dân cư, nơi có nhiều người nhiễm Covid-19.

Trạm Y tế lưu động này vẫn thực hiện chức năng nhiệm vụ của trạm y tế, trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu với người dân trên địa bàn, đồng thời quản lý, điều trị người nhiễm COVID-19 dựa vào cộng đồng và gia đình với mô hình của TP HCM.

Để thiết lập, vận hành mô hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh 4 yếu tố cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chức năng nhiệm vụ, trên cơ sở của một trạm y tế khám chữa bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn, Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ tổ chức theo dõi ca dương tính tại nhà; tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh (ngoài COVID) và kết nối, chuyển tuyến; tổ chức điều trị, chăm sóc các ca bệnh F0; thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19, các loại xét nghiệm khác, tiêm chủng và truyền thông.

Thứ hai, về địa điểm, Bộ Y tế khuyến cáo chọn bất kỳ địa điểm nào từ nhà thi đấu, nhà văn hoá, UBND xã phường, phòng khám tư nhân; nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà dân rộng rãi, cách biệt khu vực xung quanh, cần túc trực 24/24h. Khi không chọn được các địa điểm này thì địa phương chọn phương án di động, có phân công trực và bố trí địa điểm sinh hoạt phù hợp.

Thứ ba, về nhân lực, Trạm Y tế lưu động tối thiểu cần có 1-2 bác sĩ và 5-7 cán bộ y tế khác tuỳ điều kiện từng địa phương. Ngoài ra Trạm cần có tình nguyện viên tại địa bàn nắm rõ địa bàn, dân cư.

Thứ tư, về trang thiết bị, trạm Y tế lưu động cần đáp ứng ở mức độ tối thiểu nhất có thể, ít nhất có 2 bình oxy trở lên có đầy đủ mặt nạ (để thay phiên nhau) và dụng cụ cấp cứu khác. Trạm có túi thuốc cấp cứu lưu động.

"Trạm Y tế lưu động có điều kiện tổ chức tối giản, nhân lực tối giản nhưng phải đảm bảo chăm sóc, điều trị bệnh bình thường và quản lý, điều trị COVID-19 tại cộng đồng", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Liên quan tới công tác điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế TP HCM vừa cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0". Theo đó, người F0 phải đáp ứng các yêu cầu về khả năng tự chăm sóc cũng như các đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất có thể được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà được cung cấp, Sở Y tế TP HCM chia sẻ các thuốc điều trị tại nhà bao gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số trường hợp nhất định. Trong đó, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống được chỉ định cho người có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Mục tiêu 7 quận, huyện kiểm soát dịch trước 31/8

Vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn TP HCM, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đặt ra mục tiêu đối với 7 quận, huyện trên địa bàn kiểm soát dịch trước 31/8 là các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận và các Quận: 5, 7, 11.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đây là "mệnh lệnh" và đề nghị các địa phương lên kế hoạch chi tiết đến từng ngày để thực hiện và "tranh thủ từng giờ", triển khai sớm nhất có thể. Theo ông Phong những ngày qua, tỉ lệ F0 trong cộng đồng tại thành phố đang tăng, chiếm 53% so với tổng số ca mắc, các khu phong tỏa chỉ chiếm 41% trong khi trước đây, tỉ lệ F0 trong các khu phong tỏa chiếm khoảng 80%. Để hạn chế số người mắc COVID-19 trong cộng đồng, ông Phong cho rằng phụ thuộc rất lớn vào việc tăng độ phủ tiêm vaccine. Đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng tốc độ tiêm vắc xin; tranh thủ từng giờ, từng phút trong phòng chống dịch để thành phố sớm quay lại trạng thái bình thường mới. T.Trung

Đọc thêm