Trong số đó phải kể đến tên tuổi GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, người tâm huyết dành cả cuộc đời hướng đến tinh thần bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Mang tiếng vì... nửa kín, nửa hở
-Là người theo đuổi nghiên cứu hầu đồng gần 30 năm, hẳn ông đã nhìn ra sức sống riêng của nó từ khi diễn xướng này còn đang bị cấm. Lý do nào khiến GS đắm đuối không mệt mỏi đến thế với loại hình nghệ thuật này?
Đúng là trong thập niên 1980, tôi bắt đầu tham gia nghiên cứu hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu trong tình trạng “bí mật”. Mà tất cả cũng chỉ bắt đầu bởi sự thắc mắc rằng cái món này mê tín dị đoan, không lành mạnh ở chỗ nào mà bị cấm ngặt như vậy?
Rồi càng xem, càng tìm hiểu thì biết thêm rằng khi ấy vẫn có rất nhiều người bằng mọi cách tìm đến với tín ngưỡng thờ Mẫu, như một dòng chảy ngầm trong cuộc sống hàng ngày
Vì sao hầu đồng có sức hấp dẫn đến vậy thì báo giới, trong đó có các ấn phẩm của tôi, cũng đã viết nhiều rồi. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có bề dày hàng trăm năm với các hệ giá trị độc đáo, gắn liền việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên với các khát vọng về sức khỏe, tài lộc của con người.
Rồi, trạng thái thăng hoa tinh thần mà hầu đồng mang tới cho người tham dự có vai trò như một kiểu “trị liệu tâm lý”, gây hưng phấn cao độ khi khai mở nhu cầu giao hòa giữa con người với thần linh...
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: chính việc từng bị cấm cùng trạng thái tồn tại theo kiểu “nửa kín nửa hở” trước khi chính thức trở lại cũng là lý do để hầu đồng càng trở thành một thứ gì bí hiểm và gây tò mò cao độ.
-Vậy trong nghi lễ hầu đồng chứa đựng những văn hóa nghệ thuật nào, thưa GS?
Hầu đồng là một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh vào thân xác ông đồng, bà cốt, là sự tái sinh hình ảnh các vị thánh. Những người hầu đồng được cho là có khả năng tiếp xúc với các thần linh, người tham gia hầu đồng với niềm tin rằng họ tiếp xúc thần linh để mong tài lộc, sức khỏe.
Hầu đồng là một nghi lễ tổng hợp, tích hợp những giá trị văn hóa, nghệ thuật được dân gian đúc kết từ bao đời nay. Có thể thấy, trong hầu đồng là một di sản văn học, âm nhạc, rồi vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân tộc và nghệ thuật trình diễn.
Về văn học, có cả một kho tàng văn học được lưu giữ trong hầu đồng. Về âm nhạc, hầu đồng đã sản sinh ra một loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, đó là hát chầu văn. Về vũ đạo, riêng nghiên cứu trong hầu đồng có hàng chục điệu múa: múa kiếm, long đào, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa, dệt gấm... rất mềm mại, đề cao nữ tính.
Đạo mẫu và hầu đồng cũng để lại những giá trị qua những trang trí tượng thờ, tranh thờ; di sản kiến trúc qua hệ thống đền phủ; các hệ thống dân gian qua lễ hội.
-Hầu đồng và những giá trị nguyên bản có còn hiện hữu trong cuộc sống ngày nay hay không?
Ngày xưa, chỉ cần một cái khăn đỏ là có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ là vài quả táo tượng trưng... Nhưng ngày nay, mỗi gia đồng là một bộ quần áo, mỗi ông đồng bà cốt một lần lên đồng. Bây giờ có giá đồng riêng tiền phát lộc lên tới hàng triệu đồng...
Chưa kể bao nhiêu biến tướng xô bồ chung quanh việc hầu đồng trong thế giới hiện đại. Những năm 40-50 của thế kỉ trước, các cung văn hát trong lễ hầu đồng là những người chuyên nghiệp. Trước kia đã từng có một cuộc thi hát văn với niêm luật chặt chẽ, tính chuyên nghiệp rất cao. Và hát chầu văn thực sự là một bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp.
GS Ngô Đức Thịnh: Chỉ con người làm xấu tín ngưỡng |
GS Trần Văn Khê từng đánh giá chầu văn cùng với ca trù là hai di sản âm nhạc của Việt Nam. Nhưng bây giờ, phần lớn những người hát văn là nghiệp dư. Có một số nghệ sỹ vốn từ hát văn chèo tuồng đi sang hát văn vì mưu sinh.
Tuy rằng, trong hát văn vẫn tích hợp các yếu tố của các loại hình âm nhạc truyền thống khác, nhưng qua quá trình tồn tại và phát triển, nó đã trở thành một loại hình âm nhạc cổ truyền với lời ca và cây đàn nguyệt, chuyên nghiệp và đặc trưng không lẫn với các loại hình khác.
Chính các nghệ sỹ chèo tuồng, cải lương... đã mang những yếu tố lai tạp đến cho hát văn. Đó cũng là một trong những yếu tố suy giảm cho nghệ thuật hát chầu văn.
Chỉ có con người làm xấu tín ngưỡng
-Ông nghĩ sao khi nhiều đền phủ tự nhận lên đồng, nhập đồng, nhưng họ chỉ đóng kịch vào vai các vị thần để đánh lừa những người cả tin?
Tôi cho rằng, không có một tín ngưỡng nào dạy con người làm những điều xấu xa, chỉ có con người lợi dụng nó cho mục tiêu xấu xa mà thôi. Hầu đồng cũng vậy, bản chất nguyên sơ của nó là hành vi tín ngưỡng chứa đựng yếu tố tâm linh và văn hóa. Nhưng nó cũng không thoát khỏi bị lợi dụng. Theo tôi, nhiều đền phủ hiện đang bị biến dạng đi, theo hướng tiêu cực.
Ngày nay, lên đồng chủ yếu bị lợi dụng, kiếm tiền, làm giàu. Trước đây, những người hầu đồng vốn được coi là “có căn”, và gốc rễ này ăn sâu vào trong đời sống tinh thần, nên những nghi lễ này được hiểu đúng và hành xử đúng với tâm linh, với trình tự. Nhưng ngày nay, đã xuất hiện một tầng lớp dân gian gọi là “đồng đua” vì họ không có căn cốt, nên trong hành vi ứng xử, họ cũng không biết thế nào là đúng, sai...
Tuy rằng, “đồng đua” cũng là một nhu cầu của bộ phận người dân, tôi cũng không phản đối điều đó. Nói thì hơi to tát, nhưng chúng ta cần phải giáo dục, trang bị những hiểu biết đúng đắn về hoạt động tín ngưỡng cho người dân. Một khi họ hiểu sâu gốc rễ cội nguồn tín ngưỡng và có niềm tin thực sự thì họ sẽ hành xử đúng...
Tôi có thể khẳng định rằng có tới 70, 80% các thanh đồng hiện nay đều thiếu một kiến thức đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu. Và, khi đã không hiểu, họ lại ở trạng thái tự do, muốn làm gì thì làm, nên đôi khi lại càng đưa hầu đồng hiện đại đi xa với nguyên gốc hơn. Cái đáng nói là hầu đồng cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu hiện phát triển rất rộng trên cả nước nhưng lại không có một quy chuẩn gì.
-Thực tế gần đây cho thấy, dù không có “căn cơ” nhưng những người đồng tính 9X, 10X rất thích được nhảy đồng. Theo GS, tại sao lên đồng lại hấp dẫn họ như vậy?
Hầu đồng chứa đựng những giá trị về văn hóa, nghệ thuật rất đặc sắc như đã nói ở trên. Thực tế, trong hầu đồng có những người như thế nhưng đó không phải là biểu hiện của sự suy đồi. Có thể, vì lý do này mà những người đồng tính, dù không có “căn cơ” cũng tham gia lên đồng. Vì họ nghĩ, họ có thể tìm thấy thế giới nữ tính của mình trong đó.
-Vậy theo GS, chúng ta cần phải làm gì để gìn giữ hầu đồng như một di sản quý giá, loại bỏ những loại hình lai tạp, biến tướng đang làm xấu nghi lễ này?
Bác Hồ đã từng nói: Chúng ta không chống lại tôn giáo, tín ngưỡng nhưng chúng ta chống lại kẻ lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng. Hiện nay, có tới 90% thanh đồng không hiểu đạo Mẫu là gì. Hầu đồng bị biến dạng có thể là do họ không hiểu về đạo Mẫu.
Chính vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền để họ hiểu về tín ngưỡng của mình. Cần vận động các chủ đền, phủ để họ có ý thức trong việc hành lễ. Khi họ ý thức được thì sẽ hạn chế được những việc lợi dụng bởi người ta được làm chủ, được tin cậy thì người ta cũng sẽ có ý thức và ứng xử khác.
Nhà nước cần tin cậy và tạo điều kiện cho chính họ để họ tự đấu tranh khắc phục những lệch lạc. Phải phát huy từ cơ sở, từ các vị chủ đền.
Thời gian vừa qua, Trung tâm của chúng tôi đã tiến hành nhiều hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu tích cực đưa lại những quan niệm đúng đắn về đạo Mẫu, tránh tình trạng lợi dụng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ các liên hoan sinh hoạt về hầu đồng. Chúng ta làm như vậy là tạo cơ Hầu đồng chứa đựng những giá trị về văn hóa, nghệ thuật rất đặc sắc.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!