Mời giám khảo chấm điểm lễ hội kiểu... "thầy bói xem voi"

(PLO) - Hàng trăm lễ hội trải dài ở 63 tỉnh, thành được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch liệt kê ra khiến các nhà báo lâm vào tình cảnh “ngồi ghế nóng”. Bởi làm sao chấm điểm chính xác khi các nhà báo giỏi lắm cũng chỉ đến được 1/10 các lễ hội đó. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Chấm mà không biết “mặt thí sinh”!
Cục Văn hóa cơ sở và Báo Văn Hóa đã tổ chức họp báo, lấy ý kiến báo chí bằng hình thức chấm điểm nhằm đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội dân gian của 63 tỉnh, thành phố trong mùa lễ hội năm 2015 vào ngày 10/12 vừa qua tại Hà Nội.
Sở dĩ năm nay báo chí được ngồi “ghế nóng” bởi ông Trần Đăng Khoa - Tổng Biên tập Báo Văn Hóa kỳ vọng: “Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) không thể nào đi hết 8.000 lễ hội trải khắp 63 tỉnh thành trên cả nước được. Chúng tôi mạnh dạn đề nghị các cơ quan báo chí tham gia cùng Bộ VH-TT&DL bởi chúng tôi nhận thấy phần lớn những bất cập trong công tác quản lý lễ hội là do báo chí phát hiện, đưa ra, lúc đấy cơ quan quản lý nhà nước mới biết để vào cuộc”.
Trên cơ sở các ý kiến từ 3 bên (các địa phương tự đánh giá, báo cáo và chấm điểm; đánh giá, chấm điểm từ phía cơ quan quản lý nhà nước; các cơ quan báo chí), Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục điều chỉnh, đưa việc chấm điểm đánh giá tổ chức, quản lý lễ hội trở thành hoạt động thường xuyên, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, quản lý lễ hội dân gian. 
Vì đây là lần đầu tiên Bộ VH-TT&DL mời báo chí làm “giám khảo” nên có không ít băn khoăn về các “thí sinh”. Hàng trăm lễ hội trải dài ở 63 tỉnh, thành được Bộ liệt kê ra khiến các nhà báo không khỏi “choáng váng”. Làm sao chấm điểm chính xác khi các phóng viên giỏi lắm cũng chỉ đến được 1/10 các lễ hội đó. 
Các phóng viên chỉ có thể chấm điểm tại những “điểm nóng” lễ hội như: việc du khách thập phương “đứng lên bia mộ” tiến sĩ (Hội Lim); tình trạng đổi tiền lẻ và nhét tiền lẻ vào tay Phật, bày bán thịt động vật ở Chùa Hương (Hà Nội); nạn chèo kéo khách khấn thuê, lễ mướn ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) hay như vụ tranh cướp cau, tre tại đền Gióng (Hà Nội), tranh cướp quả Phết, lễ cầu trâu (Phú Thọ), hiện tượng phản cảm như nhảy lên ban thờ cướp đồ cúng, đồ thờ ở đền Trần (Nam Định)…
Còn các lễ hội nhỏ lẻ diễn ra ở các tỉnh, các nhà báo không biết chấm ra sao vì không “mục sở thị”. Ông Khoa cũng thừa nhận: “Ngay cả phóng viên theo dõi lễ hội của báo thuộc Bộ cũng không thể đi hết các lễ hội”. Để “chữa cháy”, có ý kiến mong mỏi các nhà báo dù không đến hết các lễ hội nhưng chấm theo các nguồn thông tin khác nhau, chấm theo kiểu “thầy bói xem voi”, “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình” hoặc nếu khó quá thì… để trống không chấm.
Ngoài ra, tiêu chí chấm điểm “mù mờ” khiến các nhà báo không biết đâu mà lần. Theo đó, hình thức đánh giá được thể hiện bằng cách chấm điểm: Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở. Đặc biệt, nhà báo làm sao chấm được tiêu chí: “Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm; quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ VH-TT&DL” của 63 địa phương?
Rối như canh hẹ
Chưa hết, thang chấm điểm trừ khá nhẹ với các vấn đề tiêu cực trong lễ hội. Đó là, lễ hội không bảo đảm trang nghiêm, thành kính chỉ bị trừ 5 điểm; bị dư luận, báo chí phản ánh không tốt về lễ hội trừ 5 điểm; gian lận thương mại trừ 5 điểm. Nếu lễ hội có 3 vấn đề xấu ấy là lễ hội gây bức xúc, hay nói cách khác là lễ hội bát nháo, nhưng trừ tất cả các điểm trên, lễ hội ấy vẫn nghiễm nhiên có số điểm 80 và ở mức độ… hoàn thành chỉ tiêu! Điều này khiến các nhà báo “không phục”. 
Không ít người “ngồi ghế nóng” băn khoăn, mục đích của việc chấm điểm lễ hội có nhằm giúp công tác tổ chức, quản lý lễ hội những năm sau được tốt hơn hay chỉ mang tính thi đua theo hình thức, phong trào?. Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL không nên đưa vào danh sách chấm điểm tất cả hàng trăm, hàng nghìn lễ hội dân gian mỗi năm mà chỉ nên chọn lọc một số lễ hội thường được dư luận quan tâm, hoặc lễ hội thường xuyên tái diễn những “điểm nóng” bất ổn. Ban Tổ chức cũng chỉ nên lựa chọn một vài tiêu chí tiêu biểu nhất để giải quyết triệt để từng vấn đề nổi cộm, thay vì “ôm đồm” quá nhiều nội dung.
Các nhà báo không thể đi hết hàng trăm, hàng nghìn lễ hội dân gian ở khắp cả nước. Bộ VH-TT&DL có thể lấy ý kiến của các báo ở 3 khu vực Bắc - Trung -Nam thay vì chỉ tập trung mời các nhà báo tại Hà Nội “ngồi ghế nóng”. Như thế, việc chấm điểm lễ hội tại các địa phương sẽ sâu sát và khách quan hơn. 

Đọc thêm