Mối lo ngại nếu bệnh viêm gan bí ẩn xuất hiện tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Theo nghiên cứu các tài liệu trên thế giới, bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn khá nặng dẫn đến 10% trẻ phải ghép gan, số ca nặng khá nhiều, số ca tử vong cao. Nếu bệnh này xuất hiện ở nước ta thì cũng là điều lo ngại và đáng cảnh báo”, BS Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Ảnh minh họa,
Ảnh minh họa,

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 3/5 trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Khu vực châu Á cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4.

Nếu bệnh này xuất hiện ở Việt Nam thì rất đáng lo ngại, đáng cảnh báo

Theo BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện có rất nhiều người đang quan tâm đến căn bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn hay còn gọi là viêm gan chưa rõ căn nguyên xuất hiện hơn 20 quốc gia trên thế giới. Đối tượng chủ yếu là trẻ em, trong đó 10% trẻ em ghép gan và đã có 5 trường hợp trẻ em tử vong do viêm gan chưa rõ căn nguyên.

Khởi phát ban đầu, các nhà khoa học cho rằng có 79 bệnh nhân khi xét nghiệm sinh học phân tử có dương tính với Adenovirus, 20 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 và 19 trường hợp đồng nhiễm cả SARS-CoV-2 và Adenovirus.

Vì thế giả thuyết đang nghiêng về việc căn bệnh này có liên quan đến Adenovirus. Có một số giả thuyết cho rằng có thể liên quan đến SARS-CoV-2, bởi SARS-CoV-2 được cho là một trong những căn nguyên kích ứng bệnh tự miễn.

Các nhà khoa học cho rằng, sau khi nhiễm SARS-CoV-2, đây là một yếu tố có thể kích hoạt bệnh tự miễn sẵn có của trẻ dẫn đến viêm gan tự miễn. Hoặc có một số giả thuyết cho rằng liên quan đến vaccine phòng COVID-19. Có một số giả thuyết liên quan đến chó, mèo.

Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết mà thôi, không phải là xác định nguyên nhân chính xác. Bởi các nhà khoa học trên thế giới còn phải nghiên cứu rất nhiều để tìm ra căn nguyên thực sự gây ra bệnh.

Đánh giá về nguy cơ căn bệnh này ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, bác sĩ Huyền cho hay: “Khi tôi đọc các thông tin liên quan đến căn bệnh này, tôi thấy đây là bệnh khá nặng, bởi dẫn đến hiện tượng 10% trẻ phải ghép gan, số ca nặng khá nhiều, số ca tử vong cũng khá cao. Ở nước ngoài, việc ghép gan có thể khá dễ dàng, tuy nhiên ở Việt Nam chi phí cho 1 cuộc ghép gan khá đắt, hơn nữa không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn gan để ghép. Vì vậy, nếu bệnh này xuất hiện ở Việt Nam thì rất đáng lo ngại, đáng cảnh báo”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của WHO khẳng định, đây là bệnh không phải do viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D, viêm gan E gây ra. Họ đặt tên là viêm gan bí ẩn không phải do A, B, C, D, E gây ra.

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga

Liệu căn bệnh này có bùng phát thành dịch lớn?

Theo bác sĩ Huyền, phần lớn những trẻ sẽ có triệu chứng khởi đầu ở đường tiêu hóa là: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Sau đó vài ngày trẻ mới có biểu hiện ở gan. Như vậy, khả năng cơ quan đầu tiên bị tấn công ở trẻ em là đường tiêu hóa. Đường vào khả năng là đường tiêu hóa. Khả năng cao đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa.

“Hơn nữa, theo y văn mô tả, các virus lây qua đường hô hấp không gây tổn thương bệnh gan bí ẩn điển hình như là mô tả của bệnh viêm gan bí ẩn. Nếu có gây tổn thương gan thì thường là trong bệnh cảnh suy đa tạng, ví dụ như virus cúm có thể gây tổn thương gan, sau khi gây viêm phổi dần dần dẫn đến bệnh toàn thân, suy đa tạng sau đó mới gây tổn thương gan.

Trong khi đó, căn bệnh viêm gan bí ẩn có triệu chứng nổi trội là ở gan, vì vậy tôi không nghĩ nhiều tác nhân lây qua đường hô hấp, mà đây có thể là tác nhân lây qua đường tiêu hóa. Và nếu thực sự đây là tác nhân lây qua đường tiêu hóa thì bệnh dịch không thể bùng phát rộng giống tác nhân lây qua đường hô hấp được, bệnh sẽ lây một cách khu trú hơn”, bác sĩ Huyền cho biết.

Nếu người dân thực hiện ăn chín uống sôi, đề cao cảnh giác, nâng cao vệ sinh cá nhân… thì chúng ta có khả năng bệnh này sẽ không bùng phát rộng.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam bắt đầu mở cửa, nhất là thời điểm này đang là mùa hè dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa cũng có thể phát triển. Vì vậy, nguy cơ chúng ta bị bệnh viêm gan bí ẩn từ thế giới xâm nhập vào có thể xảy ra. Vì vậy, người dân cần phải đề cao cảnh giác. Đối với trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, ăn uống hợp lý, duy trì hoạt động thể chất ngoài trời để nâng cao miễn dịch. Bố mẹ nên nâng cao tăng cường vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, ăn các thực phẩm an toàn, theo dõi sát trẻ.

Bên cạnh đó, bác sĩ Huyền cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý, khi các con có các biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa như: đau bụng, nôn, tiêu chảy thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám để kịp thời phát hiện bệnh. Bởi ở Việt Nam các bệnh lây qua đường tiêu hóa khá nhiều như: rota virus, tiêu chảy, viêm gan A, viêm gan E…

Đọc thêm