Thời gian tới, Luật năm 2015 dự kiến được sửa đổi, bổ sung nên nhiều ý kiến hy vọng vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015 thì từ ngày 01/7/2016 (thời điểm Luật năm 2015 có hiệu lực) trở đi, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương chỉ được quy định TTHC trong trường hợp được luật giao.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, các bộ, ngành, địa phương đã phản ánh không ít khó khăn, vướng mắc. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thúy Duyên chia sẻ, hiện nay nhiều VBQPPL dưới luật do cơ quan Trung ương ban hành giao cho chính quyền địa phương, nhất là cấp tỉnh ban hành VBQPPL quy định cụ thể một số nội dung, trong đó có trình tự, thủ tục, phí, lệ phí thực hiện TTHC, cần thiết ban hành TTHC để thực hiện cho thống nhất. “Do không được giao trong Luật nếu ban hành thì sẽ vi phạm Luật Ban hành VBQPPL năm 2015” – bà Duyên trăn trở.
Bên cạnh đó, bà Duyên cho biết, khi ban hành VBQPPL theo quy định tại Điều 27, 28 Luật năm 2015, sẽ có phát sinh TTHC (toàn bộ thủ tục hoặc một bộ phận cấu thành TTHC) để thực hiện và một lần nữa, do không được Luật giao nên địa phương lúng túng trong triển khai thực hiện.
Tương tự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Thị Kim Dung thẳng thắn nhận xét, quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật năm 2015 gây ra nhiều khó khăn cho các bộ, ngành trong việc ban hành văn bản để thực hiện công tác quản lý nhà nước trong ngành mình. Không những thế, trong thực tiễn còn phát sinh nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của TTHC đã ban hành. Có điều Luật năm 2015 không quy định về trường hợp này nên việc sửa đổi, bổ sung văn bản có TTHC của các bộ, ngành cũng gặp khó khăn.
Ghi nhận những phản ánh của các bộ, ngành, địa phương, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, trong quá trình áp dụng quy định này, các bộ, ngành, địa phương còn gặp một số lúng túng trong việc xác định các trường hợp được quy định TTHC trong thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và VBQPPL của địa phương; sửa đổi, bổ sung quy định về TTHC trong các thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, VBQPPL của địa phương đã được ban hành; quy định TTHC trong nghị quyết của UBND cấp tỉnh về biện pháp đặc thù của địa phương thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật năm 2015.
Để tháo gỡ vấn đề trên, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị sửa khoản 4 Điều 14 Luật năm 2015 theo hướng văn bản cao hơn thông tư sẽ hướng dẫn các yêu cầu, điều kiện để thực hiện TTHC, còn quy trình thực hiện TTHC sẽ được quy định tại thông tư, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND.
Ý kiến này cũng đề xuất cần quy định mang tính nguyên tắc TTHC như thế nào thì được giao trong luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ khoản 4 Điều 14 của Luật, đồng thời thiết kế 1 điều quy định cụ thể các trường hợp được ban hành TTHC; quy định việc sửa đổi, bổ sung các TTHC ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực.
Đối với quy định TTHC trong VBQPPL của địa phương, bà Duyên đề nghị chỉnh sửa theo hướng trong trường hợp nghị định, thông tư mà giao thì được quy định TTHC hoặc HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành chính sách, biện pháp đặc thù ở địa phương mà phát sinh TTHC thì phải thực hiện đánh giá tác động và xin ý kiến cơ quan kiểm soát TTHC của Trung ương trước khi ban hành; đồng thời quy định thời hạn, trách nhiệm, nội dung cho ý kiến của cơ quan kiểm soát TTHC Trung ương.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thì đề nghị vẫn giữ khoản 4 Điều 14 nhưng bổ sung điều khoản chuyển tiếp, trong đó quy định cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC trong thông tư, thông tư liên tịch và VBQPPL của chính quyền địa phương ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực.
Thiết nghĩ đề nghị của Vụ vừa nêu khá hợp lý bởi không phải ngẫu nhiên mà Luật năm 2015 lại bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 14. Đây là quy định nhằm hạn chế (không phải cấm tuyệt đối) đặt ra TTHC trong thông tư và VBQPPL của địa phương nhằm góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.