Mới chỉ có chính sách đặc biệt cho hãng bay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam nói, các doanh nghiệp hàng không đều cần được hỗ trợ như nhau. Nhưng việc hỗ trợ cụ thể từng doanh nghiệp thì chưa có gì ngoài Vietnam Airlines.“Giúp” bạn, mình cạn nguồn
Ông Phạm Việt Dũng
Ông Phạm Việt Dũng 

Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp hàng không. Cụ thể, chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định và tiếp tục gia hạn cho đến năm 2021. Áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn…

Đặc biệt, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) còn được “giải cứu” thêm thông qua gói 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, cuối năm 2020, gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng đối với Vietnam Airlines đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) đã hoàn tất toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết và dự kiến có thể giải ngân từ tháng 6/2021. Ngoài ra, phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỷ đồng) đang được triển khai các bước cần thiết, dự kiến sẽ được Vietnam Airlines hoàn tất trong quý IV/2021.

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp hàng không đều cần được hỗ trợ như nhau. Hiện, các doanh nghiệp trong ngành đều được áp dụng các chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ một số khó khăn khác. Còn với hỗ trợ từng doanh nghiệp cụ thể thì chưa có gì ngoài Vietnam Airlines. “Một số doanh nghiệp hàng không đã có những kiến nghị hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, hiện vẫn đang chờ đợi”, ông Dũng nói.

Về tình hình hoạt động của VATM, ông Dũng cho biết, năm 2020 sau khi thực hiện việc giảm phí 50% điều hành bay đã khiến doanh nghiệp này mất nguồn thu tới hơn 150 tỷ đồng. Hiện nay, các chuyến bay ít đi, nếu vẫn tiếp tục thực hiện chính sách này sẽ khiến VATM không có nguồn để hoạt động.

Kinh doanh hạ tầng hàng không cũng gặp khó

Một doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng hàng không như ACV cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2020, doanh thu thuần của ACV giảm 58%, chỉ đạt 7.784 tỷ đồng, trong khi năm 2019, con số này là 18.329 tỷ đồng.

Trong quý I/2021, ACV ghi nhận doanh thu chỉ 1.903 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 861,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 47,6% và 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo ACV, mặc dù doanh nghiệp đã tiết giảm chi phí nhưng hoạt động kinh doanh chính suy giảm mạnh, đặc biệt biên lợi nhuận gộp giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận trong kỳ. Trong khi đó, ACV có nhiệm vụ chính trị là quản lý, sửa chữa nhiều sân bay khác ở Việt Nam. 

Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có chiến lược để cứu các hãng hàng không theo tầm nhìn của quốc gia chứ không phải để các hãng cố gắng “qua ngày đoạn tháng”. Và cần nhìn rõ cứu trợ không phải để cứu sống mà là đầu tư cho tương lai. Hơn nữa, không chỉ cứu các doanh nghiệp “bay” trên trời mà cả các doanh nghiệp hàng không dưới mặt đất.

Doanh nghiệp quản lý bay mất hàng trăm tỷ đồng

“Năm 2020, sau khi thực hiện việc giảm phí 50% điều hành bay đã khiến doanh nghiệp mất nguồn thu tới hơn 150 tỷ đồng. Hiện nay các chuyến bay ít đi, nếu vẫn tiếp tục thực hiện chính sách này sẽ khiến VATM không có nguồn hoạt động…”, ông Phạm Việt Dũng.

Đọc thêm