"Món nợ" của QH

(PLO) - Kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa 13 có nhiều nội dung đặc biệt; trong đó các đại biểu (ĐB) QH lần lượt được nghe các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa 13 của Chính phủ, QH và Chủ tịch nước, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
"Món nợ" của QH

Không khó để nhận ra báo cáo tổng kết nào cũng là những bức tranh đẹp. Trong đời hoạt động, mỗi người chắc đều có ít nhất một lần làm báo cáo khen thưởng. Tương tự, đời sống tập thể cũng vậy. Báo cáo nào cũng đẹp về thành tích, mờ khuất về hạn chế và nguyên nhân của hạn chế thường là do khách quan và những điều vu vơ, ngoài… tầm với.

“Quy luật khách quan” này cũng thấy trong các báo cáo đã nói. Cử tri theo dõi trước màn hình vô tuyến thấy “tràng giang” thành tích trong mỗi báo cáo. Nhiều vấn đề trong báo cáo nào cũng có mặt, tức là “trùng” nội dung, trong đó có lĩnh vực công tác tư pháp: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Công bằng mà nói, nhiệm kỳ qua, QH đã thông qua được khối lượng rất lớn các đạo luật, thể hiện nỗ lực lớn của Quốc hội trong lĩnh vực lập pháp. Công lao này tất nhiên đều có phần của Chính phủ, QH, Chủ tịch nước.

“Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa 13 như một bức tranh đẹp, cũng có phần lãng mạn. Tuy nhiên, sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở, ưu tư vì còn nhiều nợ dân, nợ nước”, một ĐBQH đã nói.

Việc ban hành được nhiều bộ luật, luật không đồng nghĩa với xã hội kỷ cương hơn, bộ máy vận hành trơn tru hơn. Việc đưa luật vào cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều luật ban hành ra, ghi rõ có giá trị thực hiện từ ngày, tháng, năm… nhưng đến thời gian đó vẫn chưa đủ điều kiện thực hiện vì các văn bản dưới luật, nghị định, thông tư chưa kịp ban hành. Điều này làm hiệu lực của luật ban hành giảm đi rất nhiều.

“Luật thì nhiều nhưng nhân dân sốt ruột, lo lắng vì “bệnh” nhờn luật và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình quyền đứng trên pháp luật”, một ĐBQH nhận xét. Ông nêu ví dụ lần xây dựng Luật Đất đai, rất nhiều ĐBQH tha thiết đề nghị nên có chính sách điều chỉnh trong giao đất nông nghiệp nhưng đã không được chấp nhận. “Đến khi giám sát việc nông dân bỏ ruộng và trả ruộng, chúng tôi mới thấm câu ca đã có từ lâu, ĐB phát biểu thì rất hay nhưng tiếp thu thì rất gay nên xin giữ nguyên như dự thảo”.

Đấy là chưa nói chuyện các khoản “nợ luật”. Vân vân và vân vân.

Bao giờ “bức tranh đẹp” đồng nghĩa với “bức tranh thực tiễn”?. Đây có thể nói là ưu tư chung của tất cả các ĐBQH, từ ĐB có nhiều chức, chức cao đến ĐB ít chức, chức thấp. Đây có thể nói là “món nợ” của khóa 13 chuyển sang khóa 14, khi những ngày cuối cùng khóa 13 đã cận kề.

Đọc thêm