Môn thể thao 'quốc dân' tại các quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nếu như người Mỹ say mê với bóng bầu dục hay người Nhật Bản “nhà nhà bóng chày, người người bóng chày” thì người Thái Lan lại dành tình cảm cho Muay Thái - môn thể thao truyền thống của nước nhà. Là một phần của văn hoá, thể thao gắn liền với các quốc gia như “hơi thở” và tại mỗi nền thể thao lại có các bộ môn “quốc dân” được yêu thích.
Bóng chày không chỉ là môn thể thao mà còn biểu hiện các giá trị người Nhật tôn trọng. (Ảnh: Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản)
Bóng chày không chỉ là môn thể thao mà còn biểu hiện các giá trị người Nhật tôn trọng. (Ảnh: Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản)

Khi bóng đá không phải môn thể thao “vua”

Nhắc đến môn thể thao “vua” nhiều người sẽ nghĩ đến bóng đá - môn thể thao với lượng người hâm mộ đông đảo phủ khắp thế giới, các giải bóng đá trên thế giới đều trở thành “hiện tượng gây bão”. Tuy nhiên, không phải ở quốc gia nào bóng đá cũng được coi là môn thể thao “vua” như cái tên vẫn thường gọi.

Điển hình tại Mỹ, khi mà gần như cả thế giới đều náo động và dành thời gian để theo dõi các giải đấu bóng đá lớn trên khắp hành tinh thì người Mỹ nằm ngoài làn sóng này. Theo nhiều khảo sát, hầu hết người Mỹ đều thờ ơ với bóng đá và dành thời gian cho các môn thể thao khác như bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ… những môn thể thao do chính họ tạo ra.

Trong đó nhất định phải nhắc đến bóng bầu dục, bộ môn “quốc dân” được người Mỹ đặc biệt yêu thích. Một cuộc thăm dò của The Washington Post được thực hiện vào năm 2022 cho thấy 67% người Mỹ là fan bóng bầu dục. Không có môn thể thao nào khác được hơn 50% người lựa chọn.

Tại đây, nếu nói đến bóng đá tức là nhắc đến bộ môn mà chúng ta thường gọi là bóng bầu dục, hoặc đơn giản là “bóng đá Mỹ”. Xuất phát từ các trường trung học và đại học ở Mỹ. Trận đấu đầu tiên của bộ môn này được cho là diễn ra vào ngày 6/11/1869. Ở Mỹ có 3 dạng bóng bầu dục dành cho các đối tượng là học sinh trung học, sinh viên đại học và chuyên nghiệp, mỗi dạng đều có sự khác biệt về luật chơi.

Với dạng chuyên nghiệp, sự yêu thích của người dân đặc biệt dành cho Super Bowl (Siêu cúp bóng bầu dục) - sự kiện thể thao được mong đợi nhất trong năm. Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, một sự kiện thể thao đã phát triển thành bữa tiệc lớn nhất và đầy tốn kém của nước Mỹ. Giải đấu này chiếm 30 trong số 32 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất trong lịch sử xứ cờ hoa và có 100 triệu người theo dõi trên NBC.

Tương tự, tại Nhật Bản, dù người dân vẫn yêu thích bóng đá nhưng tình yêu đó không “cháy bỏng” như dành cho bóng chày. Ở xứ sở mặt trời mọc, bóng chày không chỉ là môn thể thao “quốc dân” mà còn vượt ra ngoài phạm vi thể thao để trở thành biểu tượng văn hoá. Theo dữ liệu do Dịch vụ Nghiên cứu Trung ương Nhật Bản công bố vào năm 2018, 48% người hỏi chọn bóng chày là môn thể thao yêu thích, 2 vị trí còn lại thuộc về bóng đá và sumo với tỷ lệ khoảng 25% mỗi môn.

Ở Nhật Bản, trẻ em có thể không biết chơi bóng đá nhưng chắc chắn biết chơi bóng chày. Bóng chày được đưa vào giảng dạy như một môn học chính thức bắt buộc tại Nhật từ cấp tiểu học. Do đó, đối tượng chơi bóng chày không chỉ có các chàng trai mà ngay cả người già và các cô gái cũng thường xuyên luyện tập bóng chày. Vì vậy, nói rằng tại Nhật Bản “nhà nhà bóng chày, người người bóng chày” là hoàn toàn hợp lý.

Bóng chày được giới thiệu lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1872 và nhanh chóng được phát triển phổ biến từ lúc đó tới tận bây giờ. Giải bóng chày chuyên nghiệp Nhật Bản được thành lập vào năm 1936 với tên gọi tắt là NPB, hiện nay có 12 đội bóng thi đấu và trở thành giải đấu thể thao được đa số người Nhật theo dõi. Một thống kê cho biết, có khoảng 27 triệu người hâm mộ môn thể thao này, chiếm khoảng 20% dân số.

Môn thể thao quốc gia của Argentina với tên gọi Pato. (Ảnh: Ampascachi)

Môn thể thao quốc gia của Argentina với tên gọi Pato. (Ảnh: Ampascachi)

Còn tại Trung Quốc, dù được đầu tư hàng tỷ USD nhưng bóng đá nơi đây lại không gặt được nhiều thành công và được yêu thích như các môn thể thao khác. Hai môn thể thao được theo dõi nhiều nhất tại Trung Quốc là cầu lông và bóng bàn. Tuy trong những năm gần đây đã có rất nhiều bộ môn mới nổi vươn lên và chiếm tần suất theo dõi của người dân Trung Quốc thế nhưng tình yêu của họ dành cho cầu lông và bóng bàn là không hề thay đổi. Đây cũng là quốc gia phát triển nhất thế giới về hai bộ môn này và đã mang lại hào quang cho nền thể thao Trung Quốc suốt nhiều năm qua.

Cầu lông là bộ môn được nhiều người Trung Quốc chơi nhất với số lượng nếu nghe qua sẽ phải choáng váng. Theo ước tính sơ bộ có hơn 100 triệu người Trung Quốc chơi cầu lông và con số này lớn hơn số lượng người chơi bóng bàn ở quốc gia này 20 triệu người. Dù chơi cầu lông ở cấp độ nào thì môn thể thao này vẫn cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc. Không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em được cha mẹ và ông bà dẫn đi chơi cầu lông ở khu chung cư của họ hay trong các công viên địa phương. Còn ở cấp độ chuyên nghiệp, sự vĩ đại của cầu lông ở Trung Quốc không chỉ gói gọn trong khuôn khổ Thế vận hội mà tại nhiều sân chơi lớn khác như Thomas, Uber và Surdiman Cup, cầu lông Trung Quốc cũng tỏ ra vô cùng vượt trội.

Ngoài ra, còn có thể kể đến các quốc gia khác như Thái Lan với môn thể thao truyền thống Muay Thái, Ai Cập và những tay chơi bóng quần vợt vô địch thế giới, Hàn Quốc với bóng chày, Iran coi đấu vật là bộ môn “quốc dân”, Argentina dù tập hợp các cầu thủ bóng đá vĩ đại thế giới nhưng Pato mới là môn thể thao quốc gia,…

Là một phần của văn hóa

Thể thao là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và cũng là một phần không thể thiếu của văn hoá, thể thao luôn cần có văn hoá. Một môn thể thao được coi là “quốc dân” tại một quốc gia không chỉ dựa vào sự yêu thích của người dân, thành tích cao trên đấu trường quốc tế mà còn dựa vào các yếu tố lâu đời (văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý) mới là điều kiện cần và đủ. Đặc biệt, nhìn vào các môn thể thao “quốc dân” chúng ta còn có thể nhìn thấy được nét văn hoá đặc sắc hay giá trị của quốc gia đó.

Gọi Muay Thái là “linh hồn” của Thái Lan bởi môn thể thao này là một phần tài sản trong kho tàng văn hoá, là niềm tự hào của người Thái Lan. Không chỉ là môn thể thao chiến đấu nó là một kỷ luật chứa đựng truyền thống, nghi lễ và sự tôn trọng. Dù đã xuất hiện trên toàn thế giới, làm phong phú văn hoá tại nhiều quốc gia nhưng “nghệ thuật tám chi” tại quê nhà vẫn mang một nét văn hoá riêng biệt. Hàng năm, Tổng cục Du lịch Thái Lan và Hiệp hội Quyền anh nhà nghề Thái Lan đều tổ chức nghi lễ bái sư Wai Kru để giới thiệu cho cả thế giới những nghi thức thiêng liêng trong Muay Thai.

Trong những ngày trước sự kiện, các đấu sĩ phải tham gia các nghi lễ để thờ Nai Khanom Tom - một đấu sĩ quyền Thái nổi tiếng, được xem là ông tổ của môn võ này. Tiếp đó là những buổi trình diễn văn hóa và nghệ thuật Thái bao gồm xăm mình kiểu Thái, rèn kiếm Aranyik, biểu diễn quyền Thái và một buổi triển lãm vũ khí cổ đại. Sau đó vào buổi chiều, buổi lễ Wai Kru sẽ diễn ra, tôn vinh những vị vua tổ tiên và những người lính can đảm của Thái đã bảo vệ Tổ quốc và xem buổi trình diễn vào buổi tối. Hàng năm, cứ đến ngày 17/3, môn đồ của Muay Thái từ khắp thế giới đều hướng về Ayutthaya, hướng về đất tổ của Muay, cũng như hướng về Nai Khanomtom để tìm về cội nguồn.

Super Bowl - sự kiện thể thao được mong đợi nhất trong năm tại Mỹ. (Ảnh: Super Bowl)

Super Bowl - sự kiện thể thao được mong đợi nhất trong năm tại Mỹ. (Ảnh: Super Bowl)

Một trong những lý do khiến bóng chày trở thành môn thể thao quốc dân tại Nhật Bản chính là nó biểu hiện các giá trị mà người Nhật tôn trọng. Bao gồm tính kỷ luật, sự chăm chỉ và tinh thần làm việc nhóm. Sumo, judo hay đấu kiếm đều là những môn truyền thống của Nhật Bản, tuy nhiên lại không phải một môn đồng đội. Ngoài ra, trong bóng chày còn có cả lòng trung thành, điều đó thể hiện qua những người chơi chuyên nghiệp của Nhật Bản có xu hướng gắn bó với 1 đội nhất định trong cả sự nghiệp, bất chấp sự chào mời đến với các giải bóng chày Mỹ.

Còn tại đất nước đã 2 lần vô địch World Cup, sản sinh ra 2 trong số những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, Messi và Maradona. Bóng đá rất được yêu thích tại nơi đây. Nhưng môn thể thao quốc gia của Argentina thực tế lại là một trò chơi với tên gọi Pato. Trong Pato, người chơi phải cưỡi ngựa và tìm cách đưa quả bóng pato qua các vòng lưới để ghi điểm. Môn thể thao này giống như sự pha trộn giữa polo và bóng rổ. Đến nay, cưỡi ngựa ở Argentina vẫn là một nét văn hóa đặc sắc và là hoạt động thường xuất hiện ở các lễ hội nổi tiếng ở quốc gia này.

Đọc thêm