Mộc mạc lối sống của những người rời phố về vườn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những năm gần đây, có rất nhiều người từ bỏ công việc ổn định tại thành phố để trở về quê hương làm việc. Mỗi người có mong muốn khác nhau như trở về để cống hiến xây dựng xã hội, để tìm cuộc sống bình yên, giản dị,… Nhưng dù lý do thế nào thì họ đều có một điểm chung là hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
 Nhiều người trẻ bỏ phố trở về quê hương mong muốn cống hiến. (Ảnh minh họa – nguồn: Ngọc Thúy)
Nhiều người trẻ bỏ phố trở về quê hương mong muốn cống hiến. (Ảnh minh họa – nguồn: Ngọc Thúy)

Lan tỏa giá trị tốt đẹp cho quê hương

Phạm Mỹ Hạnh (24 tuổi, hiện đang là một nhân viên bất động sản) cho biết: “Quê tôi ở Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học tôi may mắn tìm công việc phù hợp với bản thân mình. Nhưng cuộc sống đô thị quá ồn ào, tôi dự định cố gắng làm việc đến năm 40 tuổi, tích góp đủ tiền, sẽ về quê sống. Quê tôi còn chưa phát triển như ở Hà Nội, cho nên sau khi “nghỉ hưu non”, tôi muốn trở về làm giáo viên dạy những trẻ em gặp khó khăn”. Đó là ước mơ của Hạnh, hiện tại ngoài giờ đi làm, cô vẫn học thêm các văn bằng, chứng chỉ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để sau này có thể thực hiện được mong muốn của mình.

Không chỉ Mỹ Hạnh, hiện nay, rất nhiều người trẻ có ước mơ “điền viên”, trở về vùng quê – những nơi đang còn lạc hậu để sống và cống hiến. Họ chỉ bám trụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đến một thời điểm nhất định, để tích lũy thêm kinh nghiệm. Lý do vì họ đều cảm thấy môi trường tại thành phố quá mệt mỏi, xô bồ, bản thân muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho những tỉnh, huyện còn lạc hậu.

Trong tâm trí của nhiều người trẻ hiện nay, quê của họ gắn liền với môi trường xanh, sạch sẽ, ít bị ảnh hưởng từ bụi mịn gây hại cho cơ thể. Đặc biệt hơn, cuộc sống gắn kết tình bà con làng xóm, anh em, họ hàng thân thiết, khiến họ cảm thấy không bị cô đơn, lạc lõng khi ở thành phố. Đó là một số lý do khiến nhiều thanh niên bây giờ rất yêu mến và muốn gắn bó với quê hương của mình.

Lê Thị Tú (22 tuổi, hiện đang là sinh viên Đại học Thăng Long – Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi dự định sau khi tốt nghiệp, sẽ về quê, sử dụng kiến thức về kinh tế đã học để làm trong những ngân hàng ở quê – nơi vẫn còn thiếu nhân lực. Ngoài ra, tôi cũng muốn mở những phòng tập nhỏ, để giúp các cô, các bác tại đó giữ gìn sức khỏe, vóc dáng”.

Hiện nay, cũng có rất nhiều người sáng tạo nội dung nổi tiếng, đã gây dựng tiếng vang bằng chính niềm tự hào từ quê hương của mình. Như TikToker với cái tên Trang Ở Đắk Lắk đã thu về lượng fan khủng hơn 600.000 người theo dõi. Các video của Trang thường chia sẻ về cuộc sống làm việc trong vườn cây của gia đình tại Tây Nguyên.

Được biết, Trang sinh ra ở Đắk Lắk, sau này, cô lên thành phố học đại học và làm việc, cuối cùng trở về quê nối nghiệp làm nông trồng cây cafe, cây bơ, sầu riêng,… của gia đình. Nhờ video của Trang chia sẻ, công việc làm ăn của gia đình, vẻ đẹp quê hương cô cô ngày càng được mọi người biết đến và ủng hộ, đồng thời, cũng tạo công ăn việc làm cho bà con xung quanh.

Hay anh Trần Quang Tiến hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Định đã trở về quê gây dựng sự nghiệp sau khi ra trường. Bản thân là một cử nhân với thành tích học xuất sắc, anh có nhiều cơ hội tìm việc làm tốt hơn trên thành phố. Nhưng anh Tiến chọn khởi nghiệp việc sản xuất và phân phối nấm, không chỉ thu về lợi nhuận cao mỗi năm, anh còn tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương với mức thu nhập dao động từ 5 – 6 triệu/tháng.

Phần lớn những người trẻ được hỏi cho biết, họ cảm thấy có nghị lực hơn khi đặt ra quyết tâm sẽ về quê hương làm việc. Phạm Mỹ Hạnh chia sẻ: “Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn khi đặt ra mục tiêu như vậy. Việc có thể về quê cống hiến trong tương lai, khiến tôi không còn bị áp lực phải thành công. Tôi cũng cảm thấy mình đã hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống này”.

Điều đó thật đáng quý, vì đất nước đang có một thế hệ trẻ biết yêu mến, gắn bó và phát triển quê hương của mình. Họ đều là những kỹ sư, cử nhân, giáo viên,… được đào tạo chuyên môn, bài bản. Họ có vốn sống, trải nghiệm thực tế tại những thành phố phát triển, để tích lũy những kỹ năng cần thiết. Cuối cùng, những cô gái, chàng trai đó đều có mong muốn cháy bỏng quay trở về quê hương hỗ trợ bà con.

Trở về lối sống gần gũi thiên nhiên

Thiên nhiên sẽ giúp con người xoa dịu những thương tổn đó, bởi tâm trí không bị nhiễu loạn từ tiếng còi xe, cảm xúc không bị tù túng giữa rừng bê tông, không khí không bị ô nhiễm vì khói bụi. Một nghiên cứu tại Nhật Bản quan sát và so sánh giữa nhóm người đi dạo giữa trung tâm thành phố và môi trường tự nhiên. Nhóm người đi dạo giữa thiên nhiên có nhịp tim chậm và ổn định hơn, mang tâm trạng tốt và ít căng thẳng hơn. Thiên nhiên chính là liệu pháp giúp con người thoải mái hơn để đối diện với mọi vấn đề, mang đến cảm xúc tích cực.

Cuộc sống điền viên giúp nhiều người quay trở về lối sống đơn giản, mộc mạc (hình ảnh khu vườn của anh Tú và chị Trang).

Cuộc sống điền viên giúp nhiều người quay trở về lối sống đơn giản, mộc mạc (hình ảnh khu vườn của anh Tú và chị Trang).

Anh Quang Tú và chị Đoan Trang là đôi vợ chồng đã ở tuổi trung niên, nhưng từ khi còn trẻ, hai người chuẩn bị sẵn cho mình một mảnh đất tại làng quê ở Sóc Sơn – Hà Nội. Cả hai anh chị đều ở Thủ đô từ nhỏ, chưa bao giờ cảm nhận cuộc sống vùng quê. Sau này, do tính chất công việc, hai anh chị thường xuyên đi lại, gặp gỡ mọi người, rồi dần nảy sinh suy nghĩ muốn về quê để sinh sống. Cứ như vậy, hiện nay, hai người dành phần lớn thời gian cuộc sống vùng quê thôn dã, thu hoạch vải, mít, bơ, nhổ cỏ, bắt sâu như bao người nông dân khác. Nếu như không được giới thiệu, ai cũng nghĩ, anh chị vốn là “người bản địa” tại nơi này.

Anh Tú cho biết: “Cuộc sống ở đây rất bình dị, chúng tôi ở trong một ngôi nhà cấp bốn. Bữa ăn có rau lấy từ ngoài vườn, hoa quả trên cây, mùa hè có vải, có mít, mùa thu có bơ, mùa đông có khế, mùa xuân có bưởi, còn bình thường buồng chuối vẫn hay ra quả”. Anh chị cũng cho biết, người dân ở đây ngủ rất sớm từ lúc 20h tối, đến tầm 5 - 6h sáng mọi người đã dạy để ra đồng hoặc đi ra vườn cây giống.

Anh chị cũng cho kể thêm, ở đây, mùa hè gia đình hiếm khi phải bật điều hòa vì gió trên núi rất mát. Mùa đông, phải vào những đợt rét đậm anh chị mới cần dùng chăn sưởi. Việc ăn uống, tắm giặt sử dụng từ nguồn nước giếng khoan được xây trong vườn. Đèn điện tiết kiệm rất nhiều, khi trời nắng, vì không bị nhà cao tầng che khuất.

Trương Khánh Huyền (hiện đang là giáo viên tại tỉnh Yên Bái) cho biết: “Cuộc sống tại nơi đây tuy không huyên náo như ở Hà Nội, nhưng đồng nghiệp, bà con và mọi người sống tình cảm, đùm bọc nhau lắm”. Từ ngày về quê để làm việc, Huyền không còn thức khuya dậy muộn như ngày còn đi học trên Hà Nội nữa. Cô ngủ sớm hơn, ăn uống đầy đủ vì được bố mẹ chăm sóc. Huyền thường xuyên tham gia vào công tác trồng cây, gây rừng của xã. Sống tại quê nhà, khiến cô cảm nhận rất rõ bầu không khí trong lành của thiên nhiên ở xung quanh. Đôi lúc, Huyền cũng nhớ bạn bè, nhưng tính cô thích sống yên tĩnh, nên nhanh chóng quên đi.

Nhưng không chỉ những người trở về quê hương để tìm một lối sống bình dị, đơn giản. Có những người trẻ di chuyển đến vùng đất khác để cư trú giống như anh Quang Tú và chị Đoan Trang. Đó là trường hợp chị Hoàng Lan (33 tuổi, hiện làm giáo viên yoga tại Hội An), chị vốn sinh sống với gia đình ở TP HCM, là người đam mê với bộ môn yoga và yêu thích trải nghiệm, chị đến Hội An làm giáo viên kiêm phiên dịch cho trung tâm.

Chị chia sẻ: “Tôi không còn di chuyển bằng xe máy, hiện tại tôi đi xe đạp và đi bộ. Tại đây, căn phòng của tôi rất đơn giản, có một cái giường, một cái bàn, máy tính và điện thoại. Phòng tập của chúng tôi hướng thẳng ra cánh đồng, hạn chế sử dụng điện và điều hòa để bảo vệ môi trường”. Hành trang của chị mang theo rất ít ỏi chỉ vài bộ quần áo và đồ dùng cá nhân cần thiết.

Rất nhiều người nghĩ rằng, một cuộc sống thật đầy đủ tiện nghi mới xứng đáng để sống. Nhưng có nhiều người, đặc biệt là người trẻ hiện nay cảm thấy đó là một gánh nặng, khi họ phải mang vác quá nhiều thứ bên mình. Điều này dễ dẫn đến căn bệnh về tâm lý cho những người trẻ tuổi.

Theo một thống kê của Bộ Y tế, có đến 15% người Việt gặp các vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress, tương ứng với trên 10 triệu người. Cuộc sống căng thẳng với đủ thứ lo lắng: kẹt xe, lo đụng xe, lo con học hành, lo cuộc sống... khiến người ta như “bơi” trong những tâm trạng không vui.

Vì vậy, trong một xã hội đang ngày càng gấp gáp, bận rộn có nhiều người đã chọn việc từ bỏ phố thị, quay trở về làng quê hoặc những vùng đất còn hoang sơ nhằm an định lại tinh thần. Từ đó, giúp cho họ có một thể chất, tâm trí lành mạnh để tiếp tục cống hiến xây dựng, phát triển đất nước, quê hương.

Đọc thêm