Bộ môn nghệ thuật “ba chìm, bảy nổi”
Giai đoạn thịnh vượng nhất của nghệ thuật hát chầu văn là cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn người hát cung văn. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang màu sắc tâm linh với những lời văn chau truốt nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh hay còn được biết là tín ngưỡng thờ Mẫu – tín ngưỡng thờ Tứ phủ. Đây là quãng thời gian mà hát chầu văn được yêu quý và phát triển khắp từ Bắc vào Nam.
Nơi diễn ra hoạt động hát chầu văn, lên đồng nhiều nhất là ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ như: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng… kéo mãi xuống đến cả các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh rồi vào cả trong Nam. Đã có thời, chỉ một nhà trong làng mời thanh đồng về hầu đồng là tất cả mọi người trong thôn, xóm tụ tập kéo nhau đến xem xúm xít.
Nhưng nghệ thuật hát chầu văn cũng từng trải qua phen sóng gió, đấy là khi hát chầu văn cùng với hình thức lên đồng, hầu đồng bị coi là mê tín dị đoan phải bài trừ. Có một thời gian dài người hát chầu văn không hát chầu văn nữa. Đền, phủ không còn mời thanh đồng, không còn những buổi hầu đồng, lên đồng, hát văn kéo dài cả 6 – 7 tiếng nữa. Người ta lãng quên dần chỉ có còn thanh đồng, cung văn là vẫn nhớ.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hát chầu văn cùng với nghi lễ hầu đồng được trả lại sự trong sạch và lại có cơ hội để phát triển như xưa. Tuy nhiên, theo thời gian, các bậc nghệ nhân mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã qua thế giới bên kia mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối. Sau này, phải khó khăn, vất vả lắm ta mới thấy xuất hiện những nghệ nhân dân gian nổi bật ở loại hình này như: nghệ nhân dân gian Thanh Long, nghệ nhân dân gian Văn Chung, nghệ nhân dân gian Tuyết Tuyết, nghệ nhân dân gian Khắc Tư.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, hát chầu văn cùng với nghi thức hầu đồng ngày càng được nhiều người và những lứa tuổi khác nhau ưa chuộng. Không cần phải là người hay đi chùa, đi lễ nhiều mà các tầng lớp doanh nhân, trí thức, công chức, văn nghệ sĩ, những thanh niên trẻ cũng đến các buổi hầu đồng để nghe, theo dõi lễ thức độc đáo này.
Cận cảnh một lễ hầu đồng. |
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cùng với sự thay đổi của xã hội, nhận thức về văn hóa truyền thống nên đời sống tôn giáo tín ngưỡng có sự khởi sắc. Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng, hát chầu văn vốn xưa kia bị cấm đoán thì nay lại có cơ hội phục hồi và phát triển. Hiện tại, nếu tính tất cả đền, phủ, điện (tính cả điện cá nhân) nơi thờ Mẫu cũng là nơi diễn ra nghi lễ hầu đồng ở Hà Nội có thể lên tới hàng trăm. Hàng năm, vào dịp “Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ” tại các đền, phủ, điện tại Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh có hàng trăm nghi lễ chầu văn diễn ra.
Nhiều thanh đồng, cung văn còn rất trẻ, họ trưởng thành và có nghề từ công cuộc đào tạo, truyền dạy của các nghệ nhân đi trước sau khi chầu văn không còn bị cấm đoán nữa. Nhiều thanh đồng, cung văn chỉ ở độ tuổi 8x, 9x nhưng đã hát rất hay, múa rất đẹp. Trong số những người này, nhiều người còn thuộc lòng hết tất cả những giá chầu, điệu hát trong nghi thức hầu thánh. Có người đã đi làm công việc hầu đồng được nhiều năm.
Không chỉ hát là đủ
Những năm gần đây, người ta cổ vũ nghệ thuật hát chầu văn cùng với lễ thức hầu đồng bằng việc đưa lên sóng truyền hình hay những sân khấu ca nhạc. Có thể thấy đầu tiên là trong chương trình Táo quân năm 2012 ở đoạn kết của chương trình, Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Anh đã chào tạm biệt khán giả bằng một bài hát chầu văn được cải biên. Tiếp sau là chương trình Giọng hát Việt nhí (The Voice Kid) năm 2014 với sự chú ý nổi bật dành cho cô bé Nguyễn Thiện Nhân khi em hát “Cô đôi thượng ngàn” trong phần thi chung kết của mình.
Hay bé Nguyễn Đức Vĩnh cũng hát “Cô đôi thượng ngàn” ở phần thi bán kết trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent năm 2015), bé Đỗ Ngọc Hà cũng hát chầu văn trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam’s Got Talent năm 2016)... Những nghệ sĩ này cùng với phần thể hiện của mình trên sân khấu ca nhạc, chương trình truyền hình đã làm khán giả “dậy sóng” sự háo hức, phấn khích trong suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, đánh giá về các chương trình có sử dụng loại hình nghệ thuật hát chầu văn, nghệ nhân dân gian Tuyết Tuyết chia sẻ: “Nhiều chương trình có đưa hát chầu văn vào biểu diễn, tuy nhiên khâu phục dựng theo tôi là chưa đúng với lễ thức chầu văn gốc. Nhiều em còn rất nhỏ và các em ấy hát chầu văn chỉ là hát hay so với độ tuổi của các em chứ chưa phải là đã đúng với lối hát chầu văn nguyên gốc... Theo tôi, mỗi chương trình âm nhạc có đưa nghệ thuật chầu văn vào biểu diễn nên kèm theo đó một cố vấn là người nghệ nhân chầu văn, như vậy chất lượng phần âm nhạc và biểu diễn sẽ phản ánh được đúng chất là nghệ thuật chầu văn hơn”.
Còn GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, không thể tách rời yếu tố tâm linh trong loại hình nghệ thuật chầu văn: “Chầu văn sống được là vì tâm linh, nếu không có cốt tâm linh thì không còn là chầu văn nữa”. Do đó, với mỗi chương trình đưa chầu văn lên sân khấu đơn vị tổ chức, kịch bản âm nhạc cần có sự nghiên cứu, cân nhắc để truyền đạt được hồn cốt, cái hay, cái lạ, cái độc đáo của loại hình chầu văn đến đông đảo khán giả.
Sân chơi dành cho những thanh đồng, cung văn hiện nay không có nhiều. Theo chia sẻ của nghệ nhân hát chầu văn Tuyết Tuyết thì “trước kia cũng có những lớp dạy hát chầu văn như lớp của anh Văn Chung cũng từng mở ra với mục đích đào tạo, duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật này, đây cũng là nơi mà anh em trong nghề gặp gỡ nhau nhưng không mấy thành công.
Hiện nay có một số hội, nhóm, câu lạc bộ hát chầu văn được thành lập từ những năm trước quy tụ các nghệ nhân hát chầu văn trên cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay thì những mô hình hội nhóm này cũng chưa phát huy được hiệu quả”. Ngoài ra, việc phát triển các câu lạc bộ về chầu văn hiện có được xem là để trống, các thanh đồng, cung văn phải tự tìm đến nhau, có khi là quen biết nhau qua các hội thi, hay lần gặp ở cửa đền này, phủ nọ thì người trong nghề mới biết mà đến với nhau được.