Một cân chè đắt như... vàng ròng

(PLO) - Sở dĩ nó có giá đắt đỏ đến như vậy vì, để đủ nguyên liệu chế biến 1kg “Nhất Đinh Trà” (hay còn gọi là Trà Đinh) phải cần đến 20 thợ giỏi hái búp chè suốt một ngày...

 

Gần 1.100m2 mới chế biến được 1kg chè

Lâu nay, trong nhiều tài liệu ghi chép, chè Đinh là loại chè đặc sản, quý hiếm, có khả năng phòng bệnh ung thư, chống lão hóa...

Dẫn chúng tôi đến vườn chè cổ, chị Nguyễn Thị Tân, Chủ nhiệm HTX Tân Trà Thái chia sẻ: "Chè Đinh là loại chè được thu hái trên vườn chè bằng hạt, có tuổi đời từ 5 năm trở lên, được chăm sóc theo cách đặc biệt không sử dụng chế phẩm hoá học, búp chè còn ngậm chặt, nhọn hoắt như những chiếc Đinh. Nghệ nhân vùng chè có kinh nghiệm lâu năm mới làm ra được những cánh trà nhỏ xíu, xoắn tít. 

Điều đáng nói, hương vị thơm ngon độc đáo của vùng chè Đinh quyến rũ đặc biệt đối với người uống trà. Đây là sản phẩm của ông Trần Văn Thái - “nghệ nhân làm trà” đất chè Tân Cương Thái Nguyên - người đã sáng tạo ra dòng chè Đinh - Nhất Đinh Trà này. Từ búp nõn phải sao bằng cái tâm, cái tài và giác quan nhạy bén của người nhiều năm gắn bó với cây chè…

Dòng chè Đinh được chọn những búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh,
Dòng chè Đinh được chọn những búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh,

Được hái từ những cây chè của gia đình là chè trung du truyền thống, không dùng bất cứ một loại hóa chất nào trong bón phân và trừ diệt sâu, chính vì thế, sản phẩm chè an toàn của gia đình sau khi pha, nước trà luôn xanh trong, dù để lâu cũng không đổi màu.

Nhất Đinh Trà có mầu xanh đen nhỏ như chiếc kim có vân xoắn nằm gọn lỏn, khác hẳn với những búp chè khô vẫn thường thấy, 1 kg Nhất Đinh Trà cho được 60 lít nước trà ngon, gấp 3 lần so với trà nõn tôm đặc sản.

Điều đáng nói để thu hái đủ chè búp tươi làm nguyên liệu chế biến 1kg “Nhất Đinh Trà” này phải cần đến 20 thợ giỏi hái suốt một ngày trên diện tích 3 sào (gần 1.100m2). Lại chỉ được hái 1 búp nõn còn đang ngậm chặt nhọn như chiếc đinh (chính vì thế mà gọi đó là trà đinh) vào lúc trời không nắng gắt, hoặc mưa. Hái xong phải cho vào sọt cứng bằng tre đan, mang về nhà, phải trải ra nong nhẹ nhàng, tránh dập gãy và không được để lâu, chỉ để khoảng 1 đến 2 tiếng là phải cho vào sao suốt ngay.

Cũng theo chị Tân, sao chè là khâu quan trọng nhất, kỳ công nhất vì những nõn chè non quá nhỏ và mỏng, nên đòi hỏi người sao chè phải có kinh nghiệm và kỹ thuật đặc biệt. Gỗ củi để sao chè xưa kia chỉ dùng gỗ nghiến, ngày nay chỉ có thể thay thế bằng gỗ bạch đàn.

Mẻ Chè Đinh đã được sao rất cẩn thận
Mẻ Chè Đinh đã được sao rất cẩn thận 

Theo người làm chè, chỉ cần đưa vào lò sấy một cành củi xoan là mẻ chè ấy sẽ bị đắng và mất ngay mùi thơm cốm. Búp chè tươi cho vào tôn quay sao lần 1 diệt men, lần sao này, chè dẻo như bún, dỡ chè ra máy vò để tạo vân xoắn và làm dập chè vừa đủ.

Sau đó, lại cho vào tôn quay sao tiếp, lần này để sao khô. Ở lần sao này, những búp trà đinh nhỏ xoắn chặt, khô giòn mà không cháy đã thoang thoảng hương rồi. Lần sao thứ 3 là đánh mốc, tạo hương, lần này búp chè phải thơm nức mùi hương cốm.

Chè được pha với màu nước xanh, tạo hương thơm phức
Chè được pha với màu nước xanh, tạo hương thơm phức

Sản phẩm chè sau khi trải qua công đoạn chế biến cực kỳ công phu sẽ được đóng gói bằng túi thiếc và hút chân không.

Giá trị của sản phẩm chứa đựng những gì tinh túy nhất của vùng chè đệ nhất và chứa đựng tất cả tài năng, tâm huyết, phẩm hạnh và đam mê của nghệ nhân xứ trà. Đến nay, đã có nhiều người trong vùng học hỏi và làm ra sản phẩm chè Đinh nhưng về sự thượng hạng thì vẫn chưa ai qua được Nhất Đinh Trà của ông Trần Văn Thái - nghệ nhân HTX Tâm Trà Thái.

Bắt kịp nhu cầu thị trường

“Trung bình mỗi tháng, tôi bán 5-8 kg trà đinh với giá 3-4 triệu đồng/kg, trà nõn 10-15 kg với giá 800.000-1,5 triệu đồng/kg thì ngang bằng lúc trước bán vài tạ chè thường chỉ 200.000-300.000 đồng/kg. Tuy khâu thu hoạch, chế biến đều vất vả hơn nhưng giá trị mang lại lớn nên ai cũng hứng khởi”, chị Tân nói.

Hiện sản phẩm trà đinh nõn do  HTX Tân Trà Thái sản xuất được phân phối tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.

Chia sẻ với PV về nhu cầu thị trường, chị Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty CP chè Hà Thái (Thái Nguyên, tiền thân HTX Tâm Trà Thái) chia sẻ: "Qua 16 năm hoạt động, công ty đã xuất khẩu sản phẩm chè sang nhiều ước, đặc biệt năm 2016 sản phẩm của công ty dự thi cuộc thi chè quốc tế tại Bắc Mỹ và đã đạt huy chương Bạc. Khác với các loại chè khác, sản phẩm chè của công ty được làm theo quy trình chặt chẽ theo từng công đoạn như chọn vùng nguyên liệu, chọn giống, cách trồng, chăm sóc, thu hái, sao sấy chè, bảo quản đều rất công phu và tỉ mỉ, để khi sản xuất ra sản phẩm có nét độc đáo riêng. Khi thu hái thì phải chọn những nghệ nhân sành về chè và chỉ hái từ 5h-8h sáng, mỗi cân chè đinh bán ra với giá 15 triệu đồng/kg. Chủ yếu cung cấp cho đơn vị đặt hàng sẵn để làm quà tặng và xuất khẩu sang Bắc Mỹ, Canada. 

Theo Chủ nhiệm HTX Tân Trà Thái Nguyễn Thị Tân, để một sản phẩm bán được giá cao, ngoài chất lượng tốt thì chưa đủ, mặt hàng còn phải phù hợp với xu thế thị trường và thị hiếu của khách hàng.

Nhằm tiếp cận người tiêu dùng một cách khôn khéo, thời gian đầu, chị thường tặng kèm các tép nhỏ trà thượng hạng khi khách mua sản phẩm chè khác, từ đó tìm kiếm ra được nguồn khách mới trong các mối cố định.

Chị Nguyễn Thị Tân -Chủ nhiệm HTX Tân Trà Thái đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng
Chị Nguyễn Thị Tân -Chủ nhiệm HTX Tân Trà Thái đang giới thiệu sản phẩm cho khách hàng

“Sau mỗi lần mua hàng, tôi thường xin lại số điện thoại của khách để khi họ dùng xong có thể hỏi thêm về tình hình sản phẩm, từ đó đưa ra chiến lược sản xuất, tiếp cận thị trường cho phù hợp. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng, chỉ có người trực tiếp dùng sản phẩm mới đánh giá được chính xác thứ họ cần” - chị chia sẻ

Ngoài ra, chị còn sớm áp dụng công nghệ thông tin trong khâu buôn bán. Chị kể, chính khách hàng là người đưa chị đến gần hơn với Internet, thương mại điện tử.