Trong quá khứ nhiều năm về trước, TP HCM từng “có tiếng” vì một số khu nhà ở lụp xụp tạm bợ ven sông, ven các kênh rạch. Bộ mặt đô thị nhếch nhác, cuộc sống của những người sống trong những “ngôi nhà” đó cũng khổ sở trần ai, rồi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khó quản lý về mặt hành chính - dân cư… Tình trạng đó đã được giải quyết, khi các dự án chỉnh trang đô thị được gấp rút tiến hành, người dân được tái định cư, các dòng sông, các con kênh được làm sạch, làm kè hai bên bờ… Nhiều nhánh sông, những dòng kênh “chết”, đã được “hồi sinh”, trở thành những điểm nhấn đẹp đẽ, thơ mộng cho TP.
Nhưng thực tế nhà lụp xụp ven kênh rạch tại TP HCM vẫn còn tồn tại ở nhiều khu vực. Lòng kênh vẫn bị thu hẹp do một số hộ dân lấn chiếm, với tổng căn hộ sinh sống trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65 ngàn căn (thống kê từ 1993 đến nay). Giai đoạn 1993 - 2000, TP di dời được 9.266 trên kế hoạch 7.000 căn; giai đoạn 2001 - 2005 di dời được 15.548/10.000 căn. Nhưng từ 2006, tốc độ này chậm hẳn lại, giai đoạn 2006 - 2010 di dời được 7.542/15.000 căn; giai đoạn 2011 - 2015 di dời đuọc 3.350/14.101 căn; giai đoạn 2016 - 2020 chỉ di dời được 2.479/20.000 căn, nghĩa là chỉ đạt 12,4% kế hoạch.
Và hiện tại, giai đoạn 2021 - 2025, TP HCM đã có kế hoạch di dời 6.500 căn kết hợp với các chương trình giải quyết ô nhiễm, chương trình nhà ở, đề án phát triển kè sông và kinh tế ven sông. Nhưng theo dự báo, con số này rất khó đạt được. Khó từ khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư vì số liệu chưa đầy đủ, trình tự thẩm định, công bố giá nhà tái định cư chậm. Công tác cưỡng chế thu hồi sau khi giao nhà giải tỏa trên và ven kênh rạch đôi lúc rất khó thực hiện. Rất khó có sự hợp tác của các hộ dân trong diện giải tỏa di dời. Một khảo sát cho thấy, đa số các hộ dân xây dựng, chuyển nhượng nhà, lấn chiếm bất hợp pháp trên và ven kênh rạch nên thường không có hồ sơ pháp lý. Do đó, không được bồi thường theo chính sách của Nhà nước, mà chỉ được nhận một phần hỗ trợ của TP.
Rồi vấn đề quan trọng không kém là giá bồi thường. Theo quy định mới đây, giá bồi thường phải tiếp cận giá thị trường. Nhưng trên thực tế rất khó xác định giá bồi thường sát với giá thị trường và khi đã xác định được rồi thì đó là số tiền khổng lồ, không biết lấy ở đâu ra?
Tại một hội thảo mới đây, một số ý kiến đề xuất TP có thể vận dụng cơ chế trong Nghị quyết 98 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM để thực hiện phương án nhằm triển khai hiệu quả việc di dời nhà trên và ven kênh rạch. HĐND TP có thể sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân sống ven kênh rạch. Các quỹ đất sau khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng được bán đấu giá để hoàn trả ngân sách TP.
Ngoài các yếu tố chú trọng ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, nghiên cứu giải pháp bán nhà ở xã hội, cho thuê mua với các trường hợp chưa đủ điều kiện tái định cư; thì một điều quan trọng nữa, là TP cần siết chặt công tác quản lý, không để tiếp tục “mọc lên” các căn nhà ven kênh rạch. Ít nhất phải “giữ được trận địa”, không để phát sinh những “điểm nóng” về nhà cửa rất khó giải quyết.