Đạt nhiều kết quả tốt nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề cập đến trong Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ toàn cầu diễn ra tại Hà Nội.
Thông tin tại hội nghị, bà Lan cho biết, sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục giảm trên cả 3 tiêu chí đó là: giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS.
Trong 20 năm qua, chương trình phòng chống HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được gần 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng |
Về phòng, chống Lao, trong 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã cứu sống được khoảng 1 triệu người mắc Lao. Chương trình chống Lao quốc gia hiện tại đã triển khai bao phủ được 100% số quận huyện và 100% số xã, phường trên toàn quốc, 100% dân số được tiếp cận với chương trình phòng, chống Lao.
Về phòng chống Sốt rét, vào những năm 1991, toàn quốc ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc sốt rét, gần 5.000 ca tử vong và gần 150 vụ dịch, nhưng đến hết năm 2022 chỉ còn hơn 400 ca mắc sốt rét (giảm trên 90%), không có dịch sốt rét và không còn trường hợp tử vong do sốt rét.
Việt Nam đã có 42/63 tỉnh loại trừ được sốt rét. Nhà nước cũng đầu tư ngân sách cho công tác phát hiện, chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời trên toàn quốc.
Đạt được những thành công như vậy nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu thông qua các hoạt động phòng chống sốt rét như: cung cấp hơn 3 triệu màn đôi, màn đơn, cung cấp hàng trăm kính hiển vi, hàng nghìn máy vi tính để phục vụ hệ thống phát hiện chẩn đoán sốt rét sớm, điều trị kịp thời.
Đến năm 2030 cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt các chiến lược với mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 “cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét”.
Ngành Y tế Việt Nam xác định và nhận thức rõ các khó khăn và thách thức. Cụ thể, dịch HIV/AIDS đã có những thay đổi về hình thái lây truyền và nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện và có khoảng 2.000 người tử vong do AIDS.
“Vẫn còn khoảng gần 30.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Việt Nam vẫn đang đối mặt với gánh nặng về xã hội và chăm sóc sức khoẻ cho khoảng hơn 220.000 người nhiễm HIV còn sống”, bà Lan cho hay.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng |
Dịch Lao ở Việt Nam còn cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân Lao cao trên thế giới, đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Hiện nay, mỗi năm vẫn có khoảng 40% số bệnh nhân lao mắc mới chưa được phát hiện trong cộng đồng, đặc biệt là sau dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ hộ gia đình bệnh nhân lao phải chịu gánh nặng về chi phí thảm họa lên đến 63%.
Dịch Sốt rét hiện nay đã giảm nhiều với số ca mắc chỉ còn vài trăm ca mỗi năm. Nhưng để loại trừ sốt rét vẫn còn nhiều thách thức.
“Cùng với những nỗ lực của Toàn cầu, Việt Nam đang quyết tâm cao tập trung và huy động mọi nguồn lực để duy trì các thành quả, kiểm soát các dịch bệnh đang diễn ra, dự phòng chủ động tích cực các nguy cơ dịch bệnh mới nổi. Vì vậy, rất cần Quỹ toàn cầu tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam”, Tư lệnh ngành Y chia sẻ.
Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Hội đồng điều hành Quỹ Toàn cầu sẽ diễn ra trong 4 ngày (8-12/5). Quỹ Toàn cầu được thành lập vào năm 2002 để chống lại những đại dịch nguy hiểm nhất mà nhân loại phải đối mặt, đó là dịch bệnh HIV/AIDS, lao và sốt rét.
Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu từ vòng đầu tiên vào năm 2003. Từ đó đến nay, quỹ đã tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam hơn 650 triệu đô la Mỹ.