Từ góc nhìn của một người đang học tâm lý học, là sinh viên ngành Tâm lý học tại Đại học Temple, Philadelphia, Mỹ, Ngô Bích Hằng (sinh năm 1985) đã có buổi chuyện trò với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về thực trạng này dưới góc độ tâm lý. Theo Hằng, trong suốt 8 tháng thực tập tại một trung tâm hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình tại Mỹ, Hằng đã có cơ hội lắng nghe và đồng hành cùng nhiều người sống sót sau bạo hành. Dựa trên những trải nghiệm thực tế cùng với các nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội học, tâm lý học và thần kinh học, Hằng mang đến một góc nhìn đa chiều và sâu sắc về lý do vì sao nhiều nạn nhân vẫn tiếp tục ở lại trong mối quan hệ bạo hành - ngay cả khi họ có cơ hội rời đi.
Phần lớn mọi người vẫn lý giải cho hành vi cam chịu của nạn nhân rằng: “Cô ấy không rời khỏi mối quan hệ đó thì là vì cô yếu đuối, thiếu nhận thức, phụ thuộc tài chính vào người bạo hành, hoặc không đủ yêu và trân trọng bản thân để dứt ra…”. Theo bạn, từ góc độ tâm lý học, điều đó có đúng không?
- Tôi tin rằng những điều này có thể là những yếu tố góp phần, nhưng chúng không phải là toàn bộ câu chuyện. Một lý do rất thực tế và ít được bàn đến khiến nạn nhân ở lại là bởi vì việc rời khỏi một mối quan hệ bạo lực có thể vô cùng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Rủi ro không chỉ xảy ra với chính nạn nhân, mà còn với những người thân yêu của họ.
Trong những tình huống mà nạn nhân bỏ trốn nhưng gia đình họ vẫn sống tại nơi cũ, kẻ bạo hành có thể trả thù bằng cách làm hại người thân của nạn nhân để khủng bố tinh thần họ. Cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thậm chí cả đồng nghiệp cũng có thể trở thành “con tin” trong cuộc chiến cảm xúc của kẻ bạo hành.
Về mặt dư luận xã hội, những bình luận cho rằng nạn nhân yếu đuối, không yêu bản thân nên mới ở lại đều là những hình thức đổ lỗi cho nạn nhân, cho dù thoạt nhìn chúng có vẻ hợp lý.
Có một điều đáng chú ý rằng, cộng đồng là những người lên án người bạo lực với phụ nữ và cả người phụ nữ bị bạo lực, khi họ cam chịu, nhưng lại không có nhiều giải pháp được thực hiện ngay để hỗ trợ nạn nhân khi họ đang rất cần. Đó có phải là nguyên nhân khiến nạn nhân không rời đi mà phải gắng chịu đựng, theo bạn?
- Một sự thật nhức nhối cho những người hoạt động bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình là việc phải chứng kiến nạn nhân tiếp tục ở lại và chịu đựng sự bạo hành dã man từ kẻ bạo hành, trong khi gần như không thể làm gì để giúp họ. Chừng nào nạn nhân còn ở lại, những gì chúng ta có thể làm cho họ là rất ít ỏi, vì mối đe dọa vẫn hiện diện ngay bên cạnh họ và hành vi bạo hành có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Trong hoàn cảnh này, bất cứ ai cũng dễ dàng tự hỏi: Tại sao nạn nhân không rời đi, kể cả trong những trường hợp mà thoạt nhìn có vẻ như họ hoàn toàn có thể rời đi. Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi đó phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng. Bên cạnh những lý do có thể quan sát thấy như: nạn nhân phải chăm con nhỏ, không có điều kiện tài chính, không có việc làm, hoặc lo sợ bị trả thù, còn có những nguyên nhân tâm lý và thần kinh học sâu xa khác.
![]() |
Ngô Bích Hằng. (Ảnh: NVCC) |
Nói đến “nguyên nhân tâm lý và thần kinh học sâu xa khác”, vậy theo bạn sự chịu đựng của người bị bạo hành có phải là “mắc kẹt sang chấn và bị thần phục”?
- Việc người bị bạo hành không rời đi là “hiện tượng mắc kẹt sang chấn” - tình trạng mắc kẹt về mặt tâm lý trong một môi trường đầy đe dọa và bạo lực. Đây là khi một người bị kẹt trong một hoàn cảnh lạm dụng nghiêm trọng, nhưng thay vì bỏ chạy, họ lại hình thành mối gắn bó lệch lạc với kẻ bạo hành. Đây là một cơ chế sinh tồn, khiến nạn nhân bám víu vào mối quan hệ - kể cả khi họ nhận thức được rằng mình cần phải rời đi.
Về mặt thần kinh học, hiện tượng này được lý giải bằng một phản ứng phòng vệ sinh tồn trong tình huống không thể chống cự hay trốn thoát. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên các loài linh trưởng, phản ứng thần phục là một cơ chế tiến hoá phổ biến, giúp cá thể sinh tồn trong hoàn cảnh bị mắc kẹt kéo dài, khi việc chiến đấu hay chạy trốn đều không khả thi.
Bạo hành thể chất, đặc biệt là các hình thức như siết cổ và chấn thương sọ não, gây ra hậu quả nghiêm trọng lên cấu trúc và chức năng não bộ.
Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học, hình ảnh cộng hưởng từ não cho thấy các vùng não chịu trách nhiệm cho tư duy và điều hoà cảm xúc ở nạn nhân bị teo nhỏ rõ rệt ở toàn bộ bán cầu đại não và hệ viền. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nạn nhân từng bị chấn thương sọ não, đặc biệt là những người từng bị siết cổ không gây tử vong, có điểm số thấp rõ rệt về trí nhớ và chức năng điều hành. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đó, cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa bạo lực thể chất và suy giảm nhận thức.
Hậu quả là, suy giảm nhận thức và xử lý cảm xúc có thể khiến nạn nhân không thể tự lên kế hoạch rời đi, hoặc dễ rơi vào trạng thái tê liệt khi bị kích hoạt bởi yếu tố bất ngờ. Khi đó, phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” chiếm lĩnh hoàn toàn cơ thể, khiến họ mất khả năng tư duy rõ ràng.
Một yếu tố tâm lý quan trọng khác là sự tự trọng thấp. Tự trọng thấp vừa là hậu quả của việc bị sỉ nhục, hạ thấp, vừa là nguyên nhân khiến nạn nhân tin rằng họ không xứng đáng được yêu thương hay bảo vệ. Nạn nhân thường xuyên bị thao túng cảm xúc - một chiến thuật mà kẻ bạo hành sử dụng để khiến họ nghi ngờ chính mình, cảm thấy vô giá trị và tin rằng họ “xứng đáng bị trừng phạt”. Đây là một trong những rào cản lớn nhất cản trở họ tìm đường thoát thân. Ngoài ra còn có chu kỳ tái bạo hành. Theo số liệu của Đường dây nóng quốc gia về bạo lực gia đình ở Mỹ (2025), một nạn nhân trung bình phải rời bỏ rồi quay lại với kẻ bạo hành đến bảy lần trước khi rời đi hoàn toàn. Con số này cho thấy mức độ phức tạp và sự cản trở đa chiều trong hành trình thoát khỏi bạo hành.
Trước những thực trạng đáng báo động như vậy, chúng ta cần đưa ra giải pháp gì để bảo vệ, lên tiếng cho người yếu thế trong xã hội?
- Đó là kiên nhẫn và trao quyền. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc rời đi là bất khả thi. Tại Trung tâm Phụ nữ Hạt Montgomery, Hoa Kỳ (WCMC) - nơi tôi thực tập - chúng tôi hiểu rằng mỗi nạn nhân có hoàn cảnh riêng và những rào cản vô cùng thực tế khiến họ chưa thể rời đi ngay. Vì vậy, sự kiên nhẫn là điều cốt lõi trong công việc của chúng tôi.
Chúng tôi không thúc ép họ rời đi. Thay vào đó, chúng tôi lắng nghe, cung cấp hỗ trợ tâm lý qua đường dây nóng, hỗ trợ pháp lý, giúp họ tìm nhà ở, tìm việc làm, hỗ trợ tiền mặt và thiết lập kế hoạch an toàn để bảo đảm họ được bảo vệ ngay cả khi vẫn đang sống chung với kẻ bạo hành. Trong suốt quá trình này, chúng tôi luôn trao quyền tự quyết và đồng hành cùng họ, cho đến khi họ dần trở nên tự chủ và sẵn sàng.
Chỉ khi cảm thấy có lại được quyền làm chủ cuộc sống, họ mới có thể rời bỏ kẻ bạo hành một cách dứt khoát và bắt đầu một hành trình mới – hành trình của sự sống, an toàn và phẩm giá.
Xin cảm ơn Bích Hằng và chúc bạn thành công trong sự nghiệp phòng, chống bạo lực gia đình và hỗ trợ những nạn nhân yếu thế.
Theo Điều 35 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, có hiệu lực từ ngày 01/07/2023 quy định, cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: Địa chỉ tin cậy; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở trợ giúp xã hội; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; Cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình thực hiện các hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình như: chăm sóc sức khỏe; chăm sóc y tế; tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý; cung cấp nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác, nhằm tránh những hành vi bạo lực tiếp theo của người gây bạo lực gia đình; hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không tự lo được hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè…