Mở rộng các giải pháp chống mất rừng và suy thoái rừng trên toàn tỉnh Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 23/4, UBND tỉnh Lâm Đồng và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đã thảo luận, thống nhất xây dựng kế hoạch mở rộng các giải pháp tuân thủ quy định của Liên minh Châu Âu (EU) về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì buổi làm việc. Theo thông tin tại buổi làm việc, ngày 29/6/2023, quy định của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là EUDR) chính thức có hiệu lực và sẽ được thực thi vào ngày 30/12/2025.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và tổ chức IDH.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và tổ chức IDH.

Cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi quy định này, đặc biệt là với ngành hàng cà phê. Châu Âu là thị trường cà phê lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu trực tiếp chiếm từ 40- 50% và gián tiếp 20- 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cà phê trong những năm qua.

Theo thống kê, năm 2023, diện tích trồng cà phê ở Việt Nam là 715 ngàn ha, sản lượng 1,97 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD. Ngành cà phê hiện đang mang lại thu nhập chính cho hơn 600.000 nông hộ quy mô nhỏ và có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của các địa phương sản xuất cà phê.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phản hồi các đề xuất từ tổ chức IDH.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phản hồi các đề xuất từ tổ chức IDH.

Riêng tỉnh Lâm Đồng có 176.862ha cà phê, sản lượng 591.892 tấn/năm, 90% xuất khẩu nhân xô, trong đó 45% xuất khẩu sang EU. Thời gian qua, IDH đã phối hợp cùng Bộ NN&MT, các công ty cà phê trong và ngoài nước, cùng huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành công các gói giải pháp thí điểm nhằm giúp ngành hàng cà phê tuân thủ quy định EUDR. Chương trình triển khai trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2020–2021) và Giai đoạn 2 (2022–2025).

Sau thời gian ngắn thí điểm, đến năm 2024, chương trình thí điểm về EUDR tại Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Bảo vệ rừng (giảm số vụ vi phạm luật Lâm nghiệp); Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) rừng và vùng trồng (tập trung vào cây cà phê) phân loại vùng trồng theo khu vực rủi ro thấp – trung bình – cao; Khảo sát và cập nhật thông tin vùng trồng vào hệ thống CSDL; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê cấp vườn trồng; phát hành tài liệu hướng dẫn xây dựng CSDL vùng trồng cho ngành cà phê.

Đại diện IDH điểm lại những kết quả của việc tuân thủ quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng.

Đại diện IDH điểm lại những kết quả của việc tuân thủ quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng.

Dựa trên những kết quả đó, IDH mong muốn mở rộng các giải pháp tuân thủ EUDR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Sau khi thảo luận, đánh giá hiệu quả các giải pháp tuân thủ quy định của Liên minh Châu Âu (EU) về chống mất rừng và suy thoái rừng mang lại, tỉnh Lâm Đồng và tổ chức IDH thống nhất mở rộng các giải pháp tuân thủ quy định của EU về chống mất rừng và suy thoái rừng trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng.

Phát triển cà phê theo hướng bền vững gắn với bảo vệ rừng.

Phát triển cà phê theo hướng bền vững gắn với bảo vệ rừng.

Để cụ thể hoá mục tiêu này, tỉnh Lâm Đồng và IDH nhất trí thành lập nhóm công tác công – tư cấp tỉnh gồm đại diện cơ quan nhà nước, IDH, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu cà phê để triển khai kế hoạch tuân thủ EUDR; đồng thời tiếp tục xây dựng dữ liệu về rừng, địa chính… cũng như đẩy mạnh truyền thông về tuân thủ quy định EUDR.

Từ 17/11/2021, Ủy ban Châu Âu đề xuất dự luật “quy định không gây mất rừng (EUDR), được Hội đồng Châu Âu thông qua ngày 16/5/2023; thời gian chính thức áp dụng kiểm tra từ 30/12/2025. Các yêu cầu chính của dự luật: Đảm bảo không gây mất rừng, suy thoái rừng; đảm bảo hợp pháp – tính truy xuất nguồn gốc sản phẩm (từ khâu sản xuất – khai thác/thu hoạch- vận chuyển- chế biến- xuất khẩu/trao đổi hàng hoá); có vị trí toạ độ địa lý , diện tích của từng thửa đất canh tác; có cơ chế chia sẻ và phản hồi thông tin để phục vụ cho việc thẩm định. Có 3 ngành hàng của Việt Nam chịu tác động lớn từ EUDR là cà phê, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao su.

Đọc thêm