Ông Phạm Văn Học Chủ tịch HĐQT BV Hùng Vương |
Thưa ông, BV Hùng Vương là một trong những cơ sở y tế tư nhân triển khai khá hiệu quả công tác BHYT. Ông có thể cho biết những kết quả sơ bộ mà BV đã thực hiện trong lĩnh vực này?
- BV Hùng Vương là BV tư nhân nhưng nằm giữa ba tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ và Yên Bái nên nhiều năm nay lượng bệnh nhân có thẻ BHYT (đặc biệt từ năm 2016 khi Luật BHYT thay đổi theo hướng thông tuyến huyện trong toàn quốc có hiệu lực) số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT gia tăng theo từng năm.
Cụ thể: Năm 2015 chỉ có 67.000 lượt bệnh nhân/năm thì đến năm 2016 đã tăng lên gần 100 ngàn lượt/năm và năm 2017 là 112 ngàn lượt/năm. Việc gia tăng này ngoài những giá trị thu được từ kết quả kinh doanh của BV thì rất nhiều lợi ích của người dân cũng được đáp ứng. Khi lợi nhuận và lợi ích được giải quyết một cách hài hòa thì cả ba bên: Bệnh viện, cơ quan bảo hiểm và người dân cùng được hưởng lợi.
Thực tế quá trình thực hiện, còn khó khăn, vướng mắc nào cần khắc phục? BV Hùng Vương có phương thức hữu hiệu gì để gỡ vướng khó khăn, vướng mắc đó?
- Thực tế triển khai công tác BHYT, có một số vướng mắc, khó khăn. Có những cái BV tự tháo gỡ, giải quyết được nhưng cũng còn nhiều cái thuộc về cơ chế, chính sách vẫn còn tồn tại. Ở nhiều diễn đàn BV nói riêng và cộng đồng các BV nói chung, chúng tôi đã đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Bất cập và vướng mắc trong quá trình triển khai, thực thi chính sách BHYT rất nhiều nhưng tôi chỉ muốn đề cập đến hai vấn đề. Thứ nhất: Công tác khám chữa bệnh bằng BHYT ở nước ta còn khá mới mẻ nên hàng năm có rất nhiều quy định, quy chế được thay đồi, điều chỉnh. Việc thay đổi này nhằm sát hơn với thực tế và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia, tuy nhiên cũng gây ra những xáo trộn và khó khăn khi thực hiện.
Trước tình thế này, giải pháp mà BV Hùng Vương áp dụng là cử cán bộ chuyên trách luôn bám sát, nghiên cứu và kịp thời điều chỉnh các chế độ đối với người bệnh, sao cho phù hợp với quy định của Nhà nước, bám sát và luôn đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm quỹ BHYT nhưng cũng không được xem nhẹ quyền lợi của người bệnh, sử dụng tối đa các loại thuốc, vật tư tiêu hao sản xuất trong nước hoặc khu vực để giảm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả điều trị. Đây là vấn đề khó nhưng nếu quan tâm đúng mức sẽ giải quyết được và trên thực tế BV Hùng Vương đã thực hiện tốt việc này, qua hơn 08 năm khám chữa bệnh BHYT chưa có trường hợp nào người bệnh phải khiếu nại, thăc mắc về quyền lợi BHYT.
Đối với vấn đề xử lý sai phạm: Các chế tài mà giám định viên và cơ quan BHYT được áp dụng và xử lý đối với các cơ sở y tế có hành vi gian lận hoặc không chấp hành dầy đủ các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh và sử dụng quỹ BHYT hiện nay chưa đủ mạnh, nếu không muốn nói là gần như chưa có. Từ thực tế này vai trò, hay nói cách khác là “uy lực” của giám định viên rất hạn chế. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống các chế tài đủ mạnh nhằm trang bị cho giám định viên và cơ quan BHYT những quyền pháp lý cụ thể, đủ mạnh để đấu tranh ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi hoặc lãng phí quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Khám bệnh cho trẻ em tại BV Hùng Vương |
Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật BHYT vừa có hiệu lực thi hành có rất nhiều quy định có lợi cho người tham gia BHYT. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của văn bản pháp lý này?
- Nghị định 146/2018/NĐ-CP là một nghị định có chứa rất nhiều quy định mang tính mở, hướng tới quyền lợi cho người tham gia BHYT.Đây là một văn bản pháp lý vừa chặt chẽ vừa nhân văn.VD: Khi đang điều trị nội trú mà thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì người bệnh vẫn được hưởng quyền lợi và tiếp tục được điều trị bằng thẻ BHYT hoặc từ 1/12/2018, người mua BHYT không phụ thuộc vào hộ gia đình, thời hạn hợp đồng có thể tới 36 tháng thay vì 12 tháng như hiện nay, không giao quỹ cho cơ sở có người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu dựa trên số thu bảo hiểm y tế của những người có thẻ đăng ký tại đây như hiện nay. Như vậy, đảm bảo tính chia sẻ của quỹ bảo hiểm y tế, phù hợp với việc khám chữa bệnh thông tuyến, đồng thời không gây áp lực cho cơ sở khám chữa bệnh có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh…
Khám chữa bệnh tại BV Hùng Vương, Phú Thọ |
Theo ông, hệ thống pháp luật nên được xây dựng như thế nào để đáp ứng nhu cầu của tình hình thực tế? Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và mở rộng hơn nữa số người khám chữa bệnh BHYT, BV đã làm gì?
- Bất cứ một văn bản nào của nhà nước về chế độ BHYT đều liên quan rất mật thiết đến quyền lợi của cơ sở y tế (Đơn vị cung cấp dịch vụ), người dân (Người sử dụng dịch vụ) và cơ quan BHYT (Đơn vị quản lý quỹ) nên các văn bản này trước khi ban hành cần cân nhắc kỹ lưỡng và mở rộng dân chủ bằng cách cho các tổ chức xã hội VD: Công đoàn, mặt trận tổ quốc, các BV, các hiệp hội (Hiệp hội hành nghề y, Tổng hội Y học, Hiệp hội BV tư nhân…) tham gia. Nếu làm được như vậy các văn bản sẽ gần với thực tiễn và dễ áp dụng hơn.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và độ phủ sóng BHYT, có ba vấn đề mà BV đang quan tâm đó là:
Thứ nhất: Phát triển nguồn nhân lực, sẽ không tăng nhiều về số lượng nhưng cần quan tâm đẩy mạnh chất lượng, tăng cường đào tạo, đào tạo lại cả bác sỹ, điều dưỡng và các lực lượng khác, tăng cường quan hệ quốc tế để tranh thủ những thành tựu y học thế giới và khu vực.
Thứ hai: Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật. Ví dụ: Hệ thống hỗ trợ chẩn đoán từ xa áp dụng công nghệ tiên tiến của thế giới cho phép kết nối người bệnh và bác sỹ của BV Hùng Vương với các bác sỹ, chuyên gia ở tuyến trên để thăm khám và chẩn đoán, ở bất cứ khi nào và bất kỳ nơi nào, kể cả trường hợp kết nối với các chuyên gia quốc tế trên toàn thế giới.
Thứ ba: Phát triển nhanh nhưng phải bền vững và đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường, giảm thiểu đến mức tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường trong và ngoài BV.
Xin cám ơn ông!