'Mỏ vàng' chờ Hà Nội khai phá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với hơn 1.000 năm văn hiến, Hà Nội được đánh giá đủ điều kiện, thế mạnh trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, Hà Nội chưa phát huy hết tiềm năng của mình.
Hình ảnh ở Phố bích họa Phùng Hưng, một không gian sáng tạo Hà Nội.
Hình ảnh ở Phố bích họa Phùng Hưng, một không gian sáng tạo Hà Nội.

Loay hoay tìm bản sắc riêng

Tại buổi tọa đàm chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội chủ trì vừa diễn ra, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng: “Lâu nay chúng ta nặng về nhìn lại truyền thống quá!”. Ông Phong chia sẻ thêm, để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cần sự đổi mới, trên nền tảng những giá trị truyền thống để nhìn ra bên ngoài, hòa nhịp với thế giới...”.

Hà Nội hiện có khoảng 120 không gian sáng tạo, trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội; Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm Thủ công mỹ nghệ Hà Nội; Lễ hội đường phố Hà Nội, Lễ hội âm nhạc gió mùa, Lễ hội Nghệ thuật dân gian đương đại, Chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, Không gian đi bộ Hồ Gươm, phố Bích họa Phùng Hưng, Không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân, Phố sách 19/12, Vicas Art Studio, Hanoi Creative City, Heritage space, Toong Co-working Space, AgoHub, Tổ chim xanh, Ơ kìa Hà Nội...

Tuy nhiên, hầu hết những không gian này mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết, quảng bá quốc tế khiến người ta khó nhận diện được một đời sống sáng tạo mãnh liệt như Bandung (Indonesia), Chiang Mai (Thái Lan) hay Thượng Hải, Hàng Châu (Trung Quốc). Sự thu hút người thưởng lãm và tài chính ở những không gian sáng tạo Hà Nội khá khiêm tốn, khó tạo đà hoặc khó trở thành “biểu tượng” công nghiệp văn hóa ở Thủ đô.

Đã hai năm Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo”, nhưng Thủ đô vẫn loay hoay giải bài toán: Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội như thế nào? Làm gì để công chúng, bạn bè quốc tế công nhận chúng ta có bản sắc riêng, triết lý riêng của “Thành phố sáng tạo”?.

Cần tạo đột phá

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai, hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn nhiều khó khăn, thách thức. Từ vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); quá trình đô thị hoá nhanh… cho đến tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn “Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa” phân tích, Hà Nội vẫn chưa thực sự thu hút du khách do thiếu những hoạt động văn hoá nổi bật. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, các thói quen bao cấp vẫn ăn sâu đối với một bộ phận công chức, tạo nên sự trì trệ và mất đi khả năng định hướng, thiếu nguồn lực để xây dựng những tác phẩm đỉnh cao và khó thu hút được công chúng.

“Thành phố cần cởi mở hơn, xóa bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng các nguồn lực xã hội, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh góp phần phát triển chung của toàn thành phố. Thành phố nên mạnh dạn giao các dự án của thành phố cho các đơn vị tư nhân có uy tín năng lực. Xây dựng các chế độ quản lý về chất lượng, chế độ ngân sách tài chính để các đơn vị ngoài nhà nước được quyền tham gia” - nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Thuý Mùi lại nhắc đến yếu tố bảo vệ bản quyền hiện nay là khâu hết sức phức tạp và khó khăn. Các chương trình “hot” đều được sao chép hàng loạt, phát tán tràn lan trên không gian mạng. Các nhà đầu tư chưa sản xuất ra sản phẩm văn hóa nghệ thuật xong đã bị bán ra ngoài thị trường, nên hầu hết các sản phẩm sân khấu, ca nhạc, múa chủ yếu sản xuất ra băng đĩa để tặng và để cho không.

“Những hoạt động sản xuất sản phẩm văn hóa nghệ thuật chủ yếu tiêu thụ trong nước, ngoài ra có một số đơn vị đưa ra thế giới như Múa rối Thăng Long cũng mới chỉ là mang tính giới thiệu, còn về hiệu quả kinh tế đa số các đơn vị nghệ thuật vẫn còn thấp. Cứ đà này thì rất khó để trở thành công nghiệp văn hóa” - NSND Thúy Mùi nhấn mạnh.

Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Trần Ly Ly đưa ra ý kiến: “Cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. Chú trọng hướng phát triển của nghệ thuật biểu diễn để có được một “nền văn hóa đỉnh cao” mà các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, trong đó đặc biệt là Hà Nội, cần phải có.

Đó là đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất và trình độ nguồn nhân lực. Tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm. Nên khảo sát thêm về lực lượng, đội ngũ trình diễn để biết nguồn nhân lực này hiện có được bao nhiêu để có sự điều chỉnh lại, đầu tư thêm, cần khai thác nguồn lực một cách hiệu quả…”.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Hà Nội để khai phá được công nghiệp văn hóa cần tập trung 3 nhóm việc. Thủ đô cần tạo dựng được hạ tầng, trước mắt là những hạ tầng cứng như nhà hát, quảng trường. Việc này, Hà Nội đang tập trung các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có quy hoạch văn hoá, có những thiết chế văn hoá chuyên nghiệp... không chỉ Nhà nước làm mà cả tư nhân tham gia.

Tiếp đến, Hà Nội cần sớm tạo dựng các cơ chế chính sách, việc gì thuộc thẩm quyền của Hà Nội, thành phố sẽ tháo gỡ, hoàn thiện. Việc nào vượt quá thẩm quyền sẽ xin ý kiến các cơ quan cấp trên tháo gỡ. Cuối cùng, Hà Nội cần đẩy mạnh tạo ra hệ sinh thái sáng tạo. Thủ đô cần tạo một thị trường, nâng cao sự cảm thụ, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa nhân loại trên nền tảng sáng tạo của người dân, nhất là thế hệ trẻ 4.0.

Đọc thêm