Món ngon hút hồn du khách ở 'đất lửa' Quảng Trị

(PLO) - Quảng Trị tuy không được mệnh danh là địa phương của tinh hoa ẩm thực, thế nhưng nơi đây cũng có nhiều món ăn trứ danh, đặc sắc, làm “mát lòng” du khách mỗi khi có dịp dừng chân. Những món ăn này được chắt chiu từ thời tiết khắc nghiệt nên mang hương vị riêng biệt, khó hòa lẫn với các vùng đất khác trên Tổ quốc.
Bánh lọc Mỹ Chánh trở thành món ăn yêu thích của nhiều du khách khi đến Quảng Trị và thường được chọn mua làm quà mang về (ảnh từ Internet)
Bánh lọc Mỹ Chánh trở thành món ăn yêu thích của nhiều du khách khi đến Quảng Trị và thường được chọn mua làm quà mang về (ảnh từ Internet)

Bún chắt chắt làng Mai

Đây là một đặc sản của làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh.

Bún chắt chắt làng Mai (ảnh Phạm Quyên)
Bún chắt chắt làng Mai (ảnh Phạm Quyên)

Chắt chắt là một loại thuộc họ hến nhưng nhỏ hơn, sống ở vùng nước lợ, có màu đen sậm, giàu chất đạm nên rất bổ dưỡng.

Để làm được món ăn này, phải qua nhiều công đoạn. Chắt chắt sau khi được cào từ sông về được ngâm với nước vo gạo và ớt cho nhả hết bùn. Sau khi đã rửa sạch thì cho vào nồi để luộc. Khi nước sôi, muốn chắt chắt mở vỏ đều và nhanh thì trong quá trình này phải dùng đũa khuấy liên tục. Sau đó vớt ra rổ và cho vào thau nước đãi lấy mặt. 

Phần mặt đãi xong được ướp với gia vị và xào chín cho thấm. Riêng phần nước luộc được lọc sạch đun sôi lần nữa, sau đó nêm thêm muối và vài lát gừng tươi vào để tăng vị đậm đà.

Cho bún vào tô, múc phần mặt chắt chắt cùng đậu phộng rang, rau sống, tương ớt, muối gừng, tiêu xanh... và bánh tráng nướng vào trộn đều. Vị ngọt của chắt chắt, vị bùi béo của đậu phộng, giòn tan của bánh tráng và rau sống cùng vị cay của tiêu, gừng mang lại sự ngon miệng trọn vẹn, ấn tượng cho người thưởng thức.

Bánh tu huýt

Món bánh tu huýt hiện nay tuy không còn phổ biến như trước nữa mà chỉ còn ở một số làng quê của huyện Gio Linh là vẫn lưu giữ món ăn thuở cơ hàn này.

Đây là món bánh đặc trưng gắn bó với bao thế hế hệ 7x và 8x ở Quảng Trị. Bánh được làm từ bột khoai lang khô, nhưng để có những chiếc bánh ngon và dẻo thơm thì người nấu còn trộn thêm bột sắn khô vào cùng.

Để làm món bánh này cần lựa chọn những củ khoai căng tròn, không bị sâu, gọt bỏ vỏ bên ngoài, rửa sạch, xắt lát phơi khô, rồi cho vào bao nilon gói kỹ để tránh ẩm mốc. Sau đó số khoai ấy được xay thành bột mịn, rồi nhào với nước đường kèm theo đậu đỏ hầm luộc chín vào trộn đều.

Cho phần bột vừa nhào vào chiếc đũa rồi nắm lại thật chặt và rút ra, tạo thành một lỗ thông hơi giữa bánh. Đặt những chiếc bánh xếp dọc nhau cho vào nồi, bên trên lớp bánh người đầu bếp khéo léo bỏ thêm nắm lá dứa xanh để tăng vị thơm cho món ăn.

Bánh tu huýt (ảnh từ Internet)
Bánh tu huýt (ảnh từ Internet)

Bánh tu huýt có vị ngọt của khoai, vị bùi của đậu, vị dẻo của sắn và vị thơm của lá dứa pha vào. Khi ăn, người ta thường thổi cho nguội nên vô tình thổi vào lỗ của chiếc bánh phát ra âm thanh giống như những chiếc tu huýt.

Bánh chì An Mỹ

Bánh chì hay còn gọi là bánh giầy là một món ăn truyền thống, thường xuất hiện vào các lễ cúng đình, lễ xuống cấy và lễ Tết Nguyên Đán ở làng An Mỹ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh).

Bánh chì An Mỹ (ảnh từ Internet)
Bánh chì An Mỹ (ảnh từ Internet)

Bánh được làm từ gạo nếp ngon, còn phần nhân được làm bằng đậu đen, đậu đỏ hay đậu xanh đãi sạch vỏ hoặc có thể với mè, đường hay đậu phụng, đường.

Gạo nếp được ngâm qua đêm, sau đó nấu thành xôi. Cho xôi vào chiếc cối lớn rồi giã liên tục. Khi xôi đã thành một khối đặc, nhuyễn và mịn thì ngừng giã. Ngắt khối này thành từng viên rồi cho nhân vào giữa, sau đó vo tròn rồi đặt lên miếng lá chuối xanh đã cắt thành hình tròn hoặc vuông cỡ bằng lòng bàn tay người lớn. Dùng tay dẹt xuống một chút là có cái bánh chì trông rất đẹp mắt.

Cháo vạt giường

Còn gọi là cháo bột, cháo bánh canh hoặc là cháo cá Hải Lăng. Món ăn này trước đây xuất xứ ở vùng đất Hải Lăng, tuy nhiên hiện nay thì tất cả mọi đia bàn trong tỉnh Quảng Trị đều có bán.

Cháo vạt giường được nấu có thể bằng bằng bột gạo hay bột sắn (còn gọi là bột lọc). Người chế biến phải chọn loại gạo ngon (không quá dẻo hoặc quá khô) đem ngâm nước qua đêm rồi xay thành bột. Sau đó dùng ống tre cán thành tấm với độ mỏng vừa phải và thái thành từng sợi nhỏ (nhìn giống vạt gường nên được gọi là cháo vạt giường).

Cháo vạt giường (ảnh từ Internet)
Cháo vạt giường (ảnh từ Internet)

Hương vị làm nên món cháo vạt giường chính là cá lóc được hấp chín, lọc lấy thịt ướp kĩ với gia vị cùng tiêu và củ nén giã giập. Riêng đầu và xương giã nhỏ, chắt lấy nước rồi cho lại vào nồi nước luộc cá. Sử dụng nước luộc cá làm nước cháo, sau đó cho phần cá đã ướp đủ gia vị vào nồi rồi từ từ đổ bột vào sau. Khi cháo chín, cho lá nén xắt nhỏ rắc lên. Một món ăn thơm nức mũi, mê mẩn khách du lịch ngay từ lần ăn đầu.

Bánh lọc Mỹ Chánh

Đây là món ăn đặc sản ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng) và nổi tiếng khắp cả nước, được du khách vào Nam ra Bắc ưa thích và mua làm quà.

Bánh làm từ bột củ sắn mài với nhân bên trong gồm có tôm và thịt. Sau đó, được gói bằng lá chuối và cột chặt lại bằng sợi dây lá chuối ở bên ngoài. Bánh gói xong được cho vào nồi hấp chín.

Bánh lọc Mỹ Chánh trở thành món ăn yêu thích của nhiều du khách khi đến Quảng Trị và thường được chọn mua làm quà mang về (ảnh từ Internet)
Bánh lọc Mỹ Chánh trở thành món ăn yêu thích của nhiều du khách khi đến Quảng Trị và thường được chọn mua làm quà mang về (ảnh từ Internet)

Nhìn từng chiếc bánh nhỏ xinh, trong suốt, để lộ hình tôm đỏ hồng bên trong óng ánh mỡ và thơm lừng hương lá trông thật hấp dẫn. Đi kèm với bánh là bát nước mắm truyền thống thơm ngon được xắt thêm vài lát ớt.

Thịt trâu lá trơng

Món ăn này là sự kết hợp thú vị giữa mùi thơm độc đáo và vị cay của lá trơng - một loại cây lá gai thường mọc hoang ở vùng rừng núi Quảng Trị cùng vị ngọt của thịt trâu tươi. Có 2 món nức tiếng được chế biến bằng thứ nguyên liệu này gồm thịt trâu nướng ăn kèm lá trơng và thịt trâu xào lá trơng.

Đối với món thịt trâu nướng thì thịt sẽ xắt thành những miếng vừa ăn, tẩm ướp cho ngấm đều gia vị rồi cho lên vỉ nướng đều, hai mặt vỉ trải thêm lớp lá lốt. Nướng thịt trên than hồng cho đến khi thịt chín thơm, chuyển màu vàng nâu đẹp mắt, quyện mùi thơm của lá lốt thì bỏ thịt xuống khỏi bếp và bày ra đĩa. Thịt trâu nướng ăn cùng với lá trơng, rau cải và chấm kèm với muối ớt tiêu xanh vắt chanh vào.

Thưởng thức món thịt trâu nướng ăn kèm với lá trơng vào những ngày mưa rét thì thật tuyệt (ảnh từ Internet)
Thưởng thức món thịt trâu nướng ăn kèm với lá trơng vào những ngày mưa rét thì thật tuyệt (ảnh từ Internet)

Còn đối với món thịt trâu xào lá trơng thì thịt sẽ được thái thành những lát mỏng, ướp với các loại gia vị cho thấm. Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào đun sôi thì đổ tỏi băm vào phi thơm, sau đó cho thịt trâu vào. Khi thịt chín tới thì cho lá trơng xắt nhỏ vào xào cùng một lát là được.

Hai kiểu chế biến này kiểu nào món ăn cũng thơm ngon vô cùng. Đặc biệt thưởng thức thịt trâu lá trơng vào những ngày mưa rét thì còn gì bằng.

Bánh ướt Phương Lang

Đây là món ăn nổi tiếng ở làng Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng.

Bánh ướt Phương Lang (ảnh từ Internet)
Bánh ướt Phương Lang (ảnh từ Internet)

Cũng như bánh ướt của nhiều nơi khác, bánh ướt Phương Lang cũng được làm từ nguyên liệu chính là gạo. Gạo sau khi vo sạch sẽ được ngâm nước trong đêm. Đến sáng hôm sau thì xay thành bột nước, rồi tráng bánh trên hơi nước sôi. Bánh được tráng không quá dày mà cũng không được quá mỏng. Sau khi được tráng xong, bánh sẽ được xếp chồng lên nhau. Khi dùng bánh được tách từng cái, cuốn lại và cho lên dĩa.

Bánh ướt Phương Lang được ăn kèm với rau sống, thịt heo luộc xắt lát mỏng và không thể thiếu bát nước nước chấm thơm ngon, bắt mắt. Nước chấm có thể làm ngọt hay mặn thì tùy vào khẩu vị yêu thích của từng người nhưng trong bát nước chấm sẽ luôn có ớt trái được giã nhỏ. Ngoài ra, muốn nước chấm thơm hơn người nội trợ có thể cho thêm một ít mè rang vàng vào.

Lòng thả

Lòng thả Quảng Trị (ảnh từ Internet)
Lòng thả Quảng Trị (ảnh từ Internet)

Lòng thả ở Quảng Trị hay còn được gọi là lòng sả bởi có gia vị chính là sả. Lấy tên là lòng thả là do phương thức thả lòng vào nồi nước. Đây là món ăn rất phổ biến ở Quảng Trị và được chế biến khá đơn giản.

Đầu tiên, người ta đánh tiết heo hay tiết vịt cho tan vụn rồi đổ vào nồi nước. Cho sả, nêm gia vị, thêm gạo rang vàng và đậu xanh vào nấu nhừ. Từ phần lòng heo hoặc vịt làm sạch (gồm các bộ phận: ruột, tim, gan, cật…) cắt miếng vừa ăn, chờ cháo sôi, đem thả vào nồi, sôi già thì múc ra tô và ăn kèm với bánh mỳ. Khi ăn thêm ớt cho thật cay.

Bắp hầm

Bắp hầm là một món ăn được bày bán rất nhiều ở Quảng Trị và trở thành món ăn sáng yêu thích của nhiều người.

Bắp hầm là món ăn sáng phổ biến ở Quảng Trị và được nhiều thế hệ yêu thích (ảnh từ Internet)
Bắp hầm là món ăn sáng phổ biến ở Quảng Trị và được nhiều thế hệ yêu thích (ảnh từ Internet)

Để có được món bắp hầm ngon người ta phải chọn những hạt bắp nếp căng tròn, bóng sáng để hầm. Bắp được đãi sạch rồi ngâm qua đêm, sau đó cho vào nồi hầm chín. Khi bắp vừa chín tới thì cho đậu xanh luộc, đường, muối, cùng dừa thái sợi và thêm một ít mè vào trộn đều.

Nem chợ Sãi

Người Quảng Trị có câu “Nem chợ Sãi, vải La Vang” để nhắc tên những đặc sản trứ danh của từng địa phương trong tỉnh. Đây là món ăn nức tiếng của làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong.

Nem được làm từ thịt nạc đùi, nạc thân hoặc vai sau đó rửa sạch, để ráo nước và xay cùng với gia vị. Riêng phần da, sau khi lọc sạch mỡ, chần qua ở nước sôi rồi thái thành từng sợi nhỏ. Sau đó trộn đều thịt và da vào với nhau và gói kỹ bằng lá chuối tươi cùng vài lát ớt đỏ và ít hạt tiêu, rồi buộc lại thành từng cặp. Nem được để chín trong nhiệt độ thường, thoáng khí, sau 3 – 5 ngày là dùng được.

Nem chợ Sãi (ảnh từ Internet)
Nem chợ Sãi (ảnh từ Internet)

Nem chợ Sãi có vị chua thanh riêng biệt, miếng nem thường đậm đà, khi cắn vào miệng sẽ có cảm giác cay thé ở nơi đầu lưỡi.

Đọc thêm