“Mỏ vàng” tỷ đô chưa được khai phá

(PLVN) - Hoạt động vui chơi có thưởng đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện hiệu quả đem lại lợi ích cao trong phát triển kinh tế xã hội. Riêng Việt Nam, năm 2019, loại hình hoạt động này cũng đem về doanh thu trên 19 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là kết quả khiêm tốn trong dư địa lớn có thể khai phá của loại hình này.
Toàn cảnh hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp" diễn ra tại Hà Nội sáng 23/6.
Toàn cảnh hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp" diễn ra tại Hà Nội sáng 23/6.

Dư địa lớn nhưng kết quả khai phá còn khiêm tốn

Sáng nay – 23/6, hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp”, đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, cho biết, lĩnh vực vui chơi có thưởng bao gồm đặt cược thể thao, casino và trò chơi điện tử có thưởng là một bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp dịch vụ giải trí đã và đang được phát triển ở nhiều nước trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu tất yếu của xã hội phát triển đồng thời mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, phát biểu tại hội thảo.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, phát biểu tại hội thảo. 

Ở Việt Nam, đầu năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực vui chơi có thưởng được hoàn chỉnh ở cấp Nghị định của Chính phủ, theo đó, 3 loại hình vui chơi có thưởng được phép kinh doanh gồm: đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT) dành cho người nước ngoài.

Đến nay, đã có 8 doanh nghiệp kinh doanh casino, 61 điểm kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng và một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép và đi vào hoạt động với tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng.

Một số dự án khác đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong quá trình triển khai xây dựng, quy mô của thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng.

Mặc dù vậy, so với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé. Đây là lĩnh vực có dư địa phát triển lớn, theo một số chuyên gia nếu được khai thác tốt có thể đóng góp cho nhà nước vài tỷ USD mỗi năm, đồng thời tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược đen bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài - TS Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Đồng tình, GS-TS Nguyễn Mại cho rằng, dịch Covid -19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó du lịch là ngành chịu tác động lớn nhất. Dự báo, nếu du lịch quốc tế được khôi phục vào tháng 8 thì thể đón được khoảng 6 đến 7 triệu lượt khách quốc tế, bằng 40% năm 2019, nếu vào tháng 10 thì chỉ đón được khoảng 5 triệu lượt, chỉ đạt 1/4 mục tiêu của năm 2020.

Do vậy, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, GS-TS Nguyễn Mại cho rằng, không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí bao gồm các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trường đua chó, đua ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino.

Tuy nhiên, cũng theo GS-TS Nguyễn Mại, ở nước ta dù nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã được cấp phép đã đi vào hoạt động lĩnh vực này nhưng kết quả còn quá khiêm tốn, gây lãng phí vốn đầu tư, nguồn nhân lực vì không khai thác có hiệu quả tiềm năng đã có.

Nguyên nhân vì đâu?

Theo ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài, đối với lĩnh vực trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, doanh thu cả nước dành cho thị trường này tăng trưởng đều qua các năm.

Tuy nhiên,hiệu quả kinh tế này là chưa cao do: Đối tượng đang hướng đến là cho người nước ngoài; Chúng ta chưa coi đây là ngành kinh doanh chính và doanh thu còn phụ thuộc nhiều vào số lượng du khách ưa thích lĩnh vực này.

Còn GS-TS Nguyễn Mại lý giải, nguyên nhân là do một phần vì nhận thức và quan điểm coi đây là lĩnh vực “nhạy cảm” có liên quan đến cờ bạc không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội.

GS-TS Nguyễn Mại.
GS-TS Nguyễn Mại. 
Bên cạnh đó, hệ thống luật pháp có liên quan đến Du lịch kết nối Văn hóa - Thể thao- Giải trí còn thiếu, không tương thích với sự phát triển của lĩnh vực này. Chưa có tổ chức xã hội để liên kết các doanh nghiệp hoạt động Du lịch kết nối Văn hóa - Thể thao - Giải trí để chia sẻ thông tin, hợp tác quảng bá du 6 lịch, trao đổi kinh nghiệm để trở thành một thị trường được hợp tác cùng có lợi.

Một nguyên nhân quan trọng nữa mà GS-TS Nguyễn Mại chỉ ra đó là do chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và tổ chức dịch vụ vui chơi có thưởng, trong khi ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng.

Ngoài ra, tổ chức và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này còn khá bất cập. Chỉ có một số cán bộ tại Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính có chức năng quản lý hoạt động vui chơi có thưởng, thiếu sự phối hợp với các bộ, ngành ở trung ương, thiếu cơ chế phân công và hợp tác với UBND tỉnh và thành phố.

Cần một giải pháp tổng thể, mạnh mẽ hơn nữa

Theo GS-TS Nguyễn Mại cần phải có một tổ chức xã hội để những doanh nghiệp tham gia ngành này có thể hợp tác, điều chỉnh để cạnh tranh với các nước trong khu vựcĐây là vấn đề cần thiết, và chúng tôi sẽ tổ chức một hiệp hội nhằm thu hút các doanh nghiệp, kết nối để hoạt động vui chơi giải trí trở nên mạnh mẽ hơn”, GS-TS Nguyễn Mại nói.

“Tôi nghĩ đã đến lúc cần coi đây là lĩnh vực mà nếu được quản lý bởi một tổ chức đủ mạnh thì có thể khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, góp phần thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid- 19” - GS -TSKH Nguyễn Mại đề xuất.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch - cũng cho rằng, vấn đề casino ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc chung có thể sơ bộ nhận định đối với việc phát triển loại hình kinh doanh casino tại Việt Nam, bao gồm cả các vướng mắc về quy hoạch.

Do đó, cần có đánh giá đúng đắn, nhận thức phù hợp về casino nói riêng, hoạt động vui chơi giải trí có thưởng nói chung. Xác định quan điểm rõ ràng, cụ thể đối với hoạt động casino. Xây dựng định hướng, chiến lược phát triển hoạt động casino trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm các nội dung quan trọng về quy mô phát triển chung của hệ thống, phân vùng theo thị trường mục tiêu, định hướng chung phát triển từng khu vực...

Hệ thống hóa chính sách quản lý nhằm đảm bảo kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật, công bằng và kiểm soát, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới môi trường xã hội.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng khung pháp lý và các công cụ kiểm soát cần thiết đối với hoạt động vui chơi giải trí có thưởng trên nền tảng công nghệ số, internet.

Ông Nguyễn Minh Tiến- Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính):

Sẽ thực hiện kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng, đặt cược theo hướng đấu thầu công khai, minh bạch

Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính)
Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) 

Đây là ngành nghề kinh doanh đặc thù, có tác động đến an ninh, trật tự xã hội nên tại các nước cho phép kinh doanh ngành nghề này, Chính phủ đều ban hành khung pháp lý đầy đủ để quản lý, giám sát chặt chẽ bằng chế tài của pháp luật vì nếu không sẽ có những tác động xấu đến an ninh, trật tự của xã hội như: việc đam mê thái quá dẫn đến tệ nạn cờ bạc làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, là nơi để hoạt động rửa tiền, hoạt động tín dụng đen có cơ hội phát triển....

Trong thời gian tới, sẽ thực hiện kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng, đặt cược theo hướng đấu thầu công khai, minh bạch với quốc tế, hạn chế kinh doanh bất hợp pháp, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát Nghị định 03 sửa đổi theo hướng hình thành các tổ hợp giải trí quy mô lớn, vốn tối thiểu 2 tỷ USD, có đủ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí, đảm bảo tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển.

Đọc thêm